• Zalo

6 sai lầm khi sử dụng tủ lạnh gây tốn điện

Khám pháThứ Ba, 28/06/2022 10:57:14 +07:00Google News
(VTC News) -

6 sai lầm khi sử dụng tủ lạnh gây tốn điện, bạn có thể tham khảo.

Ông Chu Ngọc Vũ – Trưởng phòng Kế hoạch Bảo hành, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật, Tập đoàn Kangaroo chỉ rõ những sai lầm mọi người hay mắc khi sử dụng tủ lạnh.

Để tủ sát với vách, tường 

Nhiều gia đình hiện nay có xu hướng thiết kế khu vực tủ lạnh thường có tấm chắn bằng gỗ xung quanh, về mặt thẩm mỹ, khu vực để tủ sẽ đẹp hơn, nhưng đó lại là một mối “đe dọa” cho tuổi thọ và hiệu suất làm lạnh của tủ.

6 sai lầm khi sử dụng tủ lạnh gây tốn điện - 1

Để tủ lạnh gần với các nguồn nhiệt gây nóng cũng gây ra tình trạng tủ lạnh tiêu hao điện năng nhiều hơn. (Ảnh minh họa)

Thông thường, tủ lạnh thiết kế dàn nóng (dàn ngưng tụ) tại các điểm mặt sườn tủ hoặc mặt sau của tủ. Do đó, nếu để tủ trong không gian hẹp, sát vách tường có thể dẫn đến hiện tượng khó giải nhiệt cho dàn nóng. Về lâu dài, điều này làm cho khoang lạnh của tủ sẽ kém lạnh hơn, tủ bắt buộc phải hoạt động lâu hơn để đạt được ngưỡng nhiệt độ mong muốn.

Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, vị trí đặt tủ cần thông thoáng, khô ráo, các mặt của tủ lạnh cần cách bề mặt xung quanh tối thiểu 20cm.

Để tủ lạnh gần các nguồn nhiệt nóng

Tương tự với việc để tủ lạnh sát các vách/kệ, việc để tủ lạnh gần với các nguồn nhiệt gây nóng cũng gây ra tình trạng tủ lạnh tiêu hao điện năng nhiều hơn.

Cụ thể, khi để gần nguồn nhiệt gây nóng như bếp gas, bếp lò,… sẽ khiến tủ lạnh hoạt động kém hơn do liên quan đến việc giải nhiệt của dàn nóng, lâu dần dẫn đến hiệu suất làm lạnh giảm đi. 

Để đồ ăn còn nóng vào tủ

Thói quen người sử dụng khi muốn làm nguội đồ ăn nhanh chóng thường để vào trong tủ lạnh, điều này sẽ khiến cho nhiệt độ trong khoang tủ tăng lên và khi đó tủ lạnh sẽ cần phải hoạt động với công suất cao hơn hoặc thời gian hoạt động sẽ tăng lên. Từ đó dẫn đến tủ lạnh sẽ tiêu hao điện năng nhiều hơn so với bình thường.

Để quá nhiều đồ ăn trong tủ

Để nhiều đồ ăn trong tủ sẽ dẫn đến việc lưu thông luồng không khí lạnh trong tủ sẽ bị giảm đi, cũng như thực phẩm được để phía giữa sẽ không tiếp xúc được với không khí lạnh, khiến thực phẩm được làm lạnh không đồng đều. Điều đó gây ra tình trạng hỏng thực phẩm, cũng như giảm hiệu quả làm lạnh của tủ.

Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, khoang tủ chỉ nên chứa tối đa 80% dung tích và cần được xếp so le để luồng khí lạnh trong tủ có thể đi đến từng thực thẩm để bảo quản tốt nhất.

Để khoang tủ lạnh quá nhiều khoảng trống

Trái ngược với việc để quá nhiều thực phẩm trong khoang tủ thì việc tủ lạnh không được sử dụng tối đa cho việc bảo quản thực phẩm cũng gây ra việc tiêu tốn điện cho gia đình.

Theo đó, hiện nay nhiều gia đình thích dùng những dòng tủ có dung tích lớn nhưng không sử dụng hết dung tích cho phép và mỗi lần mở cửa tủ làm cho việc nhiệt bị thất thoát lớn hơn so với tủ lạnh để nhiều thực phẩm.

Giải pháp cho việc này các gia đình lên lựa chọn dung tích tủ lạnh tùy thuộc vào số lượng thành viên trong gia đình hoặc tùy thuộc vào mục đích sử dụng của mỗi gia đình. Theo đó, con số tham khảo cụ thể gồm:

- Dung tích dưới 150L: 1 đến 2 thành viên.

- Dung tích từ 150L – 300L: 2 đến 3 thành viên.

- Dung tích từ 300L – 400L: 3 đến 4 thành viên.

- Dung tích từ 400L – 550L: 4 đến 5 thành viên.

- Dung tích trên 550L: trên 5 thành viên.

Mở cửa tủ tiên tục 

Việc mở cửa tủ liên tục và trong thời gian lâu sẽ làm thất thoát nhiệt trong tủ khiến cho tủ lạnh phải luôn hoạt động với công suất tối đa để bù nhiệt hoặc phải hoạt động trong thời gian dài, từ đó dẫn đến tiêu hao điện năng nhiều hơn.

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn