Thời gian qua, thị trường Hà Nội nổi lên những cơn sốt đất tại các huyện được đề xuất lên quận, trong đó có Đông Anh. Tại khu vực này, sau khi thông cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, mặt bằng giá đất hiện nay cao hơn so với vài năm trước đây khi chưa có các cây cầu.
Theo bà Nguyễn Hoài An, thực ra cơn sốt về giá đất không phải quá hiếm trong thời gian vừa qua. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy thị trường đang phát triển và đặc trưng của thị trường hiện nay là thông tin chưa minh bạch.
Về thông tin được thổi phồng như huyện lên quận, đó là vấn đề tâm lý nhiều hơn là bản chất đầu tư. Tất nhiên, khi được lên quận sẽ kéo theo những tác động liên quan đến đầu tư bất động sản và cả tiềm năng thu hút các hoạt động đầu tư thuộc các lĩnh vực khác.
Theo nhiều chuyên gia, thị trường chưa thể kết thúc chu kỳ tăng giá và vẫn có thể tiếp tục gia tăng, phát triển mạnh mẽ trong một vài năm tới.
Bà Hoài An kỳ vọng sẽ có những hiện tượng giá đất tăng khi có những thông tin về hạ tầng mới hoặc các dự án mới được triển khai, đặc biệt là những dự án có quy mô lớn từ các chủ đầu tư uy tín.
Khi nhiều dự án hạ tầng được nâng cấp, mở rộng, thị trường bất động sản sẽ sôi động và nhà đầu tư sẽ rất hào hứng. Điều này có thể ít nhiều sẽ lại tạo nên những cơn sốt đất cục bộ so với diễn biến thông thường.
Liên quan đến khu vực phát triển bất động sản, bà Hoài An cho rằng tại Hà Nội trong khoảng thời gian 10 năm qua, thị trường tập trung phát triển ở phía Tây của thành phố với 50 – 60% nguồn cung căn hộ, 50% nguồn cung văn phòng nằm ở khu vực này.
Với tốc độ phát triển nhanh, đến nay quỹ đất ở khu vực phía Tây đã dần cạn kiệt, khu vực phía Nam mật độ xây dựng cũng rất cao. Trong bối cảnh đó, khu phía Đông đang dần nổi lên với những dự án lớn đang được triển khai.
Khi ba khu vực Tây, Đông, Nam đang trở thành khu vực tương đối phát triển thì giờ đây, chúng ta bắt đầu nhìn sang các khu vực khác nữa trong bán kính 10km có tiềm năng phát triển, điển hình như phía bắc sông Hồng.
Tương lai, khu vực bắc sông Hồng có những thuận lợi về vị trí địa lý trong việc kết nối với sân bay Nội Bài. Do đó, khu vực này có tiềm năng cả về nhà ở, logistics cũng như các tổ hợp hỗn hợp khác.
“Chúng tôi cũng hy vọng thị trường khu vực phía Bắc trong vài năm tới sẽ là vị trí phát triển sôi động. Tuy nhiên, tương lai thị trường khu vực này như thế nào cũng cần theo dõi các dự án mới, các diễn biến mới”, bà Hoài An nói.
Một số chuyên gia của CBRE cho rằng tất cả những kỳ vọng đó sẽ không diễn ra trong thời gian một sớm một chiều. Điều tác động lớn nhất vẫn là hạ tầng, khi đã có hạ tầng tốt sẽ thu hút chủ đầu tư cũng như các nhà đầu tư quy mô lớn, các nhà đầu cơ có lý do để kỳ vọng về một mặt bằng giá cao hơn.
Quá trình đó được hiện thực hóa bằng mức độ cư dân đến ở, những tòa văn phòng mới khi được thành lập và đi vào sử dụng…
Khi có đủ tất cả những điều đó thì mặt bằng giá đó mới là giá xác thực, còn hiện nay chúng ta chưa nhìn thấy nhiều dự án, chưa có nhiều hoạt động cũng như nhiều nhà ở hoặc điều kiện hạ tầng còn tương đối kém phát triển so với các khu vực khác thì tất cả các giao dịch đa phần cũng chỉ dừng lại ở chuyện kỳ vọng mà thôi.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc sốt đất "càn quét" qua các tỉnh, nhà đầu tư cần thật tỉnh táo nhìn nhận đâu là giá đất tăng thật và đâu là do giới đầu cơ đẩy giá.
Ông Đính phân tích, khi hạ tầng khu vực đó chưa hoàn thiện, chưa có quy hoạch rõ ràng, mới chỉ có chủ trương mà tăng giá thì đó là sốt ảo. Như thời gian vừa qua, thị trường các tỉnh từ Bắc vào Nam, cơn sốt đất hầu hết đều diễn ra tại những vùng đất mới, thông tin quy hoạch chưa rõ ràng, dân cư chưa có, vẫn còn thưa thớt.
Bình luận