• Zalo

400 ngôi mộ bị múc nhầm đem đi bán: Đà Nẵng chỉ đạo khẩn

Thời sựThứ Hai, 11/05/2015 07:40:00 +07:00Google News

Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết đã có văn bản khẩn chỉ đạo UBND TP yêu cầu các ngành liên quan xử lý và báo cáo gấp về vụ việc 400 ngôi mộ xúc

Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết Thường trực Thành ủy đã có văn bản khẩn chỉ đạo UBND TP yêu cầu các ngành liên quan xử lý và báo cáo gấp về vụ việc 400 ngôi mộ bị đơn vị khai thác đất xúc đi san lấp mặt bằng.

Người dân làng Nghi An (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) chưa hết bàng hoàng về việc hàng trăm ngôi mộ đã bị xúc đi khi san lấp mặt bằng. Hiện di cốt của 400 ngôi mộ bị xúc không biết hiện giờ đã được đem đi san lấp ở đâu. Việc này chỉ có đơn vị khai thác, xúc và vận chuyển đi đổ mới biết rõ. Người dân đề nghị làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị liên quan.

Biết có mộ vẫn xúc đi đổ


Ông Nguyễn Tiến Ca (tổ trưởng tổ 16C) thông tin: “Khu vực nghĩa trủng Nghi An và lân cận đều có mồ mả. Ngay từ ban đầu xúc đất đem đi bán, đơn vị khai thác đã phát hiện ra xương người của một phụ nữ và đã phải cải táng. Sau đó hàng loạt mồ mả khác được múc đi một cách ồ ạt. Người dân đã cảnh báo nhiều lần nhưng họ vẫn tiếp tục khai thác”.

“Máy xúc họ đào sâu 6-7 m nhưng có những ngôi mộ chỉ cách mặt đất 1,5-2 m. Mộ ở khu vực nghĩa trủng này dày đặc, cứ vài mét lại có một ngôi. Để tránh việc bị phát hiện, ngăn cản của người dân cũng như không cho các lái xe thấy mồ mả, họ chỉ đạo xúc vào ban đêm. Hội đồng chư phái tộc làng Nghi An đang hết sức phẫn nộ vì việc này” - ông Ngô Văn Đức (tổ trưởng tổ 15A) nói.

Ông Hồ Kỳ Minh (Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ, ngoài cùng bên phải) cùng hội đồng chư phái tộc làng Nghi An làm lễ cúng tạ âm linh sau khi 400 ngôi mộ tại nghĩa trủng Nghi An bị doanh nghiệp xúc đi. Ảnh: LÊ PHI 

Ông Võ Ứng (tổ trưởng tổ 8B, phường Hòa Phát, một trong số những người trực tiếp cải táng 10 ngôi mộ lộ thiên chưa kịp xúc đi) nhận định: Họ đã xúc phạm nghiêm trọng đến tâm linh của người dân địa phương. Đó là khu mồ mả của cả những nghĩa sĩ, liệt sĩ, nhân dân trong chiến tranh.

Các bô lão trong hội đồng chư phái tộc làng Nghi An cho rằng 400 ngôi mộ bị xúc đi và bây giờ tìm lại thì cũng không thể giải quyết được vì mồ mả đã bị lẫn lộn. Đây là điều hết sức kỵ trong việc thờ cúng. Hằng năm cứ đến ngày 16-12 âm lịch là dân làng đều tập trung lại để cúng bái cho 1.000 nấm mồ của các nghĩa sĩ, liệt sĩ, người dân được chôn cất tại nghĩa trủng Nghi An. Đó không chỉ là để nhân dân nhớ ơn công lao của những người có công với đất nước mà nó đã trở thành nghi lễ thấm sâu trong lòng người dân Hòa Phát.

Chuyển hồ sơ cho cơ quan công an


Theo ông Mai Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Phát, sự việc xảy ra khá bất ngờ vì trước đó chính quyền và dân làng Nghi An đã có kiến nghị quy tập, trùng tu khu nghĩa trủng này. Sau đó phường và quận Cẩm Lệ sẽ lập hồ sơ xin phép đưa nghĩa trủng Nghi An trở thành khu di tích của TP. Bởi đây cũng là khu vực gắn liền với lịch sử đấu tranh trong thời kỳ đầu của nhân dân Đà Nẵng kháng chiến chống Pháp, Mỹ.

Một ngôi mộ còn sót lại được người dân quy tập, an táng. Ảnh: N.DÂN 

“Trước mắt là khắc phục hậu quả, an táng 10 mộ lộ thiên. Các bô lão trong làng yêu cầu phải hoàn thổ lại khu vực đã bị đào xúc, đồng thời phải có biện pháp chống sạt lở khu vực nghĩa trủng. Theo lịch sử Đảng bộ phường Hòa Phát thì toàn khu vực này có khoảng 2.000 mộ nhưng một số đã được di chuyển. Số lượng mộ bị đơn vị khai thác đào xúc đi là khoảng 400 mộ” - ông Mai Xuân Tuấn thông tin.

Ông Mai Xuân Tuấn khẳng định Công ty TNHH Tiến Thanh là đơn vị đào xúc đi 400 ngôi mộ. “Họ hợp đồng với Quân khu 5 để khai thác đất khu vực này. Chúng tôi không thể nắm được họ đã xúc số mộ kia đi đâu cả. Chúng tôi đã báo cáo sự việc lên UBND quận và TP” - ông Tuấn nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Kỳ Minh, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ, cho biết: “Chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công xây dựng bờ kè để chống sạt lở và đề nghị Quân khu 5 phát quang, rà phá bom mìn khu vực này cắm mốc giới khu vực nghĩa trủng để sau này không bị xâm phạm nữa. Chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị Quân khu 5 định kỳ hằng năm cho UBND phường Hòa Phát và hội đồng chư phái tộc làng Nghi An vào làm lễ (hiện tại mỗi lần vào khu nghĩa trủng phải xin giấy phép vì nằm trong đất quân đội - PV)”.

Về xử lý trách nhiệm để xảy ra việc múc 400 ngôi mộ, ông Hồ Kỳ Minh cho hay: “Hiện quận đã họp các ngành nội chính, các ngành sẽ vào cuộc, mời doanh nghiệp đến làm việc. Quận đã có văn bản báo cáo với TP và TP cũng đã gửi Quân khu 5 để phối hợp giải quyết nên cần có thời gian. Cái gì làm trước được sẽ làm ngay”.

“Tôi đã chỉ đạo Công an phường Hòa Phát chụp ảnh lại toàn bộ khu vực bị xâm phạm, lấy ý kiến của người dân trực tiếp phát hiện, thông tin từ những người bốc mộ chuyển về Công an quận Cẩm Lệ để hoàn chỉnh hồ sơ xử lý” - Bí thư quận Cẩm Lệ cho biết.

Để rộng đường dư luận, PV đã liên lạc với lãnh đạo Công ty TNHH Tiến Thanh để trao đổi về việc đơn vị này trong quá trình khai thác đã xúc đi 400 ngôi mộ nhưng không được hồi âm.

Khối lượng đất khai thác trái phép quá lớn


Như đã đưa tin ngày 9-5, Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung cho biết Thường trực Thành ủy đã có văn bản khẩn chỉ đạo UBND TP yêu cầu các ngành liên quan xử lý và báo cáo gấp cho Thường trực về vụ việc 400 ngôi mộ tại khu nghĩa trủng Nghi An nằm trong cụm kho CK55 bị đơn vị khai thác đất xúc đi san lấp mặt bằng. Hiện UBND TP đã chỉ đạo Sở TN&MT và quận Cẩm Lệ làm việc với các bên liên quan, yêu cầu dừng mọi việc khai thác.

Sau chỉ đạo khẩn của Thường trực Thành ủy, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, cho hay đã có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy. Theo ông Điểu, qua kiểm tra thực tế khu vực nghĩa trủng Nghi An bị xâm phạm đúng như người dân phản ánh.

Cũng theo ông Điểu, việc khai thác đất trái phép đã diễn ra trong nhiều năm qua và khối lượng khai thác vận chuyển đem đi bán san lấp mặt bằng là rất lớn. Tuy nhiên, do đất nằm trong quyền quản lý của Quân khu 5 nên TP rất khó xử lý. Ông Điểu nói có thể số lượng đất được khai thác này đã đưa đi san lấp mặt bằng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và các dự án trên địa bàn TP.


Ông Nguyễn Điểu cho hay Sở TN&MT cùng các ngành của TP đã làm việc với Quân khu 5 về việc khai thác đất trên. Theo giải thích của Quân khu 5 thì do việc đang sử dụng vũ khí mới cho nên trường bắn phải mở rộng để đạt yêu cầu. Đất đào ra không có chỗ đổ nên cho phép các doanh nghiệp khai thác. Vừa rồi Sở cũng đã yêu cầu phía đơn vị khai thác phải lập giấy phép đánh giá tác động môi trường.

“Trong báo cáo gửi Thành ủy, UBND TP, Sở TN&MT đề nghị ba vấn đề, cụ thể là: Kiểm tra chứng minh lại số lượng mộ bị xúc đi; tiến hành xử lý doanh nghiệp Tiến Thanh vì họ tự động hợp đồng với Quân khu 5 khai thác đất trái phép và cuối cùng là đề nghị TP làm việc với Quân khu 5 để yêu cầu dừng việc khai thác đất này lại” - ông Nguyễn Điểu, Sở TN&MT, cho biết.

Nguồn: Pháp luật TP.HCM
Bình luận
vtcnews.vn