• Zalo

5 sự kiện giáo dục nổi bật nhất năm 2014

Giáo dụcThứ Năm, 01/01/2015 07:50:00 +07:00Google News

Những sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2014 được coi là bước tiến mạnh mẽ, tạo tiền đề đổi mới sâu và rộng hơn trong năm mới 2015.

(VTC News) - Những sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2014 được coi là bước tiến mạnh mẽ, tạo tiền đề đổi mới sâu và rộng hơn trong năm mới 2015.

Báo điện tử VTC News đã lựa chọn, tổng hợp 5 sự kiện giáo dục nổi bật nhất trong năm 2014.

1. Quốc hội thông qua Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa vừa được Quốc hội thông qua được xem là sự kiện quan trọng nhất của giáo dục Việt Nam năm 2014. Sự kiện này cũng khiến các chuyên gia, các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục tranh luận rất nhiều trên các mặt báo.
sách giáo khoa
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông 
Tháng 4/2014, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, khi Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời con số khái toán cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa là 34.275 tỷ đồng. Ngay lập tức đề án gây xôn xao dư luận và khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Ngay sau đó Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích con số này là do sơ xuất trong tính toán.

Tới phiên họp Quốc hội cuối năm, vào đúng ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) Bộ trưởng giải thích "làm sách giáo khoa không vì lợi ích nhóm", “không có chuyện đá bóng, thổi còi”. Đáng chú ý là kinh phí cho Đề án này từ hơn 34.000 tỷ đồng đã được rút xuống còn hơn 400 tỷ đồng. Ngày 28/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa với 88,22% đại biểu tán thành.

2. Quyết định tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015

Việc quyết định gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng trở thành một kỳ duy nhất gọi là kỳ thi THPT quốc gia được xem là bước tiến lớn nhất trong đổi mới thi cử. Trước đó, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà giáo đã tranh luận về việc nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Kỳ thi THPT quốc gia 2015
Quyết định tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015 
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ đảm nhận 2 nhiệm vụ là công nhận tốt nghiệp THPT và tạo cơ sở để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Hiện tại, dự thảo Quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015 vẫn đang trong quá trình xin ý kiến đóng góp của dư luận trước khi có quyết định chính thức.

3. Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh bằng bài thi kiểu Mỹ

Đại học Quốc gia Hà Nội đã thống nhất dùng một bài thi đánh giá năng lực xét tuyển sinh đại học năm 2015. Theo đó, thí sinh sẽ thực hiện bài thi được tổ chức thi vào 2 đợt, tháng 5 và cuối tháng 7. Trên cơ sở kết quả điểm bài thi này, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ xét tuyển từ điểm cao xuống thấp.
đại học quốc gia hà nội
Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực trong năm 2015 

Phương án tổ chức bài thi trắc nghiệm khách quan được rất nhiều trường đại học lớn ủng hộ. Nhiều trường đại học dự kiến sẽ sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để tuyển sinh.

4. Bỏ chấm điểm tiểu học

Thông tư 30 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10 về cách đánh giá học sinh. Thay vì cho điểm thường xuyên, nhà trường sẽ cho vào các đợt cuối mỗi kỳ học; các giáo viên tăng cường đánh giá sự tiến bộ của học sinh bằng nhận xét. Để hỗ trợ cho giải pháp này, có nhiều giải pháp đi kèm như cấm lập đội tuyển học sinh giỏi tiểu học, không thi tuyển sinh vào lớp 6…

5. Điều lệ trường Đại học ra đời

Ngày 10/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định ban hành Điều lệ trường đại học, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn; tổ chức và quản lý trường đại học; hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế; giảng viên và người học; tài chính và tài sản... của các trường.
Điều lệ trường đại học ra đời
Điều lệ trường đại học ra đời sẽ tạo điều kiện cho các trường phát triển mạnh mẽ 

Việc Điều lệ trường Đại học ra đời sẽ phân định rõ trách nhiệm, cơ cấu của từng loại hình đại học.

Điều lệ cho phép các trường quyết định mục tiêu, chiến lược và kế hoạch phát triển; quyết định thành lập bộ máy tổ chức, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trên cơ sở chiến lược và quy hoạch phát triển nhà trường; thu, chi tài chính, đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định, trong đó một số quan điểm mới về trường đại học tư thục phi lợi nhuận ở Việt Nam đã được ban hành.

Điều lệ trường đại học ra đời dự kiến sẽ nâng cao tính tự chủ của các trường đại học trong tương lai, giúp các trường có nhiều điều kiện để phát triển.

Minh Đức (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn