Sáng 23/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hơn 200 học sinh THPT đạt giải Nhất, Nhì, Ba Quốc gia môn Lịch sử đã được tuyên dương và trao thưởng.
Đây là lần thứ 3 Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam tổ chức chương trình này. Năm nay, cả nước có 6 giải Nhất, 51 giải Nhì, 73 giải Ba, và 87 giải Khuyến khích. Số trường có học sinh đoạt giải tăng đều so với các năm trước.
Đặc biệt, năm nay tất cả giải nhất đều thuộc về các nữ sinh. Đồng thời, lần đầu tiên, Hà Nội có học sinh đạt giải cao nhất và lọt top 3 tỉnh/thành phố dẫn đầu. Đó là em Nguyễn Thị Anh, học sinh trường THPT Mỹ Đức A (đạt 17,25 điểm).
Bên cạnh hoạt động này, Quỹ phát triển sử học Việt Nam cũng sẽ tiến hành trao học bổng cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc và sinh viên nghèo vượt khó học tốt của các trường đại học tại ba miền.Các nữ sinh đạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử
(Ảnh: Phạm Thịnh)
Tại buổi tuyên dương, GS Phan Huy Lê cho rằng: "Việc tổ chức thi, ra câu hỏi và chấm bài hoàn toàn thuộc về Bộ GD-ĐT và chúng tôi dựa trên kết quả thi tuyển để phối hợp làm lễ biểu dương nhằm cổ vũ tinh thần học tập môn Lịch sử của các em. Quả thật chúng tôi chưa có điều kiện đánh giá chất lượng thực sự các kỳ thi và bài làm của học sinh".
Tuy nhiên, trong tình hình nền giáo dục phổ thông chưa được cải cách, chất lượng giáo dục môn Lịch sử còn nhiều hạn chế, đại đa số học sinh không tích môn Sử, coi như môn học nặng về trí nhớ, viêc các em tự nguyện tham gia kỳ thi và đoạt giải cao rất cần được biểu dương.
Rõ ràng, các học sinh này đã tự thoát ra được tình trạng dạy và học môn Sử gây sự chán ngán, tự tìm ra niềm hứng thú học tập bằng những cách học mới, bằng những tìm tòi trong trau dồi kỹ năng, phương pháp tư duy.
Đồng hành với các bạn là những thầy, cô giáo đầy nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, chăm lo cải tiến cách dạy, truyền cho học sinh niềm say mê, phương thức biến môn Sử thành một thế giới tri thức đầy hấp dẫn, sáng tạo.
Vì vậy, giáo sư này đề nghị Bộ GD-ĐT sớm đổi mới các kỳ thi Lịch sử để giúp học sinh hứng thú hơn với môn học này. Đặc biệt, các chuyên gia luôn sẵn sàng hợp tác trong xây dựng nguyên tắc thi tuyển, ra đề và chấm bài, đánh giá chất lượng.
Phạm Thịnh
Bình luận