Rất khó để đưa ra một danh sách xếp hạng các thiết bị quân sự làm hài lòng tất cả mọi người. Tuy nhiên dựa vào những kết quả thực tế trong chiến đấu và những đánh giá từ các chuyên gia, tạp chí National Interest đã bình chọn ra 5 xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) được đánh giá tốt nhất hiện nay.
Merkava V của Israel
Dòng xe tăng Merkava đã được Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sử dụng từ cuối những năm 1970 và đã được nâng cấp, cải tiến liên tục. Phiên bản mới nhất, được đưa vào sử dụng từ năm 2023 và gần đây đã được triển khai đến Dải Gaza.
Israel bắt đầu phát triển Merkava sau cuộc Chiến tranh Yom Kippur, với mong muốn quân đội của họ sẽ không phải phụ thuộc vào xe tăng của nước ngoài. Mục tiêu của chương trình Merkava là tạo ra một nền tảng bọc thép, có thể đối đầu với những xe tăng Liên Xô đang có trong biên chế của các nước Ả Rập.
Nền tảng này đã được nâng cấp đều đặn và phiên bản mới nhất là Merkava Mark V, còn được gọi là “Barak”, có nghĩa là “tia chớp”. Trong quá trình phát triển, Bộ Quốc phòng Israel đã mô tả Merkava là “xe tăng chiến đấu thế hệ thứ năm” và nó chỉ được chuyển giao cho Tiểu đoàn Thiết giáp số 52 thuộc Lữ đoàn 401 vào năm ngoái.
Mark V được trang bị camera ngày/đêm cung cấp góc nhìn 360 độ xung quanh thân xe, cùng với Hệ thống bảo vệ chủ động Trophy (APS), được thiết kế để chống lại các loại tên lửa chống tăng, lựu đạn phóng rocket (RPG) và đạn chống tăng nổ mạnh (HEAT) tiên tiến nhất.
Xe tăng T-14 Armata của Nga
Không danh sách xe tăng hiện đại nào có thể hoàn thiện nếu thiếu T-14 Armata, ngay cả khi chiếc xe tăng này vắng mặt trên chiến trường Ukraine. Xe tăng T-14 do Uralvagonzavod phát triển, lần đầu tiên được trình diễn tại lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng vào ngày 9/5/2015 tại Moskva.
Tính năng được ca ngợi nhiều nhất của xe tăng này là tháp pháo không người lái, sử dụng pháo chính nòng trơn 125 mm 2A82-1M điều khiển từ xa với bộ nạp đạn hoàn toàn tự động. Ngoài ra, lái xe, xạ thủ và chỉ huy xe tăng được bố trí trong một khoang bọc thép ở phần trước thân xe, tách biệt với bộ nạp đạn tự động và khoang chứa đạn ở giữa xe tăng. Armata có thiết kế thấp giúp giảm thiểu khả năng trúng hỏa lực của đối phương, tăng cường sự an toàn và khả năng sống sót của kíp lái.
T-14 được coi là một thiết kế mang tính đột phá, tuy nhiên quân đội Nga ban đầu có kế hoạch mua tới 2.300 chiếc T-14 trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2020, nhưng cho đến nay, mới chỉ khoảng 50 chiếc được sản xuất. Chi phí sản xuất cao là nguyên nhân chính và đơn giản là Nga không có đủ tiền để mua MBT với số lượng lớn.
T-90M của Nga
T-90M Proryv đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin hết lời khen ngợi, khi ông đến thăm Uralvagonzavod vào tháng 2/2024.“T-90 là xe tăng tốt nhất thế giới mà không hề khoa trương. Những người lính xe tăng của chúng ta và đối thủ đều công nhận đây là xe tăng tốt nhất thế giới”, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố.
T-90 bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 1994 và T-90M Proryv là phiên bản hiện đại hóa mới nhất của chiếc xe tăng này. Phiên bản T-90 nâng cấp đã được cải thiện đáng kể về mức độ bảo vệ, khả năng cơ động và hỏa lực.
T-90M được trang bị một tháp pháo mới có cấu tạo kiểu mô-đun và bổ sung động cơ mạnh hơn lên tới 1.130 mã lực. Tuy nhiên, cấu trúc của T-90M vẫn tương tự như các mẫu T-90 trước đó, với khoang lái ở phía trước, tháp pháo ở giữa thân xe và động cơ nằm ở phía sau. Xe có thể đạt tốc độ 60 km/giờ trên đường nhựa và 50 km/giờ trên đường địa hình.
T-90M được trang bị pháo nòng trơn 125 mm 2A46M-4 có khả năng bắn các loại đạn tiêu chuẩn, cũng như tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM). Vũ khí phụ bao gồm một tổ hợp vũ khí điều khiển từ xa được trang bị súng máy hạng nặng NSVT 12,7mm và súng máy đồng trục PTKM 7,62 mm.
Theo báo cáo từ phương tiện truyền thông Nga, hệ thống ngắm đa kênh mới của T-90M cho phép kíp lái có thể sử dụng vũ khí trong cả điều kiện ban đêm. Ngoài ra, khả năng trao đổi dữ liệu với các xe chiến đấu khác theo thời gian thực cũng là một trong những lợi thế quan trọng của T-90M.
T-90M còn được trang bị lớp giáp Relikt ERA, lắp ở phía trước và hai bên tháp pháo. T-90M đã được thử nghiệm lần đầu tiên trong cuộc tập trận quân sự Zapad-2017 vào tháng 9/2017 và đang hoạt động tích cực trên chiến trường Ukraine.
Xe tăng M1A2 Abrams SEPv3 của Mỹ
Hơn 2.500 xe tăng Abrams đang phục vụ trong quân đội Mỹ. Các chuyên gia của The National Interest từng viết: “Được sản xuất bởi General Dynamics Land Systems, M1A2 Abrams là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến nhất trên thế giới. Đây là phiên bản thứ ba của chiếc xe tăng này, sau M1 Abrams và M1A1 Abrams”.
M1A2 Abrams SEPv3 được trang bị pháo nòng trơn XM256 cỡ nòng 120mm, có thể bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 3.000 mét; về vũ khí phụ, xe tăng được trang bị súng máy đồng trục M240 7,62 mm và súng máy hạng nặng M2 Browing. M1A2 sử dụng động cơ tua bin khí với công suất 1.500 mã lực, cho phép xe đạt tốc độ 67 km/h; phạm vi hoạt động của xe khoảng 430 km.
Phiên bản nâng cấp SEPv3 được cải thiện nhiều về khả năng liên lạc và kết nối mạng; các hệ thống quản lý tình trạng xe giúp cải thiện khả năng bảo trì, đường truyền dữ liệu đạn dược để sử dụng đạn nổ trên không và gói giáp chống mìn cũng được bổ sung. M1A2 còn được trang bị gói giáp bảo vệ thế hệ tiếp theo và tăng cường khả năng bảo vệ đạn đạo thụ động trên tháp pháo, cùng với các giá đỡ giáp phản ứng nổ mới. Điều này làm tăng đáng kể trọng lượng của xe tăng, nhưng khả năng sống sót của kíp lái cũng đã được cải thiện.
K2 Black Panther của Hàn Quốc
Điều bất ngờ là danh sách này không bao gồm Leopard 2 của Đức hoặc Challenger 2 của Anh. Thay vào đó, vị trí cuối cùng thuộc về K2 Black Panther của Hàn Quốc.
Vào những năm 2000, không ai nghĩ rằng Hàn Quốc có thể sản xuất được một chiếc xe tăng hiện đại như vậy, đến thời điểm hiện tại, K2 được xem là loại xe tăng tốt nhất đang hoạt động trên thế giới.
Trong Chiến tranh Triều Tiên, những chiếc xe tăng đầu tiên được lực lượng Liên hợp quốc triển khai là xe tăng hạng nhẹ M24 Chaffee của Mỹ. Và những chiếc đã M24 tỏ ra yếu thế trước xe tăng T-34 được Liên Xô viện trợ cho Triều Tiên. Sau chiến tranh, quân đội Hàn Quốc đã tăng cường lực lượng thiết giáp của mình bằng nhiều loại xe tăng do Mỹ sản xuất.
Luôn lo sợ người hàng xóm phía bắc sẽ phát động một cuộc tấn công qua khu phi quân sự, Hàn Quốc đã tự mình phát triển một loại xe tăng trong nước với tên gọi là K1, dựa trên các thiết kế ban đầu của chương trình XM1 của Mỹ, chương trình đã dẫn đến sự phát triển của xe tăng M1 Abrams sau này.
Bình luận