• Zalo

6 cựu quan chức đường sắt nhận hối lộ xin giảm án

Pháp luật Thứ Bảy, 14/11/2015 08:57:00 +07:00Google News

6 cựu quan chức ngành đường sắt nhận tiền "lót tay" từ JTC đã gửi đơn kháng cáo xin giảm án.

(VTC News) - 6 cựu quan chức ngành đường sắt nhận tiền "lót tay" từ JTC đã gửi đơn kháng cáo xin giảm án.

Chiều 13/11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho biết đã nhận được đơn kháng cáo của cả 6 bị cáo trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ban Quản lý các Dự án đường sắt - RPMU (thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam).

6 bị cáo này gồm Phạm Hải Bằng (SN 1969, nguyên Phó Giám đốc RPMU), Nguyễn Nam Thái (SN 1977, nguyên Trưởng phòng thực hiện Dự án 3, RPMU), Trần Văn Lục (SN 1958, nguyên Giám đốc RPMU), Trần Quốc Đông (SN 1964, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962, nguyên Giám đốc RPMU), Phạm Quang Duy (SN 1975, nguyên Phó Giám đốc RPMU).

 Bị cáo Phạm Hải Bằng

Trong đơn kháng cáo, cả 6 bị cáo đều xin được Tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, do các bị cáo mới phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, nhận thức được sai phạm, thái độ khai báo thành khẩn, có ý thức khắc phục hậu quả, bản thân đã có nhiều cống hiến trong hoạt động của ngành đường sắt.

Số tiền các bị cáo nhận hỗ trợ từ nhà thầu JTC không liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện dự án; phần lớn đã được các bị cáo chi phí, sử dụng cho việc triển khai thực hiện dự án và sử dụng chung cho tập thể…

Theo truy tố, thời gian từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, Phạm Hải Bằng (Phó Giám đốc RPMU), Chủ nhiệm dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 01), giai đoạn 1 đã trực tiếp thỏa thuận với đại diện nhà thầu JTC (Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản), để nhà thầu hỗ trợ kinh phí cho RPMU sử dụng vào mục đích liên quan đến thực hiện dự án.

Nhà thầu JTC đã đồng ý hỗ trợ với tổng số tiền khoảng 11 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này được Bằng, Thái và Duy sử dụng chi phí cho lễ ký kết hợp đồng, chi tiếp khách, hội họp, đi lại, lễ tết, làm ngoài giờ… để vụ lợi cho tập thể, trong đó có quyền lợi cá nhân.

Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu đều được Bằng báo cáo nhưng không chỉ đạo nhân viên chấm dứt, hưởng lợi cá nhân từ khoản tiền của JTC.

Trước đó, trong 2 ngày 26 và 27/10, tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Hải Bằng 12 năm tù giam.

Bị cáo Nguyễn Nam Thái 11 năm tù giam. Bị cáo Phạm Quang Duy 8 năm 6 tháng tù giam. 

Trần Văn Lục 5 năm 6 tháng tù. Trần Quốc Đông 7 năm 6 tháng tù.

Cuối cùng, bị cáo Nguyễn Văn Hiếu (nguyên Giám đốc RPMU) lĩnh mức án 7 năm 6 tháng tù giam.


M.Chiến
Bình luận
vtcnews.vn