• Zalo

6 biểu hiện ở trẻ không thể bỏ qua

Tổng hợpThứ Sáu, 27/01/2012 02:22:00 +07:00Google News

Bé hay nôn trớ, ngủ li bì hoặc đi khập khiễng có thể là cảnh báo cho trục trặc sức khỏe ở bé.

Bé hay nôn trớ, ngủ li bì hoặc đi khập khiễng có thể là cảnh báo cho trục trặc sức khỏe ở bé.

1. Khó thở

Nguyên nhân thường là do bé bị sốt. Tuy nhiên, nếu bé có dấu hiệu thở nhanh (không kèm sốt) thì có thể bé mắc chứng hen suyễn, viêm thanh quản hoặc hít phải vật lạ...

 

Viêm thanh quản là chứng bệnh gây ra bởi virus. Biểu hiện là bé khó khăn khi hít vào hoặc khi hít vào, bé phát ra những âm thanh “rít rít”. Chứng bệnh này có xu hướng trầm trọng hơn vào buối tối. Yếu tố làm gia tăng viêm thanh quản là bé thường xuyên sống trong không khí ô nhiễm. Việc để bé ra ngoài lạnh hoặc bé hít phải hơi nước nóng từ vòi hoa sen cũng khiến bé khó thở hơn.
Nếu bé ăn đồ cứng mà thường xuyên bị nghẹn hoặc trường hợp bé hay bị cảm lạnh do sức đề kháng yếu... thì có thể phổi bé đã bị ảnh hưởng. Bạn nên đưa bé đi khám sớm.
 
2. Bé ngủ quá nhiều

Kèm theo dấu hiệu bé ngủ mê mệt (ngủ lịm), khó nhọc khi thức giấc thì có thể do bé bị ốm, sốt. Nếu tình trạng này kéo dài (không liên quan đến triệu chứng ốm, sốt) thì có thể bé bị chấn thương vùng đầu.

Chấn thương vùng đầu khá phổ biến với các bé. Bạn thử xem xét, trong một vài giờ trước đó, bé có gặp tai nạn nào không. Nhiều vết thương trên đầu bé, bạn có thể quan sát bằng mắt thường. Nhưng cũng có những va đập ở bên trong mà bạn không nhìn thấy. Một số bé phàn nàn về những cơn đau đầu. Một số bé xuất hiện dấu hiệu nôn trớ sau tai nạn. Nếu phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu khác thường nào ở bé, bạn nên nhanh chóng đưa bé đi khám.

3. Đau bụng

Nhiều nguyên nhân gây đau bụng ở bé như: bé bị táo bón, rối loạn tiêu hóa hoặc mắc chứng bệnh về dạ dày.

Nếu bé bị đau bụng không rõ nguyên nhân đi kèm dấu hiệu nôn trớ; bé đau bụng đến mức không thể tự đi bộ được; các cơn đau ở bé ngày càng dữ dội… bạn nên đưa bé đi khám.

4. Bé đi khập khiễng

3-7 tuổi là giai đoạn bé ham vận động và tò mò trước nhiều điều mới mẻ; do đó, bạn nên cẩn thận với những chấn thương vùng chân của bé.

Nếu bé đi khập khiễng ngay sau khi bị ngã (không kèm theo triệu chứng sưng tấy hoặc đau khớp xương) thì có thể bé chỉ bị chấn thương bên ngoài. Bạn có thể khử trùng và băng bó vết thương ngoài da cho bé.

Nếu chân bé bị sưng đỏ; bé sốt cao; bé không thể đi lại được… bạn nên nhanh chóng đưa bé đi khám.

5. Bé bị nôn trớ

Bé nôn trớ có thể kèm với dấu hiệu tiêu chảy, sốt. Nếu không, bé có thể mắc chứng khuẩn liên cầu vùng họng, viêm ruột thừa…

Nếu bé nôn ra dịch có màu xanh, kèm với chứng tiêu chảy liên tục; bé bị nôn ngay sau khi ăn; bé nôn không rõ lý do… bạn nên đưa bé đi khám. Nên nhớ là sau mỗi cữ nôn, bạn nên cho bé uống một chút nước lọc – tránh tình trạng mất nước.

6. Bé bị mất nước


Bé bị tiêu chảy kèm theo nôn kéo dài thường dễ bị mất nước. Mất nước là dấu hiệu nghiêm trọng của sức khỏe bé. Thêm vào đó, một số bé mắc chứng bệnh về cổ họng nên ngại uống nước. Kết quả, bé càng rơi vào tình trạng mất nước nhanh.

Bạn nên cho bé uống từng chút nước, chia làm nhiều lần khi bé ốm. Dấu hiệu mất nước bao gồm: bé đi tiểu ít hơn 3 lần/ngày; bé bị đau đầu; bé rơi vào trạng thái hôn mê; môi và lưỡi bé bị khô…

Theo MevaBe
Bình luận
vtcnews.vn