• Zalo

6 quy tắc ăn uống mẹ nhất định phải dạy bé nếu không muốn bị chê bất lịch sự

Đời sốngThứ Sáu, 27/10/2017 13:00:00 +07:00Google News

Những phép lịch sự tối thiểu khi ăn uống cần được dạy cho con ngay từ khi còn nhỏ để hình thành thói quen tốt cho trẻ.

Nhiều người cho rằng trẻ nhỏ chưa biết gì, đợi con lớn dạy cũng chưa muộn. Nếu bạn cũng suy nghĩ như vậy thì thật tai hại. Bởi nếu đợi đến khi con lớn, thì những thói quen xấu không được rèn giũa đã ăn sâu vào tiềm thức và con rất khó sửa chữa.

Đó là lý do chúng ta nên dành thời gian để tập cho con những thói quen tốt, những quy tắc ứng xử tối thiểu để bé lớn lên trở thành một đứa trẻ sống có trách nhiệm, có kỷ luật và được người khác tôn trọng. Dưới đây là 6 quy tắc lịch sự khi ăn uống mẹ cần phải dạy con.

1. Lời mời trước bữa ăn

Khi bé đã đủ lớn để ngồi ăn cùng với cả gia đình thì đó là lúc bạn nên bắt đầu dạy con về phép lịch sự khi ăn. Quy tắc đầu tiên không thể thiếu đó là lời mời trước bữa ăn. Theo văn hóa phương Đông, trước khi vào bữa ăn, người nhỏ tuổi hơn cần có lời mời với người lớn tuổi trước khi ăn cơm, như mời ông bà, mời bố mẹ, mời anh chị.

Để con có thói quen này tốt, hãy rèn luyện cho bé ngay từ đầu. Mẹ làm mẫu rồi đề nghị con làm theo trước khi bắt đầu bữa ăn. Đừng quên nhắc nhở bé trong các bữa ăn để con ghi nhớ điều này.

2. Biết nhờ người khác lấy giúp thức ăn

Mẹ hãy dạy bé nếu món ăn bé thích ở xa tầm với của mình, thì nên nhờ người ngồi gần lấy giúp thức ăn chứ không cố vươn người ra để lấy. Vì nếu con cố gắng vươn người ra dễ chạm vào người bên cạnh hoặc chắn tầm nhìn và cản trở người khác gắp thức ăn. Chưa kể việc vươn người ra để lấy còn dễ khiến thức ăn bị rơi vãi, gây mất vệ sinh và rất bất lịch sự.

3. Biết đặt khăn ăn vào lòng

Mẹ cũng nên dạy con cách đặt khăn ăn vào lòng khi tham dự các buổi tiệc trang trọng hoặc khi đi ăn nhà hàng. Điều này cũng rất cần thiết bởi nó thể hiện phép lịch sự ở nói đông người. Chiếc khăn sẽ giúp hứng những phần thức ăn không may bị rơi vãi, để chúng không dính vào quần áo.

Điều này vừa giữ vệ sinh cho bé, vừa tạo được ánh nhìn thiện cảm của người khác với con bạn. Để dạy bé quy tắc này, mẹ có thể cùng con chơi trò đóng vai, tưởng tượng ra 2 mẹ con đang đi dự một bữa tiệc trang trọng.

4. Không đùa nghịch, chạy nhảy trong bữa ăn

Nếu đang ngồi ăn mà bé cứ chạy nhảy khắp nơi, rồi đùa nghịch sẽ rất bất lịch sự. Bởi nó có thể làm phiền đến những người xung quanh, nhất là ở nơi đông người. Chưa kể việc vừa ăn vừa chạy nhảy còn khiến bé không tập trung ăn uống, gây hại cho dạ dày và hệ tiêu hóa của trẻ.

Do đó, mẹ cần rèn cho bé thói quen ngồi ăn nghiêm túc, trong khi ăn không được phép đứng dậy chơi đùa, hay nghịch ngợm những đồ vật khác trên bàn ăn. Chỉ đứng dậy khi có việc thật sự cần thiết hoặc khi bữa ăn đã kết thúc.

5. Tư thế ngồi ăn lịch sự

Nhiều trẻ vì hiếu động và nghịch ngợm nên khi ngồi ăn thường ngồi đủ tư thế khi thì gác chân lên bàn, khi thì vừa ăn vừa quỳ, có bé lại ngồi xổm khi ăn. Những tư thế này đều rất bất lịch sự, nhất là nếu trong bữa ăn có khách, hoặc khi bé tham dự bữa ăn ở nơi khác đồng thời còn gây hại cho hệ tiêu háo của trẻ.

Vì thế, mẹ hãy tập cho con tư thế ngồi ngay ngắn khi ăn ngay khi ở nhà để hình thành thói quen tốt ở bé. Hướng dẫn con khi ngồi phải ngay ngắn, thả lỏng, thẳng lưng. Không ngồi xổm, không gác chân lung tung, không vừa ăn vừa gục đầu xuống bàn…

Video: Nhà hàng 'siêu khó tính', có bộ quy tắc dài hơn cả thực đơn

6. Những hành động không nên làm khi ăn

- Không chép miệng khi ăn

- Không vừa nhai vừa nói

- Không nghịch ngợm đồ chơi hay điện thoại khi ăn

- Không dùng đũa khoắng trong bát canh

- Sau khi múc canh phải đặt thìa úp xuống, không để thìa ngửa lên hoặc trôi nổi trên bát canh.

N.Q
Bình luận
vtcnews.vn