• Zalo

7 câu không nên nói với trẻ

Tổng hợpThứ Bảy, 04/02/2012 09:41:00 +07:00Google News

Đôi khi những câu nói vô tình hoặc thốt ra trong những lúc giận dữ của chúng ta có thể làm tổn thương đến tâm hồn non nớt của trẻ.

Đôi khi những câu nói vô tình hoặc thốt ra trong những lúc giận dữ của chúng ta có thể làm tổn thương đến tâm hồn non nớt của trẻ. Những ấn tượng từ thời thơ ấu này sẽ ám ảnh cho đến khi trẻ lớn lên. Do đó, trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ cần chú ý không nên nói những câu như sau với trẻ:
 

“Tao đã nói bao nhiêu lần là không được rồi!”

Muốn tạo cho trẻ một thói quen tốt cần phải có thời gian và thái độ kiên nhẫn, bao dung. Sự dịu dàng sẽ khiến trẻ nhớ lâu hơn là quát nạt. Cho nên, bạn đừng bao giờ bắt ép con phải theo “mệnh lệnh” của bạn. Không được xưng hô “mày, tao” với trẻ vì như vậy không chỉ thiếu lịch sự với con mà còn hàm ý áp đặt, xem con ở vị trí thấp trong gia đình.

 “Im ngay!”

Câu này mang hàm nghĩa áp đặt, không cho trẻ nói. Nhưng bạn phải hiểu rằng, đôi khi trẻ nói những điều rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Hơn nữa, nói là một trong những quyền muốn bày tỏ ý kiến cá nhân của trẻ. Vì vậy, hãy cho con được quyền nói, thậm chí được tranh luận một cách dân chủ, thoải mái và lễ phép. Nhưng dĩ nhiên, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về cha mẹ sau khi có những giải đáp mang tính định hướng, gợi mở hơn là áp đặt.

 “Sao con xấu tính giống mẹ/ba con thế!”


Không nên lôi người thứ 3 vào cuộc để mắng mỏ hay chê trách, nhất là khi người đó chính là vợ (hoặc chồng) bạn. Hãy rõ ràng và khách quan trong việc chỉ ra những cái sai hoặc thói xấu của con. Việc so sánh lỗi lầm của con cái với cha hoặc mẹ chúng chẳng những làm mất lòng nhau mà còn gây nên những rắc rối không đáng có khác và tạo ra cái nhìn không hay của trẻ đối với cha mẹ.

 “Hồi ba/mẹ bằng tuổi con, ba/mẹ đâu có hư như vậy?”

Lấy cha mẹ ra làm hình mẫu mang tính biểu tượng là cần thiết, nhưng cha mẹ không nên quá lạm dụng câu này. Điều quan trọng là cha mẹ nên tích cực làm gương bằng những hành động thực tế, chứ không nên quá đề cao mình và hạ thấp trẻ.

“Con mà không ngoan, ba/mẹ đuổi con ra đường luôn!”

Khi cha mẹ nói vậy trẻ sẽ lo sợ, sinh ra bất an, hoặc hoài nghi liệu mình có phải là con ruột của cha mẹ hay không. Ngược lại, con bạn sẽ chẳng quan tâm vì biết đó chỉ là lời dọa suông.

“Con coi kìa, bạn X  ngoan hơn con nhiều!”

Sự so sánh này có hai mặt, vừa có tích cực vừa tiêu cực. Một đứa trẻ có tính phấn đấu tốt sẽ cố gắng noi gương bạn. Ngược lại, nếu bạn cứ luôn chê bai con kém hơn các bạn thì nó sẽ “ì” ra, vì cho rằng không thể nào được như bạn đó, thậm chí không việc gì phải ngoan như bạn ấy cả. Vậy, bạn nên nói câu đó trong điều kiện, hoàn cảnh phù hợp.

“Đối với ba/mẹ, con là đứa trẻ giỏi nhất, con là thiên tài!”

Cha mẹ không nên ảo tưởng về con mình và càng không nên để con ảo tưởng về năng lực của bản thân trẻ. Hãy khen trẻ khi chúng ngoan hoặc có được thành tích tốt, nhưng không nên khen quá đà và quá nhiều. Hãy cho con biết rằng, con đã giỏi rồi nhưng còn nhiều bạn khác giỏi hơn con và con còn phải tiếp tục phấn đấu hơn nữa.

Theo Mangthai
Bình luận
vtcnews.vn