• Zalo

40 người chết, mất tích và nỗi kinh hoàng người ở lại

Thời sựThứ Hai, 18/11/2013 11:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Đã có 31 người chết và 9 người mất tích do trận lũ lịch sử gây ra tại các tỉnh miền Trung.

(VTC News) – Đã có 31 người chết và 9 người mất tích do trận lũ lịch sử gây ra tại các tỉnh miền Trung.

Đến chiều 17/11, nhiều làng mạc của tỉnh Quảng Nam vẫn còn bị chia cắt bởi nước lũ, sạt lở. Trong đó nặng nhất là vùng “rốn lũ” Đại Lộc.

Tại huyện Đại Lộc, tuyến đường dẫn vào các xã Đại Cường, Đại Phong… vẫn chìm sâu trong nước. Người dân muốn vào làng phải sử dụng thuyền nhỏ.

Tại làng Bàu Tròn, những cánh đồng trồng rau, khoai lang ngâm nước hơn hai ngày đã mục rữa. Nhiều hộ dân trồng rau khác ở Bàu Tròn cũng trắng tay vì nước lũ. Những cơn mưa bão liên tiếp vừa qua khiến người dân nơi đây càng thêm nghèo khó.

Người dân xã Thủy Phù, TX.Hương Thủy đi lại trong dòng nước lũ chiều 16.11. Ảnh: Đình Toàn/TNO
Người dân xã Thủy Phù, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế đi lại trong dòng nước lũ chiều 16.11. Ảnh: Đình Toàn/TNO 
Theo UBND huyện Đại Lộc, những ngày qua, các thủy điện lớn ở thượng nguồn xả tràn gây ngập lụt nặng ở vùng hạ du. Cụ thể, mức xả lũ vào tối 16, rạng sáng 17/11 của thủy điện Sông Tranh 2 là hơn 2.350 m3/giây, A Vương trên 165 m3/giây, Đắk Mi 4 là 564 m3/giây. Việc xả lũ bất ngờ khiến người dân không kịp trở tay.

Tại Quảng Ngãi, chiều 17/11, một cơn lũ mới tràn về, dâng cao trên sông Vệ, sông Trà Câu (Quảng Ngãi), vượt mức báo động 3 hơn 1 m, khiến hàng nghìn nhà dân ở các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ ngập sâu. Cơn lũ mới uy hiếp nhiều khu dân cư ở Quảng Ngãi và Bình Định.


Cơn lũ trước đó khiến hàng ngàn ngôi nhà bị đổ, hư hỏng nặng; hàng trăm công trình y tế, trường học, cơ quan bị hư hại. Khoảng 350 tấn thóc giống bị ướt, gần 10.000 tấn lương thực bị ướt, hư hỏng. Hơn 1.431 ha mía, mì; 243 ha rau màu bị ngập úng, hàng chục ngàn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Trên gương mặt bao người dân từng quen chống chọi mưa lũ vẫn còn hằn sâu nỗi kinh hoàng.
Nhiều người dân xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi vẫn chưa hết bàng hoàng vì sự tàn phá của trận lũ lịch sử. 
Trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên xã có hàng ngàn điểm sạt lở, hư hỏng, 9 công trình cầu bị hư, với hàng chục ngàn mét khối đất đá bồi lấp. Có 11 tàu cá với 6 ngư dân của xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) bị đứt dây neo tại cửa sông Phú Thọ, trôi ra biển.

Tính đến 6h chiều 17/11, Bình Định có 17 người chết, mất tích, Quảng Ngãi 13 người chết, Quảng Nam 5 người chết, Gia Lai 3 người chết, mất tích, Kon Tum, Phú Yên mỗi tỉnh 1 người chết.

Lũ dữ còn khiến cho 53 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 166 nhà tốc mái và hơn 100.000 nhà bị ngập, trong đó nhiều nhất là ở Bình Định với gần 99.000 nhà.

Đến ngày 17/11, lũ rút rất chậm, hàng nghìn ngôi nhà vẫn ngập chìm trong nước lũ, hơn 1.000 ha lúa, gần 700 ha hoa màu bị ngập úng. Các hồ thủy điện vẫn tiếp tục xả lũ.

Tính đến 17h ngày 16/11, có 15 hồ chứa thủy lợi đã xả tràn với lưu lượng 30-600 m3/s. Đến sáng 17/11, 13 hồ thủy điện xả tràn. Trong đó, 6 hồ xả với lưu lượng lớn, trong đó thủy điện Sông Tranh 2 là 2.046 m3/s; Sông Ba Hạ: 3.400m3/s; Sê San 4A: 1.724m3/s...

Theo thống kê của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, hiện còn 59.042 ngôi nhà bị ngập, trong đó nhiều nhất là ở huyện Đại Lộc với 34.000 nhà. Các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và TP Hội An (Quảng Nam) vẫn ngập, nhất là những vùng trũng ở hạ du sông Thu Bồn.





Diệp Vy (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn