(VTC News) – Một số ngân hàng công bố hoạt động kinh doanh quý 2 với các con số lạc quan nhưng các con số này chưa hẳn đại diện cho cả hệ thống ngân hàng.
Những con số lạc quan
Hiện tại, nhà đầu tư đang mong đợi báo cáo tài chính quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng và ngành ngân hàng nói chung. Mặc dù con số chính xác chưa được đưa ra nhưng một số ngân hàng lớn đã tiết lộ lợi nhuận ước tính. Theo đó, đa số đều có tín hiệu khả quan.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là đơn vị mới nhất đưa ra lợi nhuận ươc tính. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, trong 6 tháng đầu năm ngân hàng đạt lợi nhuận 263 tỷ đồng, đạt 120% so với kế hoạch đề ra và đạt 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Hoạt động mọi mặt của TPBank đều khởi sắc. Tăng trưởng tín dụng đạt 8,8%, trong đó dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 16,3%. Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1,66% trên tổng dư nợ, giảm 0,3% so với đầu năm. Huy động vốn tăng 4,5%.
Chưa có số liệu của quý 2 nhưng ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cũng phần nào giúp nhà đầu tư hình dung ra hoạt động 6 tháng đầu năm khi công bố kết quả kinh doanh 5 tháng. Theo đó, tính đến 31/5/2014, ngân hàng mẹ đạt lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng.BIDV hoạt động khá tốt trong 6 tháng đầu năm
Huy động vốn khách hàng tăng 3,3% với tổng 431 nghìn tỷ đồng, tín dụng tăng trưởng 2,3% đạt 396 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu được kiểm soát dưới 2%. Trong 5 tháng dầu năm, ngân hàng đạt tổng tài sản gần 572 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với cuối 2013.
Tại Sacombank, ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị tiết lộ 5 tháng đầu năm, Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng. Nhiều khả năng 2 quý đầu năm, ngân hàng sẽ hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm (3.000 tỷ đồng trước thuế).
Trong khi đó, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) không đưa ra báo cáo hoạt động quý 2/2014 nhưng nhà đầu tư vẫn có thể sớm biết tình hình kinh doanh nhờ Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC).
BVSC dự đoán tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế của VCB trong quý 2/2014 đạt 3.810 tỷ đồng và 912 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,3% và 5,2% so với cùng kỳ năm 2013. Ước tính tăng trưởng tín dụng của VCB đạt 3-3,5% tính đến thời điểm cuối quý 2/2014.Trong khi đó, huy động vốn tính đến hết quý 2/2014 dự báo tăng khoảng 7,5% so với thời điểm 31/12/2013.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng tạm hoàn thành chỉ tiêu. Chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Hùng Dũng cho biết 5 tháng đầu năm, Eximbank đạt 900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với chỉ tiêu cả năm là 1.800 tỷ đồng.
Trong các đơn vị sớm công bố hoạt động kinh doanh nửa năm, chỉ có Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đưa ra con số kém lạc quan. Tính đến hết tháng 5, tổng thu nhập của PVcomBank đạt 2.303 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 31,6 tỷ đồng.
Cũng trong 5 tháng đầu năm 2014, huy động vốn PVcomBanktrên thị trường đạt 65.075 tỷ đồng, dư nợ tín dụng thị trường đạt 38.837 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu cao
Đa số các ngân hàng công bố kết quả hoạt động kinh doanh sớm đều đưa ra những con số tương đối lạc quan. Tuy nhiên, các con số này chưa hẳn đã đại diện cho cả hệ thống ngân hàng. Vì vậy, còn quá sớm khi “ăn mừng” thắng lợi ban đầu.
Hiện tại, nợ xấu đang là vấn đề ám ảnh trở lại với ngành ngân hàng. Theo thống kê, nợ xấu tăng trở lại, ở mức 4,01% vào cuối tháng 4 khi VAMC chỉ mua 3.929 tỷ đồng nợ xấu trong quý 1/2014 so với mức 10.000 tỷ đồng dự kiến và có tác động của yếu tố kĩ thuật trong phân bổ chi phí dự phòng.
Đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại lại có dấu hiệu tăng (lên 4,84%), cho dù đã xử lý được 6.600 tỷ đồng. Trong các nhóm nợ, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của các ngân hàng thương mại có chiều hướng tăng trong 2 quý đầu năm. Tình hình xử lý nợ xấu của ngân hàng vẫn rất khó khăn.
Điều đáng nói, nợ xấu tăng trong điều kiện tăng trưởng tín dụng không có nhiều biến chuyển. Ông Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 25/6, tín dụng toàn hệ thống tăng 2,3%. Tăng trưởng tín dụng tiền đồng đang ở mức báo động, khi chỉ đạt 0,68% trong 6 tháng đầu năm, nguy cơ vỡ chỉ tiêu tín dụng năm nay là rất cao.
Đây là mức tăng đáng kể, bởi 5 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng 1,31%. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu tín dụng đề ra trong năm nay (12-14%), thì rõ ràng, ngành ngân hàng còn cả chặng đường dài trước mắt. Một con số đáng lo ngại nữa là, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm nay, dòng chảy tín dụng chủ yếu dựa vào ngoại tệ, trong khi tiền đồng hầu như bế tắc.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá tín dụng tăng trưởng thấp hơn kì vọng trong 5 tháng 2014 dù cho một số động thái cắt giảm lãi suất đã được tiến hành.
VCBS kỳ vọng hoạt động cho vay sẽ được cải thiện từ cuối quý 2 và các tháng tiếp theo khi hoạt động sản xuất đi vào mùa cao điểm và một số dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm được đẩy mạnh triển khai.
Đánh giá về các chỉ số hoạt động, VCBS cho rằng các ngân hàng quản trị tốt chi phí nên thu nhập lãi sẽ có cải thiện so với cùng kỳ 2013.
Theo đó kết quả kinh doanh trong quý 2/2014 sẽ có những tiến triển khả quan nhất định. Tuy nhiên, theo VCBS, rủi ro chi phí dự phòng tăng cao để xử lý nợ xấu có thể phần nào ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận.
Bảo Linh
Bình luận