Sai phạm đất đai tại Thủ Thiêm
Qua kết quả kiểm tra một số nội dung liên quan khiếu nại của người dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) được Thanh tra Chính phủ công bố, TP.HCM, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ bị kết luận có vi phạm trong quá trình quy hoạch Thủ Thiêm - là nguyên nhân khiến tình trạng khiếu kiện kéo dài suốt nhiều năm qua.
Trong đó, sai phạm tập trung vào các vấn đề: Diện tích Khu đô thị mới Thủ Thiêm tăng khoảng 10 ha so với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt; thiếu một số hồ sơ quan trọng của cả Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu tái định cư 160 ha; UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch 1/2.000 năm 1998, điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền, phê duyệt vị trí giới hạn quy hoạch không thống nhất về tên gọi so với bản đồ và thực địa...
Việc UBND thành phố lấy 4,3 ha đất thuộc khu phố 1, phường Bình An (quận 2) để thực hiện một số dự án là chưa đủ cơ sở pháp lý; quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư ở dự án này có nhiều vi phạm dẫn đến phát sinh khiếu nại về chế độ, chính sách đền bù, hỗ trợ...
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ UBND thành phố đã vi phạm các quy định khi phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6 ha để đầu tư nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng... trên phần đất đã quy hoạch tái định cư. Việc này dẫn đến hậu quả là không đủ đất bố trí tái định cư, phá vỡ quy hoạch đã phê duyệt; việc xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài, cuộc sống nhiều người bị ảnh hưởng.
Tranh chấp chung cư bùng nổ
Theo thống kê, từ đầu năm 2018 đến nay, hàng loạt tranh chấp căng thẳng đã nổ ra giữa cư dân và chủ đầu tư tại nhiều dự án chung cư từ giá rẻ cho đến cao cấp trên cả nước. Điển hình là dự án La Bonia (quận Bình Thạnh, TP.HCM) do Công ty Nam Thị làm chủ đầu tư; dự án NOXH 35 Hồ Học Lãm (quận Bình Tân, TP.HCM) do Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM làm chủ đầu tư; dự án Topaz City (quận 8, TP.HCM) do Công ty Vạn Thái Land làm chủ đầu tư...
Các vấn đề tranh chấp, khiến cư dân bức xúc chủ yếu vì chủ đầu tư bàn giao nhà không đúng tiến độ, chất lượng căn hộ không đảm bảo, phí dịch vụ quá cao, phí bảo trì, cơi nới trái phép, PCCC không đảm bảo...
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tại TP.HCM hiện có khoảng 1.200 chung cư cao tầng, TP Hà Nội có khoảng 800 chung cư, tổng cộng các thành phố trong cả nước có khoảng 3.000 chung cư. Trong số này có 108 chung cư đang xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, chiếm khoảng 3%.
Sốt đất tại các vùng dự kiến trở thành "đặc khu"
Cơn sốt đất "đặc khu" là một trong những biến động lớn nhất của thị trường bất động sản Việt Nam năm 2018. Tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) đã xảy ra tình trạng sốt đất do đất đai ồ ạt được chuyển nhượng qua tay nhiều người.
Giá đất nhiều nơi tại Phú Quốc tăng "dựng đứng", từng đoàn người xếp hàng dài để làm thủ tục sang tên, chuyển đổi đất đai gây nên tình trạng nhốn nháo, tăng giá chóng mặt của đất đai tại các địa phương nói trên. Cá biệt, một số nơi tại Phú Quốc xuất hiện đối tượng cò đất bán cả đất nông nghiệp, đất đồi và rừng, gây tình trạng sốt đất ảo, bong bóng đất diễn ra rất nóng.
Tại Vân Đồn, giá giao dịch một số nơi có thời điểm chạm ngưỡng 60 triệu đồng/m2. Cơn sốt xảy ra cả ở những khu vực khu vực đất chưa có sổ, không rõ pháp lý, hoặc đất nông lâm nghiệp chưa chuyển đổi.
Để ngăn chặn cơn sốt đất, cơ quan quản lý ra quyết định dừng giao dịch bất động sản tại cả ba địa phương này. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, không để cò đất, xã hội đen mua bán đất lộng hành trên địa bàn.
Đến khi Quốc hội cho biết sẽ chưa xem xét dự án Luật Đặc khu trong kỳ họp tháng 10, tại các khu vực từng được kỳ vọng sẽ lên thành đặc khu, thị trường bất động sản gần như bị đóng băng hoàn toàn, gần như không có giao dịch nào khiến nhiều nhà đầu tư bị mắc kẹt.
Vốn FDI "đổ" mạnh vào bất động sản
Theo thống kê, khoảng 6,6 tỷ USD vốn FDI chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký đã đổ vào bất động sản Việt Nam năm 2018, đứng thứ hai trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong đó, Nhật Bản đứng đầu trong danh sách các quốc gia, khu vực có dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 8,59 tỉ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,2 tỉ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5 tỉ USD.
Trong số các dự án lớn được cấp giấy nhận đăng ký đầu năm trong năm 2018, có hai dự án ở lĩnh vực bất động sản đó là dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư 4,138 tỉ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam) do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thừa Thiên Huế với vốn điều chỉnh tăng vốn thêm 1,12 tỉ USD.
Hạn chế xây dựng nhà cao tầng ở trung tâm
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… đã có những chủ trương hạn chế đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng trong trung tâm. Như tại TP.HCM, UBND TP đã có Quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2016-2020 để cụ thể hóa các định hướng, chỉ tiêu phát triển nhà ở của Chương trình phát triển nhà giai đoạn 2016-2025.
Đối với khu vực trung tâm hiện hữu (gồm quận 1, quận 3), sẽ phát triển nhà ở có kiểm soát đến năm 2020; không chấp thuận chủ trương, công nhận chủ đầu tư đối với các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở. Trường hợp các dự án nhà ở đã được công nhận, chủ đầu tư tiếp tục thực hiện đầy đủ các thủ tục để đủ điều kiện khởi công, đảm bảo theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Kiểm soát tín dụng vào bất động sản
Trong năm 2018, ngân hàng nhà nước đã ra nhiều văn bản điều hành chỉ đạo kiểm soát chặt tốc độ và chất lượng tín dụng hệ thống.
Cụ thể, chỉ thị 04 của ngân hàng nhà nước về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong những tháng cuối năm 2018. Trong đó không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trừ trường hợp đặc biệt và thực hiện kiểm tra tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ...
Trước nghị trường quốc hội kỳ họp thứ 6, khóa XIV, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, tỷ trọng cũng như tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro vẫn được kiểm soát tốt và có xu hướng giảm. Dư nợ tín dụng với kinh doanh bất động sản đến cuối tháng 8/2018 tăng 5,2% so với đầu năm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành, tín dụng BĐS chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 7,4%.
Trong khi cùng kỳ năm 2017, tín dụng bất động sản tăng 9,79% và chiếm tỷ trọng khoảng 6,7%. Dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán tăng 1,7% so với cuối năm 2017 và chỉ chiếm tỷ trọng 0,36%
Bình luận