Không chỉ đến khi có thông tin lùm xùm về 5 triệu Yên thì cơ quan công an mới tìm hiểu về người đàn ông gốc Nam Phi, tên Afolayan Caleb, mà từ nhiều năm trước một phòng nghiệp vụ của công an TP.HCM đã chú ý và có quá trình tìm hiểu về người đàn ông này.
“Điều tra” về người mang tên Afolayan Caleb
Liên quan đến vụ mua ve chai được 5 triệu Yên như đã thông tin, mới đây, thượng tá Phạm Ngọc Tiến – Phó trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA72) Công an TP.HCM cho hay, ngày 15/5 đơn vị này đã cung cấp cho công an Q.Tân Bình nhiều thông tin mới liên quan đến người đàn ông quốc tịch Nam Phi, có tên là Afolayan Caleb.
Được biết ông Afolayan Caleb -người mà bà Phạm Thị Ngọt (SN 1975, ngụ huyện Hóc Môn) tự nhận làm chồng - là người mà bà cho rằng là chủ nhân của 5 triệu Yên để quên trong thùng loa cũ.
Bà Phạm Thị Ngọt đến nay chưa lên tiếng trước thông tin giầy tờ mà người bà nhận là chồng, được xác định là làm giả |
Đáng nói, những thông tin về ông Afolayan Caleb đã được phòng PA72, công an TP.HCM chủ động xác minh, làm rõ từ nhiều năm trước.
Thượng tá Tiến thông tin, hồ sơ về người đàn ông có tên Afolayan Caleb mà phòng PA72 nắm giữ thể hiện, ông Afolayan Caleb nhập cảnh vào Việt Nam năm 2010, được công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi (trụ sở số 289 đường Trường Chinh, P.Tân Thới Nhất, Q.12) thuê làm giáo viên.
Sau đó ông Afolayan Caleb được Sở LĐTB&XH TP.HCM cấp giất phép lao động có thời hạn, từ 14/6/2010 – 14/6/2013.
Từ giấy tờ của các cơ quan nói trên, ông Afolayan Caleb mang đến phòng PA72 làm việc và được cấp thẻ tạm trú có thời hạn đúng bằng thời hạn thể hiện trên giấy phép lao động.
Được biết, định kỳ phòng PA72 cử cán bộ đi xác minh về các trường hợp người nước ngoài mà đơn vị này cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam. Trong đó đặc biệt lưu ý đến những người gốc Phi. Bởi, trong nhiều năm qua, không ít những người gốc Phi nhập cảnh vào Việt Nam có những hành vi phạm pháp.
Giai đoạn bấy giờ, cái tên Afolayan Caleb, cũng nằm trong diện mà cán bộ phúc tra.
Tại trụ sở công ty Úc Đại Lợi như trong giấy tờ thể hiện, cán bộ công an xác định đây là công ty không có thật. Cụ thể tại địa chỉ trên, từ trước đến nay không có công ty nào tên Úc Đại Lợi. Còn người đứng tên đại diện pháp luật của công ty, là ông T.Q.M, cán bộ xác minh tại nơi đăng ký cư trú thì cũng không tìm được.
Thượng tá Tiến tình nghi, đây là công ty ảo, được lập ra nhằm mục đích làm giấy phép lao động, thẻ tạm trú cho người nước ngoài.
Bà Huỳnh Thị Ánh Hồng đang bức xúc vì cách giải quyết mà bà cho là trì hoãn, cố tình kéo dài của công an Q.Tân Bình |
Sẽ giải quyết dứt điểm vụ 5 triệu Yên?
Để làm rõ về những mờ ám xung quanh người đàn ông có giấy tờ tên la Afolayan Caleb, giai đoạn tháng 6/2013 phòng PA72 gửi công văn cho Đại sứ quán Nam Phi nhờ hỗ trợ, xác minh về Afolayan Caleb, có số hộ chiếu 442682793.
Lúc đó, phòng PA72 chỉ gửi cho phía cơ quan đại diện nước bạn, là bản sao của hộ chiếu, còn bản gốc thì người có tên Afolayan Caleb đã lưu giữ.
Chỉ thời gian ngắn, Đại sứ quán Nam Phi có công văn phúc đáp khẳng định, số hộ chiếu 442682793 là không có thật, không chính xác. Trong khi đó, cơ quan đại diện của Nam Phi tại Việt Nam không khẳng định là hộ chiếu thật hay giả khi họ chưa nắm được trong tay hộ chiếu gốc để kiểm tra, xác minh.
Các bước xác minh sau đó, phòng PA72 đủ cơ sở khẳng định, người có tên Afolayan Caleb đã sử dụng hộ chiếu giả để liên hệ các cơ quan chức năng nhằm làm các giấy tờ khác và tình nghi có các hoạt đồng mờ ám.
Cũng trong giai đoạn đó, phòng PA72 phát đi thông báo hủy thẻ tạm trú của người có tên Afolayan Caleb, nhưng giữa tháng 6/2013, ông Afolayan Caleb đã xuất cảnh khỏi Việt Nam.
Liên quan đến những thông tin giấy tờ của ông Afolayan Caleb là giả mạo hoặc được cung cấp trên cơ sở các giấy tờ giả mạo thì bà Ngọt – người tự nhận là vợ ông Afolayan Caleb, vẫn chưa lên tiếng.
Một nguồn tin từ công an Q.Tân Bình cho hay, việc bà Ngọt cung cấp các giấy tờ như: giấy phép lao động, thẻ tạm trú của ông Afolayan Caleb… là không có căn cứ để xem xét trong tiến trình giải quyết vụ việc có liên quan đến 5 triệu Yên Nhật mà bà Huỳnh Thị Ánh Hồng (SN 1978, ngụ Q.Tân Bình) nhặt được khi mua ve chai.
Vị này cho hay, bà Ngọt và ông Afolayan Caleb chưa thực hiện các thủ tục ghi chú hôn nhân theo quy định nên chưa thể xem là vợ chồng theo pháp luật Việt Nam.
Do đó, đơn của bà Ngọt liên quan đến vụ 5 triệu Yên không đủ cơ sở xem xét. Hiện ông Afolayan Caleb chưa xuất hiện trực tiếp hay có đơn ủy quyền cho cá nhân nào khác để làm đại diện. Khả năng trong thời gian tới, công an Q.Tân Bình sẽ họp bàn với các cơ quan chức năng khác nhằm giải quyết dứt điểm vụ lùm xùm liên quan đến người phụ nữ ve chai nhặt 5 triệu Yên.
Video công an trả lời vụ 5 triệu yên
Nguồn: Vietnamnet
Bình luận