Liên quan việc 54 học sinh thông Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, không được bố mẹ cho đến điểm Trường Tiểu học Hòa Bắc (thôn Phò Nam) theo học, ngày 10/9, lãnh đạo huyện Hòa Vang, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng… tổ chức buổi đối thoại với phụ huynh cũng như người dân thôn Nam Yên để tìm hướng giải quyết.
Phụ huynh vẫn viện đủ lý do
Tại buổi đối thoại, ông Hồ Tăng Học, trưởng thôn Nam Yên cho biết, phụ huynh thôn Nam Yên hiểu đây là chủ trương tốt nhằm mục đích tạo điều kiện cần thiết để học sinh được tham gia học tập tại một môi trường học tốt hơn, nâng cao chất lượng học tập toàn diện cho các em.
Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, phụ huynh chưa chuẩn bị tinh thần, nhiều phụ huynh không có điều kiện để chuyển con đến học ở trường mới vì một số khó khăn.
Cụ thể, điểm trường Nam Yên có lịch sử lâu đời, số lượng học sinh đông nhất toàn xã nên người dân muốn giữ lại trường để con em thuận lợi trong việc đi lại, học tập.
Đa số phụ huynh đi làm công nhân nên việc đi học của các em phải nhờ ông bà đưa đón hoặc là các em tự đến trường. Tuy nhiên, nay trường xa nên ông bà không đưa đón được, các em cũng không thể tự đến trường vì nhiều nguy hiểm như mưa lũ, gió bão.
Cạnh đó, một số học sinh lớp lớn (lớp 4, lớp 5) tự đi học được thì gia đình không có điều kiện để mua sắm phương tiện cho các em.
Cũng theo trưởng thôn Nam Yên, việc dồn ghép trường còn ảnh hưởng đến sinh kế của các hộ buôn bán xung quanh điểm trường Nam Yên.
“Vì những lý do đó, các hộ dân đề xuất, về lâu dài xin, đầu tư sữa chữa lại điểm trường Nam Yên. Phụ huynh cũng đề nghị chính quyền hỗ trợ phương tiện đi lại cho các em học sinh lớp 4, lớp 5 khi theo học tại Trường Tiểu học Hòa Bắc.
Đồng thời, tạm thời để các em học sinh lớp 1, 2, 3 học tại điểm trường Nam Yên nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão cũng như để cho người dân có sự chuẩn bị tinh thần. Đề nghị xem xét, hỗ trợ những hộ buôn bán gặp khó khăn quanh khu vực điểm trường Nam Yên”, ông Học nói.
Cũng tại buổi đối thoại, ông Đinh Xuân Vũ (trú thôn Nam Yên) cho rằng, các phụ huynh bị sốc khi thông báo việc sáp nhập điểm trường quá gấp.
Ngoài ra, so với kế hoạch sáp nhập điểm trường, điểm trường Nam Yên có tổng số học sinh là 117 em, nhiều nhất so với các điểm trường thuộc các thôn trong xã nên việc xây dựng điểm trường mới phải là ở Nam Yên. Đề nghị chính quyền đánh giá lại chất lượng của điểm trường Nam Yên để tiếp tục tổ chức giảng dạy tại đây.
“Vì vậy, phụ huynh chúng tôi quyết định cho con ở lại điểm trường Nam Yên. Nếu không được chấp thuận, chúng tôi đồng loạt cho con nghỉ học”, ông Vũ nói.
Chị Hồ Thị Thùy Trang (phụ huynh có con học lớp 4) cho biết, do nuôi 2 con nhỏ nên bà không có điều kiện đưa con đến điểm trường mới, đề nghị cho tiếp tục duy trì điểm trường ở Nam Yên.
“Tôi biết điều kiện vật chất ở điểm trường Hòa Bắc rất tốt cho con nhưng tôi cũng phải lo mưu sinh chứ không thể đồng hành cùng với con được. Vì vậy, mong chính quyền cho phép con tôi được học tại điểm trường Nam Yên. Còn nếu vẫn phải đến điểm trường mới Hòa Bắc ở thôn Phò Nam thì tôi sẽ cho con tôi nghỉ học”, chị Trang cho nói.
Chính quyền nói gì?
Trả lời ý kiến phụ huynh, ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, thực hiện chủ trương của Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng, ngành giáo dục huyện đã rà soát, đánh giá, dồn ghép các điểm trường lẻ với mục tiêu tổ chức giảng dạy, quản lý được tốt hơn, nâng cao chất lượng học tập.
Huyện Hòa Vang đã thực hiện việc dồn ghép các điểm trường lẻ về điểm trường chính được 10 năm nay. Đầu tư xây dựng trường, lớp mới là nhằm đáp ứng được trang thiết bị dạy học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Vì vậy, xây dựng điểm trường chính là Trường Tiểu học Hòa Bắc nhằm đưa học sinh các điểm trường lẻ về trường chính để thuận lợi cho việc giảng dạy tốt hơn, chất lượng cao hơn.
Về phản việc dồn ghép điểm trường không được thông báo sớm khiến phụ huynh bị sốc, ông Dũng khẳng định phản ánh như vậy không đúng.
Việc triển khai dồn ghép tại Trường Tiểu học Hòa Bắc đã được thông báo, tuyên truyền đến tất cả cử tri thôn Nam Yên và cử tri cũng đã có trao đổi với chính quyền xã Hòa Bắc tại các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây nhất. Những ý kiến của cử tri đã được các cấp có văn bản trả lời, giải quyết và thông báo đến bà con.
“Trong tháng 8/2023, Trường Tiểu học Hòa Bắc cùng với xã Hòa Bắc đã tổ chức 2 buổi họp để tuyên truyền, vận động phụ huynh thôn Nam Yên chấp hành chủ trương dồn ghép điểm trường nêu trên”, ông nói và cho biết thêm, việc dẫn ghép các điểm trưởng trên địa bàn huyện được phân theo lộ trình thực hiện cụ thể.
Thêm nữa, quy hoạch, xây dựng điểm trường mới tại Phò Nam, bán kính so với các điểm trường khác, trong đó có điểm trường Nam Yên cũng chỉ dưới 3 km nên cơ bản thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón con em đến trường và không vi phạm quy định về khoảng cách các điểm trường theo Điều lệ Trường tiểu học.
“Từ thực tế đó, nếu để các em tiếp tục học tại điểm trường Nam Yên sẽ bị hạn chế tiếp cận với môi trường giáo dục đảm bảo hơn về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị đồ dùng dạy học hiện đại, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục của địa phương cũng như việc triển khai Chương trình giáo dục 2018.
Vì vậy, việc dồn ghép điểm trường thôn Nam Yên về thôn Phò Nam là hết sức phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho các em học sinh”, ông Dũng khẳng định.
Ông Tô Văn Hùng, Bí thư huyện Hòa Vang cho biết, chính quyền, ngành chức năng sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ phụ huynh để sớm cho trẻ em đến điểm trường mới học.
Về khó khăn trong đưa đón học sinh, yêu cầu chính quyền, ngành chức năng phải tính toán, bố trí người, phương tiện đưa đón các em mà gia đình không có điều kiện đưa đón như bố mẹ làm ăn xa, con em phải ở với ông bà.
Với những em học lớp 4, lớp 5, nếu gia đình khó khăn, không thể mua được xe đạp đi học, chính quyền sẽ vận động các tổ chức mua xe tặng các em.
Cạnh đó, với những hộ gia đình buôn bán quanh khu vực điểm trường Nam Yên mất thu nhập, chính quyền sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để hỗ trợ sinh kế, đảm bảo cuộc sống.
“Với tư cách là người đứng đầu, tôi xin khẳng định lại với phụ huynh là những gì đã nói trong buổi đối thoại này sẽ được thực hiện. Phụ huynh phải biết hy sinh một phần lợi ích cá nhân để cho con em đến trường, đảm bảo quyền được học tập của trẻ em”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng cũng khẳng định sẽ báo cáo với UBND thành phố, kiến nghị lập tổ công tác gồm Sở Xây dựng, Sở GD-ĐT cùng sở, ngành liên quan để kiểm thực trạng điểm trường thôn Nam Yên.
“Sở Xây dựng là cơ quan thẩm định chất lượng công trình, Sở GD-ĐT sẽ đánh giá điều kiện, tiêu chuẩn điểm trường học theo chương trình GDPT 2018. Nếu đoàn công tác khẳng định chất lượng trường còn tốt, quy mô phòng học đáp ứng được chương trình mới thì huyện sẽ sẵn sàng duy trì điểm trường”, ông Hùng khẳng định.
Trong khi đó, ông Hồ Tăng Phúc, Chánh Văn phòng Huyện ủy Hòa Vang đưa ra 2 phương án để xem xét, giải quyết.
Thứ nhất, đưa các em học sinh khối 4, khối 5 đến học tại Trường Tiểu học Hòa Bắc, để các em khối 1, 2, 3 học tại điểm trường cũ Nam Yên. Phương án 2 là tất các học sinh các khối đều chấp hành theo học tại điểm trường mới ở Phò Nam.
Ông phúc yêu cầu chính quyền địa phương gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh của 54 học sinh để tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Buổi tiếp xúc kết thúc nhưng người dân chưa đồng thuận, vẫn bảo lưu ý kiến muốn cho con em tiếp tục được theo học tại điểm trường Nam Yên, nếu không được đáp ứng thì không cho con đến trường.
Trước đó, trong lễ khai giảng năm học mới 2023 - 2024, các phụ huynh thôn Nam Yên không đưa con đến trường mới mà tổ chức đưa các em đến điểm trường cũ tập trung để phản đối.
Sự việc sau đó được một số người chụp ảnh đưa lên mạng xã hội và nói rằng chính quyền không quan tâm đến học sinh, khai giảng năm học mà chỉ có phụ huynh với học sinh, không có thầy cô giáo.
Bình luận