Theo chị Phan Hồ Điệp, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam, học sinh cứ vào đến độ từ rằm tháng chạp là khi học tâm hồn cứ lơ lửng tầng mây... Trong khi bố mẹ lo làm sao “quản” lũ trẻ con lông nhông kia. Tuy nhiên, tết là dịp dạy trẻ rất nhiều bài học.
Dưới đây, là 6 bí quyết “rèn” con vào dịp tết của chị Điệp.
Hãy cùng con lên thời gian biểu cho những ngày nghỉ:
Bắt đầu nghỉ, thời gian biểu sẽ khác. Bạn hãy động viên con tự làm một thời gian biểu trong đó có rất nhiều “quyền lợi”, khác hẳn thường ngày, ví dụ như ngủ dậy muộn hơn, được xem ti vi nhiều hơn, thức khuya hơn... Mỗi thứ một chút thôi, là con đủ thấy vui rồi. Nhưng nhớ thời gian biểu này sẽ thay đổi vào 2 ngày trước khi quay lại trường học nhé. Con cần làm quen lại với nhịp sống bình thường.
Hãy giao cho trẻ nhiệm vụ trang trí nhà cửa:
Dọn dẹp thì trẻ có vẻ hơi ngại nhưng trang trí thì mình tin là bé nào cũng khoái. Bạn đừng “duy mỹ” quá, cứ để trẻ được sắp đặt, vẽ vời. Như mình thì mình hay mua bóng bay về cho Nam bơm rồi treo lung tung tùy ý. Miễn là để bạn ấy hòa mình vào không khí náo nức.
Thực hành các bài tập về giao tiếp:
Có lẽ không có khoảng thời gian nào trong năm mà cha mẹ có thể hướng dẫn con các bài tập về giao tiếp tốt hơn thế. Hãy chơi trò đóng vai để con được làm một chủ nhà thân thiện hoặc một người khách lịch sự. Với những bạn lớn hơn, bạn hãy tham khảo ý kiến của các bạn xem sẽ nên mời ai, tiếp đón thế nào cho chu đáo, sắp đặt bàn tiệc, cắm hoa, rót nước...
Đừng nghĩ việc đó chỉ là của bố mẹ, con cũng có quyền lợi được tham gia, như một chủ nhà thực sự. Bạn cũng cần đặt ra những tình huống và nhờ con giải quyết, ví như: Một bạn khi được nhận lì xì đã bóc ngay ra để xem, nếu là con con sẽ làm thế nào.
Tết đến, con học giỏi hơn:
Thật mà, đừng nghĩ tết là chơi rồi quên hết bài. Có nhiều cách “học” hay lắm bạn. Với các bé tiểu học, hãy thành lập “nhà xuất bản Cún bông/ Nhà xuất bản Họa mi... tất cả những tên gì có thể nghĩ ra rồi cho các bạn tự làm những cuốn sách xinh xinh. Bạn nhớ phải “mua” khi sách ra đời nhé. Khuyến khích con làm sách với nhiều hình dạng khác nhau.
Hồi Nam nhỏ, mình còn làm sách chỉ bằng... cúc áo và ghi các chữ cái, sau đó lấy chỉ xuyên vào nhau. Thế là “bán” được rồi. Bạn có thể dạy con về toán nhờ việc tính khối lượng gạo, đỗ để nấu bánh chưng. Hoặc nhờ con sưu tầm 10 loại lá khác nhau.
Nghĩ ra 5 loại quả để bày mâm ngũ quả. Với các bạn nữ, mẹ có thể hướng dẫn cách làm nước hoa từ những cánh hoa đào... Ôi, toàn những điều cần "học" rất tuyệt vời.
Nếu bạn cảm thấy bị “bội thực” tiếng ồn, bạn có thể nghĩ ra một số trò chơi yên lặng:
Hướng dẫn con quan sát và theo dõi đường đi của những con kiến để tìm ra tổ của chúng. Thử cho bé vẽ những vạch phấn trên đường đi về tổ để xem chúng đã “bối rối” thế nào. Bé sẽ mải mê và bị cuốn hút vào đó rất lâu.
Chơi trò chơi “Giả tượng”: Tập đứng yên như tượng, nếu ngọ nguậy là thua.
Xem ai yên lặng được lâu hơn: Bạn quy ước, khi đồng hồ chỉ đến số này mà ai nói trước là thua nhé. Hii. Thi thoảng bạn vờ thua cho bé thích nhé.
Bạn cũng nên sử dụng tối đa các trò xếp hình, cờ caro, tìm điểm khác biệt giữa hai hình...
Nhưng đón tết là phải vui, phải náo nức, nên bạn hãy cho con được tham gia những hoạt động náo nhiệt.
Ví dụ, cả nhà sẽ cùng nhún nhảy trong điệu nhạc “khi đất trời vào xuân”. Có nhiều ca sỹ mà các con yêu thích như: Sơn Tùng, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi,…hay bạn Trọng Nhân Got Talent đánh trống cực siêu...
“Bạn ơi, đừng cau có, đừng phàn nàn nhiều khi thấy nhà cửa có vẻ không như mong muốn.
Bởi trẻ cần được " bề bộn" mà lớn lên, qua các mùa xuân.
Và đến lúc nào đó, bạn lại thấy chán cái sự gọn gàng, nhàn nhã, không bận bịu. Bạn lại muốn quay về cái ồn ào, léo nhéo đến đau đầu của bọn trẻ.
Nhưng khi đó thì tết trẻ thơ đã qua rồi.
Hãy tận hưởng từng khoảnh khắc, khi mùa xuân đến gần bạn nhé”, chị Điệp nhắn nhủ.
Video: Đỗ Nhật Nam làm thơ xúc động tặng mẹ
Bình luận