• Zalo

5 nguy cơ bạn phải đối mặt khi thức khuya

Sức khỏeChủ Nhật, 17/02/2019 23:04:00 +07:00Google News

Giấc ngủ kéo dài 7-9 tiếng mỗi đêm là cách hiệu quả nhất để tái tạo sức khỏe tinh thần và thể chất, còn nếu không ngủ đủ, bạn có thể phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh.

Bạn có nhớ lần cuối cùng mình thức dậy mà không cần đến chuông báo thức, cảm thấy sảng khoái và chẳng cần dùng caffeine không? Nếu câu trả lời là "không", bạn không phải là người duy nhất. Khoảng 2/3 người trưởng thành ở các nước phát triển không ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm.

Các nghiên cứu do Hội đồng Giấc ngủ Anh và công ty YouGov thực hiện cho thấy cứ ba người bạn gặp trên đường phố ở Anh lại có một người bị thiếu ngủ. Chắc bạn không bất ngờ trước con số này, nhưng có lẽ bạn sẽ bất ngờ bởi những hậu quả mà tình trạng thiếu ngủ gây ra.

Tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

Thiếu ngủ là một trong các yếu tố lớn nhất thuộc về lối sống tác động đến việc về sau bạn có mắc bệnh Alzheimer hay không.

Trong khi ngủ, một hệ thống cống khổng lồ trong não, được gọi là hệ bạch huyết, bắt đầu hoạt động. Khi bạn bước vào giai đoạn ngủ sâu, hệ thống vệ sinh này sẽ dọn sạch các protein có hại liên quan đến bệnh Alzheimer trong não, có tên Beta-amyloid.

Nếu không ngủ đủ, não của bạn sẽ không được dọn sạch như thế. Do vậy, sau mỗi đêm bạn thiếu ngủ, nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cũng tăng lên.

Tăng cảm giác thèm ăn

Có lẽ bạn cũng nhận thấy mình thèm ăn hơn khi cảm thấy mệt mỏi? Không phải ngẫu nhiên mà như vậy. Việc ngủ quá ít làm tăng tập trung một loại hormone gây thèm ăn, đồng thời lấn át loại hormone thông báo bạn đã nhận đủ thức ăn. Vì thế, dù đã no, bạn vẫn sẽ muốn ăn nữa. Đây chính là "công thức" gây tăng cân ở những người lớn và trẻ em thiếu ngủ.

Việc ăn kiêng cũng trở nên vô ích nếu bạn không ngủ đủ, vì bạn sẽ giảm cơ nhiều hơn giảm mỡ. Như vậy, ngủ đủ là công cụ hữu hiệu để bạn kiểm soát cảm giác thèm ăn, cân nặng của bạn.

thieungu

Thiếu ngủ sẽ khiến bạn tăng cảm giác thèm ăn. 

Giảm hiệu suất thi đấu

Giấc ngủ có lẽ là loại "thuốc kích thích" hợp pháp tuyệt vời nhất mà không nhiều vận động viên tận dụng được. Khi ngủ dưới 8 tiếng mỗi đêm, đặc biệt là dưới 6 tiếng mỗi đêm, cơ thể sẽ nhanh mệt mỏi hơn 10-30%, lực duỗi chân và khả năng bật cao giảm, sức mạnh và độ bền cơ bắp giảm.

Bên cạnh đó, có cả các vấn đề về tim mạch, trao đổi chất và hô hấp, như tăng tích tụ axit lactic, giảm oxy trong máu, tăng CO2.

Ngoài ra, đối với vận động viên chỉ ngủ 5-6 tiếng mỗi đêm, nguy cơ bị chấn thương trong một mùa giải sẽ tăng lên hơn 200%.

Gây tổn hại hệ miễn dịch

Nếu bạn thường xuyên ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm, hệ miễn dịch của bạn cũng sẽ bị tổn hại, khiến nguy cơ mắc ung thư tăng cao. Chính vì thế, mới đây Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp các công việc làm ca đêm là một yếu tố có thể gây ung thư.

Các vấn đề về tâm lý

Thiếu ngủ cũng liên quan đến các vấn đề tâm lý điển hình, bao gồm trầm cảm, lo lắng và ý muốn tự sát. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng không có ca bệnh tâm lý nào mà người bệnh có giấc ngủ bình thường.

Ngoài các hậu quả về sức khỏe thể chất và tinh thần kể trên, ta có thể nói "giấc ngủ càng ngắn, đời càng ngắn". Các nghiên cứu mới đây chứng minh rằng những người thường xuyên ngủ 5-6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ đột tử cao hơn 65% so với những người ngủ 7-9 tiếng.

Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên khi các nước có thời gian ngủ giảm đáng kể trong thế kỷ vừa qua, như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Tây Âu, có tỷ lệ mắc các bệnh kể trên cao nhất.

Nói đơn giản, duy trì giấc ngủ đêm 7-9 tiếng là cách hữu hiệu nhất để chúng ta tái tạo sức khỏe thể chất và tinh thần mỗi ngày.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn