Giới quan sát dự báo 6 điểm nóng trên thế giới luôn tiềm ẩn nguy cơ có thể làm bùng phát thành cuộc xung đột hoặc chiến tranh nóng.
Căng thẳng Mỹ và Iran
Ngày 3/1, Mỹ mở cuộc không kích từ máy bay không người lái, giết chết tướng Qasem Soleimani của Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt cuộc tấn công nhằm vào chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, đồng thời tuyên bố rằng hành động này được thực hiện là nhằm biến “thế giới thành nơi an toàn hơn”. Người Mỹ tin rằng vị tướng này có liên quan đến việc tổ chức các cuộc tấn công vào đại sứ quán Mỹ ở Iraq.
Tuyên bố của Lầu Năm Góc nói: “Theo chỉ thị của Tổng thống, quân đội Mỹ đã có những hành động phòng thủ quyết đoán để bảo vệ nhân viên Mỹ ở nước ngoài, bằng cách giết chết Qasem Soleimani”.
“Cú đánh này là nhằm ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai. Nước Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân và lợi ích của chúng tôi, tại bất cứ nơi nào họ có mặt trên khắp thế giới”.
Đáp lời, Iran thề sẽ “trả thù tàn khốc” và hứa sẽ “biến ngày thành đêm”. Vụ giết tướng Soleimani được nhiều nhân vật cấp cao của Iran gọi là “lời tuyên chiến”.
Ông Donald Trump cảnh báo rằng, Mỹ có thể hành động “bất đối xứng” nếu như Iran nhắm vào bất cứ “người dân hay mục tiêu” nào của Mỹ để trả thù vụ giết tướng Qasem Soleimani.
Đến nay, căng thẳng Mỹ-Iran hạ nhiệt. Các chuyên gia dự báo khả năng một cuộc chiến tổng lực là khó xảy ra nhưng căng thẳng Mỹ - Iran vẫn luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng nổ thành chiến tranh nóng.
Căng thẳng Iran và Israel
Căng thẳng trong quan hệ giữa Iran và Israel suy giảm trong một thời gian và chuyển sang định dạng mới với cường độ thấp hơn. Iran ủng hộ các nhóm chống Israel ở Dải Gaza, Syria và Lebanon, trong khi Israel thường tấn công vào lực lượng Iran trên toàn khu vực.
Nhìn chung, Israel tìm cách tạo ra một liên minh chống Iran ở cấp độ ngoại giao, trong khi Iran đầu tư vào việc phát triển mối quan hệ với các dân quân và các chủ thể phi nhà nước.
Hiện giờ, khó có thể nói rằng hai quốc gia này sẽ bắt đầu một cuộc chiến rộng lớn hơn, tuy nhiên, nếu Iran có ý định nối lại chương trình hạt nhân đã được biết đến, Israel nhiều khả năng sẽ tiến hành các cuộc tấn công quy mô rộng hơn, trực tiếp làm suy yếu Iran.
Kiểu tấn công này có thể có hậu quả rộng hơn, bởi nó có thể là mối đe dọa đối với nguồn cung dầu toàn cầu, chắc chắn sẽ dẫn đến sự can thiệp của nhiều quốc gia hơn.
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ
Căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng trong năm qua, trước hết là do hệ quả của việc Mỹ “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ dọn dẹp vùng biên giới Syria của người Kurd – lực lượng được Mỹ hậu thuẫn. Tuy nhiên, ngay sau đó, Washington đã đe dọa Ankara bằng các biện pháp trừng phạt, dẫn đến sự gia tăng căng thẳng.
Ngoài ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan còn cho rằng nước này có thể có cơ hội chế tạo vũ khí hạt nhân. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã mua các hệ thống S-400 từ Nga, và điều này làm giảm đáng kể niềm tin của Mỹ.
Theo đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang xấu đi. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về các bước đi tiếp theo của người Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh NATO.
Tổng thống Erdogan được biết đến với xu hướng mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực. Điều này cũng có thể khiến Washington và Ankara chấm dứt sự hợp tác lâu dài, và gây ra những hậu quả đối với quốc gia láng giềng – Nga.
Cuộc chiến ở Kashmir
Trong 10 năm qua, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đã xấu đi, và hai quốc gia này đang ở bên bờ vực chiến tranh.
Sau sự kiện chia cắt Ấn Độ vào năm 1947, hai quốc gia hình thành sau đó là Ấn Độ và Pakistan đã bị kéo vào một loạt các cuộc chiến tranh, xung đột và đụng độ quân sự, xen kẽ với các giai đoạn thỏa thuận và hòa bình.
Năm 2019, Thủ tướng Narendre Modi cố gắng hạn chế sự tự trị của Kashmir và thay đổi chính sách công dân ở phần còn lại của Ấn Độ. Những động thái này gây ra một số bất ổn ở Ấn Độ và làm trầm trọng thêm căng thẳng vốn đã kéo dài giữa New Delhi và Islamabad.
Một sự bất ổn nội địa hơn nữa ở Ấn Độ và Pakistan có thể dẫn đến xung đột. Mặc dù rất ít khả năng, nhưng nó có thể dẫn đến các cuộc tấn công khủng bố trên lãnh thổ các quốc gia này hoặc tại Kashmir.
Khi đó, Tổng thống Modi có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột nghiêm trọng hơn. Nếu tính đến sự xích lại gần của Trung Quốc, thì mối quan hệ đang phát triển giữa New Delhi và Washington có thể dẫn đến những hậu quả quốc tế tai hại hơn.
Mỹ và Triều Tiên
Những căng thẳng căn bản ở trung tâm mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên có thể dẫn đến những hành động đối địch. Căng thẳng giữa hai nước hiện vẫn ở mức cao như bất cứ lúc nào kể từ năm 2017, và cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ có thể gây nguy hiểm hơn nữa cho mối quan hệ này.
Chính quyền của Tổng thống Trump dường như đang nuôi hy vọng rằng, một thỏa thuận với Triều Tiên có thể cải thiện triển vọng tái đắc cử vào tháng 11. Nhưng Triều Tiên lại ít hoặc không quan tâm đến đề xuất của ông Trump. Ông Kim Jong-un gần đây hứa sẽ tặng “món quà Giáng sinh”, khiến nhiều người Mỹ phải lo lắng, bởi họ cho rằng đó sẽ là cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo hoặc hạt nhân.
Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra, nhưng nếu như nước này thử hạt nhân, Mỹ có thể sẽ buộc phải can thiệp.
Cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc
Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đặc biệt căng thẳng. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước dường như làm giảm bớt một số căng thẳng, nhưng thời hạn của nó vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.
Mặc dù được Tổng thống Trump ca ngợi là một thỏa thuận rất lớn, thỏa thuận Giai đoạn 1 theo giới chuyên gia sẽ không giải quyết thực chất nguồn gốc gây ra căng thẳng thương mại và kinh tế căn bản giữa 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Trump lâu nay vẫn cáo buộc Trung Quốc thực hành thương mại không công bằng và trộm cắp tài sản trí tuệ, trong khi Bắc Kinh lại cho rằng, Washington đang tìm cách kiềm chế sự tăng trưởng như một cường quốc kinh tế toàn cầu của họ.
Trung Quốc quay sang tích cực làm việc để phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Nga, trong khi Mỹ có bất đồng với cả Hàn Quốc và Nhật Bản – hai đồng minh thân cận nhất tại khu vực.
Các ông Donald Trump và Tập Cận Bình đang đặt phần lớn danh tiếng chính trị của mình vào tình hình thương mại ở mỗi nước, và do đó cả hai đều có động lực cho chiến thắng ngoại giao và kinh tế. Nhưng nếu tình hình leo thang, điều này có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự ở các khu vực như Biển Đông và biển Hoa Đông.
Bình luận