Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.
Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng là địa phương có tốc độ tăng GRDP quý I/2023 cao nhất, đạt 9,65% và đứng vị trí thứ 3 trong 63 địa phương (sau Hậu Giang và Bình Thuận).
Đà Nẵng tăng 7,12%, đứng vị trí thứ 19/63 địa phương. GRDP của Hà Nội tăng 5,80%, đứng vị trí thứ 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp thứ 32/63 địa phương.
Đứng vị trí thứ 4 là Cần Thơ với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 4,02%, xếp thứ 43/63 địa phương. Tăng trưởng của TP.HCM chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và xếp hạng 56/63 địa phương.
Tính chung cả nước, nhiều địa phương ghi nhận tốc độ tăng GRDP cao hơn tốc độ tăng GDP như: Hậu Giang tăng 12,67%; Bình Thuận tăng 9,86%; Hải Phòng tăng 9,65%; Khánh Hòa tăng 9,07%; Cà Mau tăng 9,05%...
Ở chiều ngược lại, tăng trưởng GRDP của một số địa phương giảm là Quảng Ngãi (-1,07%), Vĩnh Phúc (-2,47%), Bà Rịa – Vũng Tàu (-4,75%), Quảng Nam (-10.88%), Bắc Ninh (-11,85%).
Tổng giá trị tăng thêm quý I/2023 của Hà Nội ước tính đạt 6,21% so với quý I/2022. Chỉ số này của Hải Phòng ước tính tăng 9,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhờ đà phục hồi tích cực của hoạt động du lịch và các lĩnh vực dịch vụ khác đi kèm, kinh tế thành phố Đà Nẵng quý I/2023 vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá với mức tăng 7,84% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng tổng giá trị tăng thêm quý I/2023 của Cần Thơ đạt 4,28% và TP.HCM có mức tăng trưởng quý I/2023 thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạt 0,70% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, Hà Nội cùng với Quảng Ninh và TP.HCM là 3 địa phương có mức sống cao nhất cả nước năm 2022.
Báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2022 của Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy vùng Đồng bằng sông Hồng có chỉ số SCOLI cao nhất cả nước, trong khi Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có chỉ số giá SCOLI thấp nhất.
Thống kê chỉ số giá sinh hoạt từng tỉnh, thành phố năm 2022 cho thấy 5 địa phương có mức giá cao nhất cả nước trong năm vừa qua là Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở chiều ngược lại, 5 địa phương có mức giá thấp nhất cả nước là Quảng Trị, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Nam Định.
Quảng Trị là địa phương có chỉ số SCOLI năm 2022 thấp nhất cả nước khi chỉ bằng 86,83% so với Hà Nội. Giá bình quân các nhóm hàng của Quảng Trị so với Hà Nội chủ yếu dao động trong khoảng 76-115%.
"Giá lương thực, thực phẩm; may mặc, mũ nón giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; dịch vụ giáo dục và y tế thấp, chi phí du lịch rẻ là các yếu tố làm cho mức độ đắt đỏ của Quảng Trị thấp nhất cả nước", Tổng Cục Thống kê đánh giá.
Bình luận