6.000 cổ đông Sudico đang hoang mang

Kinh tếThứ Hai, 31/10/2011 09:44:00 +07:00

Trong lúc Thanh tra Chính phủ và Sudico đang có những ý kiến trái chiều, thì khoảng 6.000 cổ đông của Sudico rất hoang mang, lo lắng.

Trong lúc Thanh tra Chính phủ và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) đang có những ý kiến trái chiều, thì khoảng 6.000 cổ đông của Sudico rất hoang mang, lo lắng.

Mất niềm tin vào Sudico

Ngay sau khi xuất hiện thông tin liên quan tới việc đề nghị tạm dừng Dự án Nam An Khánh,  cổ phiếu SJS của Sudico đã giảm sàn 3 phiên liên tiếp. Phiên giao dịch ngày 24/10, cổ phiếu SJS đã mất gần 5% so với ngày giao dịch trước đó, tương đương mức giảm 1.300 đồng/cổ phiếu, xuống còn 24.800 đồng/cổ phiếu. Ngày 25/10, SJS giảm 4,8%, xuống 23.600 đồng/cổ phiếu và phiên ngày 26/10 tiếp tục giảm 3,4%, xuống còn 22.800 đồng/cổ phiếu.

Nhiều cổ đông lo ngại, những bất ổn của Dự án Nam An Khánh sẽ khiến cổ phiếu SJS tiếp tục lao dốc.(Ảnh minh họa: Nguồn internet) 
SJS là một trong những cổ phiếu có mức vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt, trong nhóm cổ phiếu bất động sản, SJS được xếp vào hàng đầu, bởi Sudico đang sở hữu một quỹ đất dồi dào với nhiều vị trí thuận lợi, như Khu đô thị mới Nam An Khánh, Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, Khu đô thị Trần Hưng Đạo - Hòa Bình, Dự án Văn La - Văn Khê… Trong đó, Dự án Nam An Khánh được đánh giá là “con gà đẻ trứng vàng” cho Sudico.

Ông Lê Hải Dung, cổ đông sở hữu hơn 10.000 cổ phiếu SJS nhận định, Dự án Nam An Khánh được kỳ vọng sẽ đem lại doanh thu, lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nội bộ HĐQT và Ban điều hành Sudico đã xảy ra bất đồng sâu sắc trong việc khai thác Dự án. Điều này khiến nhiều cổ đông lo lắng Dự án sẽ rất khó khăn trong triển khai, dẫn tới việc đầu tư vào SJS không còn hấp dẫn, nên nhiều cổ đông đã đẩy mạnh bán ra cổ phiếu SJS.

Một lý do khác, theo ông Nguyễn Hải, nhà phân tích chứng khoán, việc giảm sàn của SJS bị tác động trực tiếp từ thông tin Thanh tra Chính phủ đề nghị tạm dừng triển khai Dự án. Dù Sudico đã có văn bản giải trình các cơ quan chức năng về tính pháp lý của Dự án Nam An Khánh, nhưng dường như, những thông tin này vẫn không tác động tích cực tới giao dịch cổ phiếu SJS. Nhiều cổ đông lo ngại, những bất ổn của Dự án Nam An Khánh sẽ khiến cổ phiếu SJS tiếp tục lao dốc.

Trong khi đó, với 36% vốn điều lệ của Sudico, cổ đông chủ sở hữu phần vốn nhà nước là Tập đoàn Sông Đà lại có phản ứng khá lặng lẽ. Theo trả lời chính thức từ Ban Pháp chế của Tập đoàn Sông Đà, trong khi rất nhiều nguồn tin khác nhau tác động đến cổ đông, đối tác, sàn giao dịch, thì phía Tập đoàn lại không phải là cơ quan “được” nhận những văn bản làm “sôi động không khí đầu tư”. Vì vậy, cho dù không thể bàng quan với diễn biến chung, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, “không thể đưa ra bất cứ bình luận gì”.

Vì sao Thanh tra Chính phủ đề nghị tạm dừng Dự án?

Theo Thanh tra Chính phủ, đến thời điểm Đoàn thanh tra kết thúc làm việc tại Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn và Sudico không cung cấp được những văn bản mà các bộ, UBND tỉnh Hà Tây báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển chủ đầu tư thực hiện Dự án từ TCT Sông Đà sang Sudico. Hơn nữa, việc UBND tỉnh Hà Tây ban hành quyết định chuyển chủ đầu tư thực hiện Dự án (từ TCT Sông Đà sang Sudico) mà không có ý kiến của các bộ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận là trái thẩm quyền.

Mặt khác, UBND tỉnh Hà Tây có Văn bản 2241 CV/UB-XDCB ngày 9/7/2003 và 5305 CV/UB-XDCB ngày 22/12/2005 gửi Tổng công ty Sông Đà và Sudico, trong đó nêu “thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tây tại Thông báo 291 TB/TƯ ngày 16/6/2003 đồng ý giao TCT Sông Đà để Sudico làm chủ đầu tư Dự án Nam An Khánh”, nhưng Thông báo 291 TB/TƯ lại ghi nhận: “Về nguyên tắc, nhất trí để TCT Sông Đà làm chủ đầu tư Dự án, tiến hành lập quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Nam An Khánh theo quy hoạch chung tuyến đường Láng - Hòa Lạc đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”. Điều này trái với ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tây.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, TCT Sông Đà không thực hiện Dự án được Thủ tướng phê duyệt mà không báo cáo Thủ tướng Chính phủ và ký hợp đồng chuyển nhượng Dự án (không có hạ tầng) là vi phạm khoản 8, điều 2, Nghị định 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trong đó ghi rõ: “Chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức kinh tế đối với diện tích đất đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng theo dự án đã được xét duyệt, hoặc theo dự án thành phần của dự án đầu tư đã được xét duyệt”.

Ngay sau khi nhận được thông tin về việc Thanh tra Chính phủ có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tạm dừng Dự án, Sudico đã phát đi Công văn 231/CV-CT ngày 24/10/2011. Theo đó, Sudico cho rằng, trong hơn 2 năm (từ tháng 6/2004 đến tháng 7/2006 - từ khi có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến khi có nghị quyết của HĐQT TCT Sông Đà), có rất nhiều văn bản ban hành về Dự án Nam An Khánh mà Thanh tra Chính phủ không đề cập.

Sudico khẳng định, việc Sudico được TCT Sông Đà giao làm chủ đầu tư Dự án Nam An Khánh và tiếp tục kế thừa làm chủ đầu tư Dự án sau khi cổ phần hóa là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật. Việc tạm dừng thực hiện Dự án Nam An Khánh sẽ gây hậu quả nghiêm trọng và thiệt hại trực tiếp tới quyền lợi chính đáng của khoảng 6.000 cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước là Tập đoàn Sông Đà. Đồng thời, Sudico cho rằng, việc dùng biện pháp hành chính yêu cầu “tạm dừng hoạt động các dự án đầu tư đang triển khai tại công ty cổ phần mà cổ đông nhà nước không nắm chi phối” không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hay quy định hiện hành của Nhà nước.

Theo Baodautu.com.vn

Bình luận
vtcnews.vn