Theo dõi từng diễn biến, buồn vui cùng các nhân vật trên phim nên khán giả luôn háo hức mong đợi đi đến hồi kết. Thế nhưng thay vì được thỏa mãn khi những nút thắt được tháo gỡ, người xem lại tức “nổ đom đóm mắt” vì pha “bẻ lái” quá khó hiểu của biên kịch.
Tuổi 25, tuổi 21 (Twenty-five, Twenty-one)
Bộ phim là câu chuyện về Na Hee Do - một vận động viên đấu kiếm quốc gia và mối tình thanh xuân với nam chính Baek Yi Jin. Ngoài ra, tình bạn giữa cặp đôi này với 3 nhân vật Ko Yu Rim, Ji Woong, Ji Seung Wan cũng được biên kịch xây dựng thành công.
Tuy nhiên, cái kết khó hiểu đã phá hỏng mạch cảm xúc của người xem. Trong khi tất cả các nhân vật phụ đều được hạnh phúc, Na Hee Do - Baek Yi Jin lại có màn chia tay đẫm nước mắt vì yêu xa. Khán giả cho rằng, chi tiết này bị khiên cưỡng vì trước đó tình cảm của cặp đôi đã bền chặt, khó có thể chia tay dễ dàng như vậy.
Không thể không kể đến chi tiết bố ruột của Kim Min Jae bị bỏ ngỏ đã khiến người xem hụt hẫng, chưng hửng gấp bội.
Cuộc chiến thượng lưu (Penthouse)
Từng lọt top những bộ phim được tìm kiếm nhiều nhất trên Google chứng tỏ Cuộc chiến thượng lưu có sức hút đến mức nào. Xuyên suốt 3 phần phim là những plot-twist không thể ngờ tới của biên kịch Kim Soon Ok. Sau những tranh giành, đấu đá không ngừng nghỉ, khán giả mong đợi một cái kết hạnh phúc và nhẹ nhàng, “dễ thở” hơn.
Nhưng biên kịch đâu dễ dàng chiều lòng người như vậy. Trong tập cuối, lần lượt từng nhân vật từ chính diện đến phản diện đều bị cho “bay màu”. Không chỉ là cái chết thông thường, Kim Soon Ok còn để Shim Su Ryeon và ác nữ Seo Jin tự tử làm dấy lên làn sóng tranh cãi liệu biên kịch có đang cổ xúy cho hành động này.
Chuyện tình Paris (Lovers in Paris)
Đây là một trong những bộ phim tình cảm lãng mạn kinh điển của Hàn Quốc mà bất cứ ai từng xem qua đều phải phẫn nộ về cái kết. Lấy mô-típ lọ lem - hoàng tử điển hình khi nàng là cô gái nghèo kiết xác, chàng là giám đốc đẹp trai lạnh lùng, trải qua bao nhiêu khó khăn, cặp đôi cuối cùng cũng được ở bên nhau.
Nhưng ai nào có ngờ, biên kịch đã “cua gắt” khi biến toàn bộ câu chuyện này trở thành một giấc mơ của nữ chính. Tập cuối khép lại khi cô nàng tỉnh mộng đẹp, sau đó nam nữ chính lướt nhau không thể lãng xẹt và vô nghĩa hơn.
Gia đình là số 1 - phần 2 (High kick through the roof)
Là một trong ba phần sitcom đình đám, Gia đình là số 1 phần 2 đáng ra là bộ phim mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả thay vì sự bực dọc. Khi mối tình giữa bác sĩ Ji Hoon và cô giáo Hwang Jung Eum đang tiến triển tốt đẹp, chỉ cần một đám cưới viên mãn thì biên kịch lại cho nam chính qua đời cùng nữ phụ Shin Se Kyung sau 1 vụ tai nạn xe hơi.
Cái kết gây thất vọng đến nỗi hơn 10 năm sau, khán giả có thể xem đi xem lại các tập phim khác trừ tập cuối.
Ông hoàng thời trang (Fashion King)
Những cái chết lãng xẹt tiếp tục được biên kịch Hàn lạm dụng và lần này là dành cho nhân vật của Yoo Ah In trong Ông hoàng thời trang. Vốn là một bộ phim về chủ đề thời trang nhưng phần lớn thời lượng đều xoay quanh chuyện tình yêu tay ba kịch tính nhiều hơn là những kiến thức về ngành công nghiệp xa xỉ.
Không chỉ “treo đầu dê bán thịt chó”, biên kịch còn khiến dân tình khó hiểu khi để nam chính qua đời ngay tập cuối. Ngay đến bản thân Yoo Ah In cũng không hiểu vì sao nhân vật mình đóng lại có kết cục bi thương đến vậy, huống hồ là khán giả xem phim.
Bình luận