Ngày 28/6, Bộ Y tế sẽ bàn giao 7 bác sĩ trẻ khóa đầu tiên về công tác tại các huyện nghèo của 4 tỉnh: Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên và Sơn La.
Trong đó, có một bác sĩ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, một bác sĩ ngoại khoa và năm bác sĩ nhi. Các bác sĩ này tốt nghiệp Đại học Y loại khá, giỏi; được đào tạo thêm 2 năm theo phương thức “cầm tay chỉ việc” tại các bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương.
Thời gian làm việc tại vùng khó khăn là 2 năm đối với 2 bác sĩ nữ và 3 năm đối với 5 bác sĩ nam. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại các huyện nghèo, họ sẽ được tiếp nhận làm việc tại các bệnh viện Bạch Mai và Nhi Trung ương…
Theo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, tình trạng thiếu bác sĩ tại các huyện nghèo, vùng khó khăn rất trầm trọng.
Một số bệnh viện huyện các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Sơn La, Hà Giang... chỉ có 4-5 bác sĩ, thậm chí có nơi chưa có bác sĩ. Điều này cho thấy người dân ở các huyện nghèo, vùng xa rất thiệt thòi trong việc chăm sóc sức khỏe.
Tháng 2/2013, Bộ Y tế phê duyệt dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại miền núi, vùng sâu, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo).
Trong hơn 3 năm qua, Bộ Y tế phối hợp với Đại học Y Hà Nội tuyển chọn được 78 bác sĩ với 5 khóa đào tạo. 7 bác sĩ nói trên là những bác sĩ đầu tiên hoàn thành khóa học được đưa về huyện khó khăn.
Video: Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Bệnh nhân chen nhau dưới gầm giường, bác sĩ phải quỳ xuống tiêm
Đây là những bác sĩ được tuyển chọn trong các hồ sơ có kết quả học tập tốt, đăng ký tình nguyện về công tác tại vùng cao, vùng khó khăn.
Các bác sĩ này được đào tạo theo chuyên ngành: Nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và y học cổ truyền.
Họ được các giáo sư, bác sĩ có kinh nghiệm trực tiếp “cầm tay chỉ việc” đào tạo. Các chương trình đào tạo chú trọng năng lực thực hành, đảm bảo các bác sĩ trẻ có thể làm việc độc lập tại các huyện nghèo.
Bình luận