Đông y chia tình chất hàn nhiệt của thực phẩm thành 5 mức độ: Nhiệt (nóng), ôn (ấm), bình (trung bình), lương (mát) và hàn (lạnh). Vào mùa hè, để cân bằng cơ thể, cần hạn chế ăn đồ nóng, tăng cường ăn đồ mát. Tuy nhiên, không ít loại trái cây không gây cảm giác nóng bức nên nhiều người vẫn tưởng là mát, trong khi thực tế không như vậy.
Ổi
Ổi có hương vị khá dịu, kể cả những quả rất ngọt cũng không gây cảm giác gắt, ăn nhiều vẫn không cảm thấy khó chịu. Vì thế nhiều người vẫn tưởng nó tính mát hoặc tính bình. Tuy nhiên theo Đông y, ổi có tính ấm. Vì vậy, những người thể tạng ôn nhiệt không nên ăn quá nhiều ổi. Lời khuyên này cũng áp dụng cho người thể trạng bình thường trong những ngày nắng nóng gay gắt.
Nhãn
Nhãn có mặt trong nhiều món ăn, thức uống giải nhiệt mùa hè, hương vị cũng rất dễ chịu nên nhiều người nghĩ nó tính mát. Thật ra loại quả này tính ấm, hàm lượng đường cao nên nếu ăn nhiều sẽ phát sinh nhiều nhiệt lượng.
Tốt nhất bạn chỉ nên ăn nhãn ở mức vừa phải. Tuy nhiên, không cần quá câu nệ khi dùng nhãn trong các món chè, trà, vì vài quả nhãn không phải là quá nhiều nhưng có tác dụng tăng hương vị rất tốt.
Lựu
Trời nắng nóng mà được cốc nước ép lựu thì cảm giác mát rượi cả người. Thế nhưng thực ra lựu được xếp vào danh sách những loại trái cây tính ấm. Vì vậy, bạn không nên thường xuyên ăn quá nhiều lựu vào mùa hè.
Vú sữa
Trái với suy nghĩ của nhiều người, quả vú sữa tính ấm, chỉ nên ăn với mức độ vừa phải nếu không muốn phát nhiệt, nổi mụn. Ngoài ra, những người hay táo bón cũng nên cẩn thận khi ăn vú sữa vì có thể làm nặng hơn tình trạng này. Hãy chọn những quả vú sữa thật chín để tránh gây táo bón nhé.
Quả na
Quả na giàu dinh dưỡng, giúp bồi bổ sức khỏe rất tốt, nhưng nếu ăn nhiều cũng sẽ bị nóng. Cùng họ với nó có quả mãng cầu xiêm tính mát, tuy nhiên quả này thường được ăn kèm với đường, sữa đặc nên nếu dùng nhiều vẫn bị “nóng trong người”.
Bình luận