(VTC News) – 7.000 lít dầu chứa chất cực độc đang được ví như “bom hóa học” có thể “phát nổ” bất cứ lúc nào, hủy diệt vịnh Hạ Long, nguy hại sức khỏe hàng vạn người dân.
7.000 lít dầu chứa hóa chất siêu độc nằm sát Vịnh Hạ Long suốt 7 năm qua, đã bắt đầu rò rỉ ra môi trường nhưng cả địa phương, doanh nghiệp và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vẫn đá qua đá lại “quả bóng trách nhiệm” khiến dư luận thực sự nóng ruột, bất bình.
Thực tế, không phải các cơ quan chức năng không hay biết về “quả bom hóa chất” đang nằm chình ình trong Cảng Cái Lân, ngay sát vịnh Hạ Long trong suốt 7 năm qua.
Những container chứa hóa chất cực độc ở Cảng Cái Lân |
Sau đó, không hiểu vì vô tình hay cố ý làm ngơ, lô máy biến thế với 7.000 lít dầu chứa hóa chất cực độc kia được cất trữ ngay ở Cảng Cái Lân một cách sơ sài suốt 7 năm, không ai ngó ngàng đến.
Dư luận ngạc nhiên bởi rõ ràng, nhận thức PCB là hóa chất cực độc, nếu để rò rỉ ra môi trường, thì không chỉ Vịnh Hạ Long bị hủy diệt, mà tính mạng của hàng vạn người dân Quảng Ninh sẽ bị đe dọa trực tiếp, vậy tại sao lãnh đạo Quảng Ninh để nó nằm phơi sương, phơi nắng suốt 7 năm qua?
Báo chí vào cuộc phản ánh, các cơ quan chức năng mới “giật mình”, cuống cuồng tìm cách xử lý. Đến khi hóa chất trong các container đã bắt đầu rò rỉ, tỉnh Quảng Ninh mới chỉ làm được công việc duy nhất là đóng gói tạm thời lô hàng trong những container được cho là “có khung chắc chắn”. Nhưng ai cũng biết, sự chắc chắn đó cũng chỉ ảo tưởng, chỉ là do các cá nhân tự cảm nhận.
Chính ông Hoàng Danh Sơn, Phó giám đốc Sở TN&MT Quảng Ninh đã thừa nhận, việc lưu trữ, bảo quản số hóa chất cực độc này không theo một quy chuẩn, tiêu chuẩn nào vì Sở không nhận được hướng dẫn cụ thể của Bộ TN&MT.
Lúc này, nguy cơ vỡ container và 7.000 lít dầu siêu độc trên tràn xuống vịnh Hạ Long luôn nằm trong tình trạng báo động. Việc đóng gói, bảo quản như trên chỉ là tạm thời chờ phương án xử lý cụ thể từ Bộ, từ doanh nghiệp – chủ nhân của lô chất cực độc này.
Nhiều người đặt câu hỏi: Công ty CP đầu tư Cửu Long – Vinashin vốn là một doanh nghiệp nhà nước, khi nhập về lô hàng chứa chất độc hại đó có nghĩ đến hậu quả hay chỉ quan tâm đến lợi ích của chính doanh nghiệp mình?
Hơn nữa, ai gây ra hậu quả thì người đó phải là người gánh trách nhiệm xử lý. Lẽ đương nhiên, trong trường hợp này, trách nhiệm của Công ty CP đầu tư Cửu Long là phải tìm mọi cách xử lý lô hàng chứa hóa chất độc hại trên dưới sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
Có thể nhận thấy sự thờ ơ, vô trách nhiệm của doanh nghiệp này khi các cơ quan chức năng cuống cuồng, còn doanh nghiệp vẫn ‘bình chân như vại”. Mặc tỉnh Quảng Ninh nôn nóng tìm cách xử lý, mặc dư luận lên tiếng bất bình, Công ty này vẫn ‘im hơi, lặng tiếng’, mặc nhiên chờ đợi các giải pháp từ tỉnh Quảng Ninh, từ Bộ TN&MT.
Được biết, Công ty CP đầu tư Cửu Long đang có 7 kho chứa hàng đặt tại Hải Phòng. Mới đây, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh có công văn gửi đến Công ty này đề nghị sớm chuyển lô hàng này về kho của công ty ở Hải Phòng để lưu giữ an toàn theo đúng quy định.
Tuy vậy, việc chuyển về Hải Phòng đương nhiên không dễ dàng bởi chẳng có địa phương nào lại gật đầu nhận kho thuốc độc có nguy cơ hủy diệt cộng đồng này. Hơn nữa, kể cả có chuyển về Hải Phòng cũng chỉ là phương án tạm thời, nhằm loại bỏ nguy cơ hủy diệt đối với Vịnh Hạ Long, nhưng không thể xử lý được triệt để những nguy cơ rò rỉ chất độc ra môi trường, gây họa cho con người.
Hiện cả nước mới có một cơ sở xử lý triệt để loại hóa chất này nhưng ở mãi tận Kiên Giang. Việc vận chuyển số hóa chất độc hại này vào Kiên Giang để xử lý không chỉ tốn kém về kinh phí, mà còn đặc biệt nguy hiểm trong quá trình vận chuyển.
Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, việc vận chuyển lô hàng khổng lồ này phải được giao cho một đơn vị có giấy phép vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại do Bộ TN&MT cấp phép.
“Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam cũng chưa bao giờ vận chuyển một khối lượng hóa chất độc hại lớn như thế. Hiện nay, Việt Nam cũng chưa ban hành hướng dẫn kỹ thuật với việc vận chuyển và tiêu hủy hóa chất siêu độc PCB. Các hướng dẫn kỹ thuật này mới đang ở giai đoạn dự thảo”, ông Tùng cho biết.
Như vậy phương án xử lý triệt để trước mắt có thể coi như bế tắc, cả Bộ TN&MT, tỉnh Quảng Ninh và doanh nghiệp đều loay hoay trong khi dư luận thì nóng ruột từng ngày.
Vịnh Hạ Long chắc chắn sẽ bị hủy diệt, hàng vạn người dân đang đối diện với nguy cơ bị đe dọa sức khỏe nghiêm trọng nếu các cơ quan chức năng tiếp tục ‘đá bóng trách nhiệm’ cho nhau.
Lan Uyên
Bình luận