Trong lễ bảo vệ luận án tiến sĩ ngày 12/10, chị Lưu Thị Hồng Nhung, tác giả "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực" cho biết, những ngày đầu nghiên cứu đề tài này chị gặp nhiều khó khăn. Chị thừa nhận từng nhiều lần muốn bỏ cuộc vì dữ liệu rất lớn và yêu cầu rất cao.
5 năm theo đuổi nghiên cứu
"Chúng ta không thể cứ đi mượn mãi những chiếc áo ngực có số đo của người nước ngoài vào người Việt, mà cần lối đi riêng. Nghĩ vậy, thầy trò quyết tâm nỗ lực thực hiện nghiên cứu đến cùng", chị Nhung chia sẻ.
Chia sẻ về quá trình hướng dẫn tiến sĩ Lưu Thị Hồng Nhung, PGS.TS Nguyễn Thị Lệ nói, người đầu tiên cởi trần để quét 3D chính là giảng viên hướng dẫn Nguyễn Nhật Trinh và người thứ hai gắn cảm biến đầy người trong phòng tối là bà Lệ. "Chúng tôi làm chuột bạch vô vàn lần cho đến khi cảm thấy tốt, thấy ổn định thì mới chuyển sang giai đoạn đo cho các đối tượng khác", bà Lệ nói.
Trong 5 năm nghiên cứu, nhiều ngày từ sáng tới tối phòng thí nghiệm C10 của Đại học Bách khoa Hà Nội phải "đóng kín cửa, cài trong" để đo các chỉ số ở các nữ sinh được cài đầy cảm biến.
Để thuyết phục gần 500 nữ sinh đồng ý cởi áo quét ngực trần là bài toán khó với nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung. Kinh phí nghiên cứu hạn hẹp, chị phải tự nghiên cứu chế tạo hai hệ thống đo (hệ thống đo áp lực và hệ thống scan 3D).
Vừa thu thập số liệu đo trên cơ thể người, vừa xử lý những dữ liệu hiện đại, cả giảng viên hướng dẫn và nghiên cứu sinh làm việc vất vả gần hai năm, từ xử lý số liệu và sau đó test kết quả gửi đi hội nghị, phản biện và chỉnh sửa, cuối cùng mới được đăng bài báo quốc tế đầu tiên.
"Chúng tôi đã lường trước được việc dư luận sẽ xôn xao với đề tài nghiên cứu áo ngực. Vì vậy trong quá trình thực hiện, các thầy cô hướng dẫn "ép" Nhung phải hoàn thành thêm các công bố quốc tế trên tạp chí uy tín để khẳng định kết quả nghiên cứu này mang hàm lượng khoa học cao và nghiên cứu thực chất. Đó là lý do Nhung có tới 4 bài báo quốc tế liên quan tới vấn đề nghiên cứu này", bà Lệ nói.
"Dữ liệu nhân trắc và dữ liệu về áp lực của Nhung không dễ gì mà có được. Để đánh giá độ tiện nghi, các sinh viên phải ngồi trong phòng thí nghiệm từ sáng đến chiều, 8 tiếng và đánh giá trong 6 thời điểm. Đó là chưa nói đến vấn đề đo áp lực vì việc này làm riêng", bà Lệ nói thêm.
Nếu đề tài này giảng viên hướng dẫn không phải là phụ nữ thì khó làm được vì bị nhận xét là "nhạy cảm". Dữ liệu quét 3D cũng được cắt hết những chi tiết riêng tư, để không lộ danh tính của người tham gia đo. Nghiên cứu may mắn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ sinh viên.
"Kết quả luận án tiến sĩ là 'trái ngọt' không chỉ với Lưu Thị Hồng Nhung mà cũng là động lực, an ủi với những người hướng dẫn như chúng tôi", bà Lệ nói.
Không bị áp lực dư luận
PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch hội đồng thẩm định luận án đánh giá, đề tài nghiên cứu về áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực của Lưu Thị Hồng Nhung rất thực tiễn. Đây sẽ là một trong những nghiên cứu mở đường cho các đề tài sau này trong lĩnh vực thời trang, sức khoẻ và phụ nữ.
Về ý nghĩa khoa học, luận án thiết lập được phương án đo trực tiếp áp lực của áo ngực nữ trên cơ sở thiết bị đo áp lực đã được thiết kế. Luận án cũng thiết lập mới phương pháp đo 3D kích thước ngực nữ, xác định được mối quan hệ của 3 thông số cơ thể và 18 kích thước ngực nữ sinh miền Bắc Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu xác định được ảnh hưởng của các kích thước ngực đặc trưng tới áp lực, độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ thông qua các mối quan hệ đơn biến và đa biến.
Về ý nghĩa thực tiễn, thông qua kết quả xác định các kích thước ngực đặc trưng, nghiên cứu phân nhóm ngực nữ sinh làm tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo trong việc xác định ảnh hưởng của kích thước ngực đặc trưng tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực. Từ đó, góp phần xây dựng cơ sở khoa học để thiết lập hệ thống cỡ số áo ngực, thiết kế và lựa chọn áo ngực.
"Kết quả nghiên cứu luận án sẽ là cơ sở tốt để các nhà sản xuất áo ngực tham khảo khi thiết kế kích thước, cấu trúc, lựa chọn vật liệu cho áo ngực, góp phần đảm bảo áp lực và độ tiện nghi áp lực phù hợp với người mặc", ông nhấn mạnh.
Về áp lực trong quá trình đánh giá đề tài đang gây xôn xao dư luận, ông Tuấn khẳng định, hội đồng đánh giá và làm việc hoàn toàn khách quan dựa trên những kết quả, thông số nghiên cứu của luận án. "Kết luận của hội đồng không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố dư luận nào khác", ông nói.
Trước khi bảo vệ luận án, Lưu Thị Hồng Nhung từng công bố 8 bài báo thể hiện kết quả nghiên cứu của luận án. Trong đó 1 bài báo trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Web of science, 3 bài báo quốc tế thuộc danh mục Scopus, 4 bài báo trên các tạp chí trong nước. Đây đều là các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín. Điều đó cho thấy, nghiên cứu sinh rất nghiêm túc với việc nghiên cứu luận án.
Đánh giá về luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung, PGS.TS Trần Minh Nam, Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội, thành viên phản biện của hội đồng thẩm định bày tỏ: "Nghiên cứu luận án tiến sĩ trên chính là cơ sở khoa học để phát triển các nghiên cứu khác. Ví dụ, bệnh ung thư vú nguyên nhân từ nhiều tác động, trong đó có tác động từ áp lực áo ngực và ngành y sẽ tiếp tục nghiên cứu về chuyện này", ông Nam nhấn mạnh.
7/7 phiếu đánh giá đạt yêu cầu
Sáng 12/10, chị Lưu Thị Hồng Nhung bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đề tài "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực". 7/7 thành viên hội đồng thẩm định đánh giá luận án đạt yêu cầu, trong đó 3 phiếu xếp loại xuất sắc.
Hội đồng nhận định, luận án đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bố cục, nội dung, hình thức của một luận án tiến sĩ.
Đầu tháng 10/2022, luận án này từng gây xôn xao dư luận về hàm lượng khoa học. Khi đó, hầu hết chuyên gia đánh giá luận án thực tiễn, mang ý nghĩa khoa học lớn, trên thế giới nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này.
Bình luận