• Zalo

45 năm thành lập Petrovietnam: 45 năm sứ mệnh tìm dầu

Thị trườngThứ Hai, 31/08/2020 09:22:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Xuyên suốt chặng đường 45 năm trưởng thành, hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) luôn phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách.

Tuy nhiên, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Tập đoàn luôn nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của Đảng và Nhà nước. Chính niềm tin, sự kỳ vọng to lớn đó đã giúp Tập đoàn trụ vững trước các đợt "giông bão", hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, chỉ trong vòng 43 ngày kể từ khi Bộ Chính trị họp quyết định chủ trương, Tổng Cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đã được thành lập. Trong Nghị quyết đầu tiên về ngành Dầu khí (Nghị quyết 244/NQ-TW) về việc thành lập Tổng cục đã nêu rõ: "Nhanh chóng hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, bao gồm cả thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành dầu khí…".

Đặc biệt, Nghị quyết còn khẳng định: "Trong quá trình hợp tác, chúng ta phải giữ vững chủ quyền quốc gia, giữ vững độc lập tự chủ, nhanh chóng tăng cường tiềm lực của mình, tiến tới tự lực ở mức cao nhất có thể. Với vị trí chính trị của Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể hợp tác với các nước XHCN, với các nước tư bản và các nước thuộc "thế giới thứ ba"…

Cho đến bây giờ, mặc dù đã 45 năm trôi qua, nhưng ông Nguyễn Hiệp, nguyên Phó Tổng cục Trưởng Tổng Cục Dầu khí từ những ngày đầu tiên vẫn không lý giải được một điều: Tại sao trong lúc miền Nam mới giải phóng, đất nước bộn bề công việc phải giải quyết nhưng lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã nghĩ ngay tới việc phải xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí?

45 năm thành lập Petrovietnam: 45 năm sứ mệnh tìm dầu - 1

Đổi ca trên Giàn Chim Sáo

Ngày 20/7/1975, nghĩa là chưa đầy ba tháng sau khi Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ Chính trị họp tại Sài Gòn đã ban hành Nghị quyết 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Chỉ đúng một tháng sau, ngày 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Quyết nghị số 33-QN/QH/K5 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Hơn 10 ngày sau, căn cứ vào các Nghị quyết và Quyết nghị trên, ngày 03/9/1975, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Việc Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam ra đời đã đưa ngành Dầu khí bước sang một trang mới, chấm dứt thời kỳ hoạt động của các tổ chức riêng rẽ thuộc Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất...

Đây có lẽ là kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" trong lịch sử xây dựng và phát triển kinh tế đất nước ta. Vì chưa bao giờ có việc ra đời một đơn vị cấp Tổng cục và được giao trọng trách xây dựng một ngành kinh tế kỹ thuật cao, có tính đặc thù và hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam, trong lúc tiềm lực của chúng ta gần như bằng 0 lại ngắn như vậy (43 ngày).

Ông Nguyễn Hiệp cho rằng, hình như lúc đó, lãnh đạo Đảng vẫn mang trong mình tư tưởng "Thần tốc, táo bạo quyết thắng".

Sau này, để tạo điều kiện cho ngành Dầu khí phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết khác để định hướng, tạo hành lang phát triển cho ngành Dầu khí. Những nghị quyết đó thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo hết sức chính xác và kịp thời của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với hoạt động của ngành Dầu khí mà trọng tâm là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).

45 năm thành lập Petrovietnam: 45 năm sứ mệnh tìm dầu - 2

Toàn cảnh Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau

Có một điều không phải ai cũng thấu hiểu, đó là Petrovietnam đã đi từ không đến có, đã biến nhiều điều không thể thành có thể, đã đi từ vị trí người làm thuê, người học việc đến tự chủ về mặt khoa học công nghệ, triển khai các hoạt động thăm dò khai thác... Đằng sau mỗi dự án lớn của ngành Dầu khí như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn… đều có những câu chuyện thuộc dạng “thâm cung bí sử” với hàng loạt éo le cạm bẫy đối với người Dầu khí. 

Sau năm 1975, trước yêu cầu cấp bách về tìm kiếm thăm dò dầu khí, Đảng đã cử những tướng lĩnh quân đội dày dạn kinh nghiệm trận mạc, có ý chí và tinh thần kỷ luật cao cùng với các đơn vị làm kinh tế của quân đội về xây dựng ngành Dầu khí. Cho đến bây giờ, các thế hệ cha anh của Tập đoàn Dầu khí không thể quên được vào những ngày cuối năm 1975, những anh bộ đội Cụ Hồ đã rời tay súng để xắn tay áo xây dựng một nền công nghiệp có những yêu cầu khắt khe nhất về mặt kỹ thuật và có tính đặc thù rất cao.

Khi đó, những người lính vốn kiến thức về dầu khí hầu như chẳng có gì, nghề về dầu khí cũng hoàn toàn chẳng có, ấy thế mà họ đã xây dựng những khu căn cứ dịch vụ cho ngành Dầu khí, đã xông ra biển để tìm kiếm thăm dò và họ đã tranh thủ từng ngày từng giờ để học hỏi ở các chuyên gia nước ngoài; thậm chí còn nghĩ mưu nghĩ kế để “học lỏm” cách làm của chuyên gia. Đó là sự hy sinh của người Dầu khí chỉ để nhanh nhất đuổi theo các cường quốc dầu khí, để học được cách chuyển tài nguyên dầu khí thành năng lượng phát triển kinh tế đất nước.

Vào những lúc Tập đoàn Dầu khí khó khăn nhất như thời điểm những năm 1988, khi đó các giếng dầu mới có được của Liên doanh Vietsovpetro đã suy giảm sản lượng đến mức độ không thể tưởng tượng nổi. Hàng loạt chuyên gia Liên Xô bị điều chuyển hoặc xử lý kỷ luật vì kết quả hoạt động quá kém của Liên doanh, thậm chí người ta đã nghĩ đến việc giải thể Liên doanh, nhưng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ vẫn tin vào người Dầu khí và đã có sự động viên, chia sẻ, thậm chí là an ủi để anh em vững tâm suy nghĩ, tìm tòi, giải đáp những vấn đề khó về khoa học kỹ thuật. Và kết quả, chúng ta đã tìm ra dầu ở tầng đá móng. Thành công này không chỉ cứu sống Liên doanh Vietsovpetro mà còn mở ra một chương mới cho toàn bộ công tác thăm dò, tìm kiếm ở vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Với việc xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đã có không ít ý kiến phản đối, có nhiều người nghi ngờ về trình độ của người Dầu khí khi làm nhà máy lọc dầu nhưng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đứng bên cạnh người Dầu khí. Chính quyết tâm của ông, ý chí của ông đã khiến người Dầu khí càng thêm tin tưởng, quyết tâm để xây dựng Nhà máy.

Hay như như việc xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Khí Dinh Cố, cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Nhà máy thủy điện Hủa Na, Đak-đring... cũng vậy, quá trình triển khai cũng luôn vấp phải sự phản đối, nghi ngờ không nhỏ. Nhưng vượt lên trên tất cả, với sự tin tưởng, ủng hộ của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lần lượt những công trình, dự án trên đã được hoàn thành, đi vào hoạt động và đang có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Thử hỏi, nếu không có sự tin tưởng, ủng hộ đó, nếu không có ai dám dấn thân, xông pha nơi tuyến đầu "hiểm nguy" thử thách thì liệu ngành Công nghiệp Dầu khí giờ sẽ đi đến đâu, về đâu.

45 năm thành lập Petrovietnam: 45 năm sứ mệnh tìm dầu - 3

Bảo dưỡng phân xưởng Flare (đốt đuốc) tại NMLD Dung Quất.

Gần đây, có một dự án được nhiều người nhắc đến là Dự án Biển Đông 01 khai thác khí và dầu condensate ở cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh. Mỗi ngày Dự án này nộp cho Nhà nước trên dưới 1 triệu USD và đang là “con gà đẻ trứng vàng” cho kinh tế đất nước. Nhưng không nhiều người biết rằng, dự án này khai thác khí và dầu condensate ở khu vực có cấu tạo địa chất vào loại khó và nguy hiểm nhất trên thế giới bởi áp suất khí cực cao và nhiệt độ quá lớn. Khai thác dầu khí ở đây khó và nguy hiểm đến nỗi Tập đoàn Dầu khí BP của Anh đã phải từ bỏ sau khi đổ 500 triệu USD và 9 năm thăm dò, nghiên cứu ở đây. Nhưng với sự ủng hộ quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, sự đồng hành của các bộ, ngành có liên quan và trên hết là sự tin tưởng vào trí tuệ, bản lĩnh của người Dầu khí, cuối cùng dự án đã thành công mỹ mãn.

Nếu như bây giờ đối chiếu với các quy định về đấu thầu, về quản lý, hay theo các quy định cứng nhắc của các điều luật thì lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí thời kỳ đó và những người tham gia thực hiện dự án có lẽ phải nhiều lần đi tù. Bởi ngày ấy, họ đã lao vào thực hiện dự án với một quyết tâm cháy bỏng, đó là làm thế nào để đưa vào khai thác đúng tiến độ. Những quy định cứng nhắc đã được bỏ qua và đây chính là thời điểm thể hiện một cách mạnh mẽ nhất tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí.

Cho đến bây giờ, những người tham gia xây dựng Dự án Biển Đông 01 nghĩ lại vẫn toát mồ hôi, bởi ngày ấy, tại sao họ dám quyết những việc tày đình như vậy. Và rất may mắn, những quyết sách đó chưa hẳn đúng về luật pháp nhưng mang lại hiệu quả, đó là: Xây dựng giàn khai thác tiết kiệm được hàng trăm triệu USD so với dự toán ban đầu; đảm bảo an toàn tuyệt đối; hiệu suất khai thác của giàn luôn đạt ở mức cao nhất so với kế hoạch. Những người tham gia xây dựng dự án này đều khẳng định, nếu không có quyết tâm của Chính phủ, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì không thể làm được.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, hạt nhân nòng cốt của ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam, đã xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ chuỗi công nghiệp dầu khí từ khâu thượng nguồn, trung nguồn, đến hạ nguồn. Hoạt động của ngành Dầu khí hiện nay đang có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là động lực phát triển tại nhiều vùng, địa phương. Các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam như điện, đạm, xăng, dầu, khí... đang góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực cho đất nước, tạo nền tảng cho ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế phát triển.

Chính sự tin tưởng mà Đảng, Chính phủ đối với ngành Dầu khí, đối với người lao động Dầu khí đã giúp Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vững bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách và làm được những việc "không tưởng" đó.

Trong khoảng 5 năm qua, do những biến cố quá lớn đối với Tập đoàn Dầu khí đã khiến cho Văn hóa Dầu khí bị mai một, khiến cho dư luận nhân dân và lãnh đạo Đảng và Nhà nước mất đi phần nào niềm tin đối với người Dầu khí... Nhưng từ những nỗ lực của gần 60 ngàn cán bộ công nhân viên, những người Dầu khí chân chính vẫn một lòng thầm lặng cống hiến, Petrovietnam đã từng bước vượt qua khó khăn. Đặc biệt là từ đầu năm 2020, Tập đoàn phải đối phó với cuộc "khủng hoảng kép" do tác động của dịch COVID-19 và giá dầu suy giảm, bằng sự chủ động, linh hoạt trong cách ứng phó, vẫn có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.

7 tháng đầu năm 2020, trong khi các tập đoàn, công ty dầu khí hàng đầu thế giới lâm cảnh thua lỗ từ 1,6 – 21 tỷ USD, buộc phải giảm quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự... thì Petrovietnam, với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả Gói giải pháp ứng phó với “khủng hoảng kép”, vẫn giữ vững nhịp độ sản xuất, đảm bảo cung ứng các mặt hàng chiến lược cho nền kinh tế, đạt lợi nhuận hơn 10 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 38 nghìn tỷ đồng.

Và trong những ngày qua, ngành Dầu khí Việt Nam đã đón một tin vui lớn, đó là phát hiện mỏ khí Kèn Bầu ở Lô 144, gần bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là mỏ khí có trữ lượng khá lớn và sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của Petrovietnam cho hàng chục năm tới, cũng như bảo đảm an ninh năng lượng đất nước.

Những nỗ lực trong 5 năm qua của Tập đoàn Dầu khí đã và đang một lần nữa khẳng định “vàng thật không sợ lửa”. Công nghiệp Dầu khí thế giới đang phát triển không ngừng với dầu đá phiến, khai thác mỏ vùng nước sâu, công nghệ khai thác nano... Người Dầu khí Việt Nam sẽ quyết tâm “bắt kịp”, nỗ lực học hỏi để vươn lên. Dù biết rằng “nhanh và hiểm nguy” sẽ luôn đồng hành bởi chỉ cần chậm một ngày, một giờ thiệt hại cho đất nước có thể lên tới nhiều tỉ đồng, nhưng tin rằng, với bản lĩnh đã được tôi rèn và khát vọng cống hiến luôn "rực cháy" trong mỗi người Dầu khí, đặc biệt là sự tin tưởng, ủng hộ của Đảng, Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn