(VTC News) - Đứng trước đứa con có vẻ đang muốn bứt phá, muốn thoát khỏi nề nếp gia đình, bạn sẽ băn khoăn với nhiều giải pháp để uốn nắn con bạn. Bạn phải làm gì đây?
Đánh trẻ có phải là đúng đắn không?
Không. Kỷ luật giúp trẻ học cách kiểm soát cách hành xử của mình. Đánh trẻ là trực tiếp kiểm soát cách hành xử ấy chứ không dạy cho trẻ phải thay đổi hành động của chúng như thế nào.
Mặc dù vào thời điểm trẻ sai, đánh là cách dễ dàng. Nhiều bậc cha mẹ nhận ra rằng sau một cái tát, ngay khi đó trẻ có thể không mắc lỗi nữa, nhưng chẳng bao lâu sau điều đó lại tiếp diễn. Trẻ lớn bị đánh thường học được cách giải quyết vấn đề là đánh người.
Khi bị đánh, trẻ có thể sợ nhưng chỉ khi có bạn ở đó. Trẻ cần học cách kiểm soát cách hành xử của chúng cả khi bạn không ở bên. Ảnh minh họa nguồn Internet
Nếu tôi không đánh, tôi có thể làm gì?
Bạn có thể làm rất nhiều điều mà sẽ giúp con bạn học được cách tự kiểm soát- giúp chúng tự tin hơn về bản thân mình, chỉ cho chúng thấy một người biết kiềm chế sẽ hành động thế nào, bạn có thể hướng dẫn, đặt ra các giới hạn, nói với chúng về những lỗi lầm, và dạy chúng cách suy nghĩ cho bản thân.
Nói cho con bạn biết điều chúng làm là đúng hay sai. Mỗi lần bạn sửa lỗi cho trẻ, hãy đưa ra hai lời khen đúng đắn về những điều chúng đã làm. Hãy nhớ rằng khi bạn đang thay đổi cách cư xử của trẻ, hãy cho trẻ biết chúng đang làm tốt thế nào, thậm chí khi trẻ chỉ tiến bộ một chút thôi. Ví dụ như “ôi con của mẹ ngoan quá, con chơi ở sân cả sáng mà không chành chọe với bạn nào cả”
Phải làm gì nếu tôi quá giận dữ và chỉ muốn đánh mắng trẻ?
Tìm cách nào khiến bạn bình tĩnh hơn để không làm gì khiến bạn thấy hối hận. Nếu trẻ lớn rồi hoặc có người trông, hãy đi chỗ khác cho tới khi bạn bình tĩnh lại. Khoảng 5, 10 phút sau hãy quay lại và nói với trẻ về cảm xúc của bạn. Bạn cũng có thể nghe nhạc, thở sâu vài lần, đếm ngược từ 10.
Làm gì khiến bạn thấy bận rộn tay chân- nướng bánh, vẽ, viết ra cảm xúc của bạn, nhai kẹo, hát, hoặc thậm chí đặt tay lên miệng. Còn nếu bạn lỡ tay, hãy xin lỗi trẻ.
Tôi cần làm gì để chỉ dẫn cho trẻ?
Đặt ra các quy định về giờ đi ngủ, các bữa ăn và những việc lặt vặt hàng ngày, như vậy trẻ biết chính xác cha mẹ mong muốn điều gì. Đồng thời nhắc nhở chúng về những quy định ấy.
Trẻ nhỏ thường gặp khó khăn khi đang làm việc này lại phải làm việc khác. Hãy nhắc trẻ một vài phút trước khi chúng cần thực hiện. Bạn có thể nói “Còn 5 phút nữa là đến giờ đi ngủ đó con”. Hãy đưa ra các lựa chọn rõ ràng cho trẻ: “Con có thể uống sữa hay nước hoa quả, nhưng nước ngọt thì không được nhé”
Đặt giới hạn cho trẻ thế nào?
Hãy bắt đầu với một vài quy định thôi. Càng nhiều quy định thì trẻ càng khó nhớ. Hãy chắc chắn về lý do vì sao bạn cần nói không với trẻ và giải thích cho chúng biết. Ví dụ “Con không được đi xe đạp quanh thị xã vì quá nhiều xe cộ và con có thể bị ngã đau”
Hãy cho phép trẻ lên tiếng. Chúng cần được nói về suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Thậm chí trẻ nhỏ cũng có thể đưa ra suy nghĩ và giúp bạn đặt ra các giới hạn một cách công minh. Khi trẻ cùng bạn đặt ra các quy định, chúng sẽ dễ tuân theo hơn. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn phải đồng ý với trẻ và thay đổi ý kiến của mình.
Hãy đặt ra quy định rõ ràng. Ví dụ, đưa ra mốc thời gian cụ thể bạn muốn con bạn phải có mặt ở nhà, hãy nói “10h”, thay vì chỉ bảo “không được quá muộn đâu”
Phải làm gì nếu con tôi tức giận khi tôi phạt chúng?
Miễn là bạn phạt một cách công bằng, hãy kệ trẻ. Cảm xúc tức giận đó sẽ tan đi. Nhưng sau đó hãy để trẻ nói về cảm giác của chúng.
Bạn hãy nhớ rằng: Kỷ luật là cách người lớn dạy trẻ lớn lên trở thành thành viên hạnh phúc, bình an và biết tự thay đổi bản thân trong xã hội. Và bạn sẽ tự hào vì sự quan tâm đầy yêu thương của bạn giúp trẻ đi đúng hướng để trưởng thành.
Nguyễn Diệu Hằng
Bình luận