Sau khi Thế chiến II kết thúc, đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô hình thành Chiến tranh Lạnh, từ đó dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang toàn diện. Đặc biệt, Mátxcơva và Washington đã tìm mọi cách phát triển các dòng máy bay chiến đấu tốt nhất, nhằm đảm bảo lợi thế trên không.
Tạp chí quân sự Military Watch Magazine bình chọn 5 tiêm kích hàng đầu của 2 siêu cường thế giới lúc bấy giờ.
F-14D Tomcat
Ở vị trí đầu tiên là máy bay chiến đấu F-14D Tomcat của Mỹ. Đây là phiên bản cải tiến của dòng F-14, được đưa vào biên chế trong Không quân Hoa Kỳ vài tháng trước khi Liên Xô sụp đổ.
F-14D có động cơ mạnh mẽ, buồng lái bằng kính cường lực, hệ thống điện tử hàng không mới nhất. Ngoài ra, nó còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử hiện đại và radar mạnh mẽ. Dòng máy bay này còn được trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại, cho phép săn lùng các máy bay đối phương khi hệ thống radar tắt.
Máy bay được trang bị hệ thống tên lửa không đối không tầm xa AIM-54 Phoenix, với chế độ “bắn-quên”. Trần bay đạt mức 16 km, F-14D Tomcat được sử dụng như một máy bay đánh chặn, với khả năng cơ động cao, tầm bắn xa.
MiG-31 Foxhound
Xếp ở vị trí thứ 2, theo đánh giá của Military Watch Magazine, là tiêm kích đánh chặn MiG-31 của Liên Xô. Đây được coi là dòng máy bay thế thệ thứ 4 đầu tiên của Liên bang Xô Viết. Nó được thiết kế với tính năng đánh chặn tầm xa, tác chiến dưới mọi điều kiện thời tiết.
MiG-31 có tốc độ siêu thanh, trần bay cao thực tế đạt 21,5 km. Tên lửa tầm trung P-40, cho phép MiG-31 tiêu diệt mục tiêu ở cự li 300 km. Do đó, MiG-31 có khả năng đánh chặn tất cả các loại máy bay được trang bị trong quân đội Hoa Kỳ và NATO lúc bấy giờ.
Su-27 Flanker (Liên Xô)
Máy bay chiến đấu của Liên Xô Su-27 được xếp ở vị trí thứ ba. Dòng máy bay này được sử dụng từ năm 1985, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với F-15C Eagles của Không quân Hoa Kỳ. Su-27 có tính năng vượt trội so với dòng MiG-21 và MiG-23 trước đó của Liên Xô.
Su-27 là chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 của Liên Xô, được phân biệt bởi trọng tải lớn, trang bị tên lửa không đối không R-27 và radar N001 uy lực. Máy bay này có khả năng cơ động cao, chiến đấu ở cả tầm ngắn và tầm xa.
Với tầm bay dài, trần bay cao, tốc độ nhanh, Su-27 Flanker được dùng để thâm nhập các khu vực phòng không và giành ưu thế không chiến. Chính sự xuất hiện của Su-27, Hoa Kỳ buộc phải đẩy nhanh chương trình chế tạo máy bay thế hệ thứ 5 của mình.
F-15C Eagle
Đây là máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ, biến thể của F-15A, được đưa vào sản xuất năm 1978. F-15C Eagle được phát triển dựa trên những kinh nghiệm tác chiến thu được từ chiến tranh Việt Nam. Nó có tính năng vượt xa so với những dòng máy bay trước đó của Không quân Hoa Kỳ.
F-15C Eagle được phát triển để thay thế cho F-4E Phantom, dùng để đối kháng với máy bay đánh chặn MiG-25 của Liên Xô. Máy bay có khả năng cơ động cao, radar mạnh mẽ, tác chiến tầm xa và có tải trọng lớn. Vũ khí chính của F-15C Eagle là tên lửa tầm trung AIM-7 Sparrow.
MiG-25
Vị trí thứ 5 thuộc về tiêm kích đánh chặn MiG-25 của Liên Xô. Đây là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3, được các nhà thiết kế Liên Xô phát triển đi trước thời đại ở một số tính năng, cho phép nó chiến đấu ngang hàng với các máy bay thế hệ thứ 4.
MiG-25 có trần bay cao kỷ lục – 37,65 km và là máy bay chiến đấu nhanh nhất thế giới từng được sử dụng. Trong Chiến tranh Lạnh, MiG-25 được trang bị tên lửa R-40, đã tiêu diệt nhiều máy bay chiến đấu của phương Tây trên lãnh thổ Iraq và Syria. Các máy bay chiến đấu F-14, F-15 và các hệ thống phòng không của Hoa Kỳ khi đó không thể gây ra bất cứ thiệt hại nào đối với MiG-25, khi tác chiến tại chiến sự Trung Đông .
Bình luận