Một công việc tốt không chỉ thể hiện qua mức lương mà còn nhiều yếu tố khác như môi trường làm việc, phúc lợi, văn hóa doanh nghiệp... Bài viết dưới đây của CareerLink sẽ đưa ra 5 điều cần lưu tâm về nhà tuyển dụng, giúp bạn có quyết định sáng suốt, phù hợp.
Tin tuyển dụng
Hãy bắt đầu từ chuyện tin đăng tuyển dụng. Một doanh nghiệp nếu đăng thông tin tìm người quá sơ sài, hoặc quá chung chung có thể biểu hiện sự thiếu nghiêm túc. Đặc biệt, nếu tin đăng không để lại địa chỉ cụ thể, trang web chính thức, số điện thoại và email của doanh nghiệp thì lại càng đáng báo động.
Nếu cảm thấy chưa an tâm trước khi chấp nhận phỏng vấn hay thử việc, bạn nên gọi điện hoặc gửi email đến nhà tuyển dụng, hỏi rõ các thông tin cần thiết như yêu cầu về kỹ năng, trình độ chuyên môn, nhiệm vụ cụ thể, thời gian làm việc, chế độ đãi ngộ... Bạn cần xác minh rõ để tránh hụt hẫng khi đi vào thực tế, cũng như có thêm cơ sở để cân nhắc về khả năng nhận việc của mình.
Quá trình tuyển dụng
Nếu doanh nghiệp tuyển dụng gấp gáp thì thường là công việc mang tính thời vụ, ngược lại nếu thời gian tuyển dụng quá dài thì có thể bên trong có nhiều vấn đề. Chẳng hạn doanh nghiệp không thực sự cần người mà họ chỉ đang đăng tuyển như một hình thức tự PR. Bên cạnh đó, bạn cần xem quá trình tuyển dụng diễn ra có đúng hạn hay không, bạn có được phỏng vấn với nhiều câu hỏi chi tiết, hay chỉ trao đổi qua loa lấy lệ.
Tùy thuộc vào loại hình, tính chất công việc mà doanh nghiệp sẽ tổ chức quá trình tuyển dụng phù hợp. Nhưng nếu bạn cần tìm việc làm toàn thời gian, thì tốt nhất là xem xét các doanh nghiệp có ít nhất một vòng phỏng vấn, thậm chí có các vòng thi trắc nghiệm và kiểm tra kỹ năng chuyên môn liên quan. Quá trình tuyển dụng càng tỉ mỉ thì khả năng cao đây là công việc nghiêm túc, tương lai hứa hẹn.
Văn hóa doanh nghiệp
Thật khó để bạn nắm rõ về tổ chức, cũng như hiểu thấu đáo văn hóa doanh nghiệp khi mới ở vòng phỏng vấn. Thậm chí dù đang thử việc bạn vẫn còn khá mù mờ về những giá trị cốt lõi của công ty.
Để chắc chắn bản thân mình có thực sự phù hợp với tổ chức và văn hóa doanh nghiệp hay không, hãy đặt câu hỏi liên quan đến cách thức làm việc của công ty thông qua nhân sự phụ trách tuyển dụng, thậm chí trò chuyện với cả những nhân viên đang làm việc tại cơ quan và quan sát cách mọi người tương tác với nhau.
Bạn hãy tinh ý để khám phá cả những điều mà họ không nói ra, xem ở môi trường đó, tính độc lập, chuyên nghiệp được đề cao hay sự hòa nhã, gần gũi mới là giá trị nổi bật; xem nhân viên có thân thiện với nhau và tôn trọng cấp trên hay không... Thông qua đó, bạn sẽ hiểu mình nên làm gì, dừng lại hay tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp.
Cách giao tiếp của người phỏng vấn
Nếu không phải là nhờ sự hỗ trợ tuyển dụng của bên thứ ba, thì bạn sẽ được trao đổi trực tiếp với nhân sự của công ty ở vòng phỏng vấn. Tham gia buổi phỏng vấn này, bạn có thể phần nào dự đoán về cách thức làm việc của các đồng nghiệp tương lai.
Hãy quan sát thái độ của người phỏng vấn, cách họ đặt câu hỏi, cách họ đề cập đến quyền lợi và trách nhiệm của bạn nếu trở thành nhân viên công ty. Nếu nhà tuyển dụng tỏ ra quan tâm đến ứng viên, trả lời rõ ràng và đầy đủ các thắc mắc của bạn về công việc và tiền lương cùng các chế độ đãi ngộ thì đó là dấu hiệu tích cực.
Cơ sở vật chất của doanh nghiệp
Cơ sở vật chất và thiết bị của doanh nghiệp cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Nếu nhà tuyển dụng không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu về phòng ốc, chỗ ngồi, bàn ghế phù hợp để làm việc hay thiếu thốn thiết bị cần thiết… thì bạn hãy suy xét cho kỹ. Bởi điều đó có thể cho thấy sự tạm bợ, thiếu ổn định.
Trong trường hợp đó là một start up đang trong quá trình hoàn thiện về cơ sở vật chất và đã có kế hoạch cụ thể cho việc này thì bạn có thể cân nhắc, chịu khó làm việc trong điều kiện thiếu thốn một vài tháng trong khi chờ xây dựng hoặc chuyển đến nơi mới.
Bình luận