Thông tin về bộ sách giáo khoa lớp 1 Công nghệ Giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng thẩm định quốc gia chấm không đạt ngay từ vòng đầu tiên, thu hút sự chú ý của dư luận.
Thậm chí, sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại "không đạt" với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, phần lớn là những nội dung mà hội đồng cho rằng sách "vượt chương trình", "quá khó với học sinh lớp 1".
Điều đáng nói, bộ sách này không phải là công trình nghiên cứu mới, nó được triển khai dạy học trong nhiều nhà trường suốt 40 năm qua với khoảng 900.000 học sinh theo học. Đến nay bộ sách nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các địa phương, các phụ huynh cho rằng sách đặc biệt có tính ứng dụng cao với trẻ lớp 1.
Năm 1978, giáo sư Hồ Ngọc Đại mở trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục ở Hà Nội, ông phát triển bộ sách riêng phù hợp với phương châm giáo dục lấy học sinh làm trung tâm.
Một năm sau, cả nước thống nhất học chung bộ sách cải cách giáo dục lần thứ ba, riêng trường Thực nghiệm học sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Đến năm 1986, nhận thấy có năm tới 650.000 học sinh lớp 1 bị lưu ban, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Bình khuyến khích các địa phương học theo bộ sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại, chương trình Công nghệ giáo dục vượt ra khỏi phạm vi trường Thực nghiệm.
Năm 2000, Bộ GD&ĐT thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước, sách Công nghệ Giáo dục bị đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.
6 năm sau, ngành giáo dục và đào tạo phát hiện nạn ngồi nhầm lớp diễn ra phổ biến, giáo sư Hồ Ngọc Đại đưa sách giáo khoa Công nghệ giáo dục quay trở lại nhà trường, ông mở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Nâng cao chất lượng dạy Tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số. Lào Cai là địa phương đề nghị áp dụng đầu tiên.
Đến 2008, Bộ GD&ĐT đồng ý cho thí điểm bộ sách này ở 5 tỉnh gồm Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang. Từ đó mỗi năm chương trình được nhân rộng thêm ở các tỉnh khác.
Năm 2013, thuật ngữ "thí điểm" được bỏ đi, sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục được xem là tài liệu, phương án dạy học chính thức để các tỉnh, thành lựa chọn.
Tính đến năm học 2014 - 2015, 37 tỉnh thành áp dụng chương trình dạy học theo Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại. Hai năm sau, số lượng các tỉnh theo phương pháp này lên con số 48 trên 63 tỉnh thành cả nước.
Đầu tháng 9/2018, nhiều phụ huynh chia sẻ clip con họ tập đọc với phương pháp mới - đọc thơ qua các hình tam giác, ô vuông mà không đánh vần chữ khiến dư luận xôn xao, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều.
Thời điểm đó, giáo sư Hồ Ngọc Đại nói: "Tôi đưa vào sách lớp 1 những thứ tốt đẹp nhất với mong muốn đất nước có một thế hệ khác, tự xác định được thời đại của mình. Trẻ con làm gì cũng có cái lý.
Vì vậy, người lớn không nên lấy mình là khuôn mẫu cho trẻ con, bố mẹ không nên lấy mình làm chuẩn cho trẻ con, không có quyền áp đặt trẻ. Đặc biệt, bố mẹ hãy cho các con được hưởng những cái mới chưa ai có. Người lớn, giáo viên phải 'chịu thua' để dạy trẻ".
Trải qua gần 40 năm, được các trường áp dụng giảng dạy và nhận nhiều phản hồi tích cực, nhưng hôm qua (12/9), bộ sách bị Hội đồng thẩm định loại ngay từ vòng đầu tiên, bị xếp loại "Không đạt".
Được biết, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá theo 3 mức: "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa", "Không đạt". Những bộ sách được đánh giá "Đạt nhưng cần sửa chữa" có thể mang về sửa chữa, bổ sung và đề nghị Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa để xem xét lại. Điều này có nghĩa, bộ sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại bị loại trực tiếp.
Chia sẻ với báo chí, GS. Hồ Ngọc Đại cho biết ông sẽ không sửa bởi công trình ấy ông đã làm cả một đời người. Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là bản thân ông không cẩn thận, không tính toán đến nơi đến chốn.
"Tôi đã tính toán hết, cũng phải làm thực nghiệm mấy chục năm, nghiên cứu rồi điều chỉnh. Tôi dạy phép toán đại số cho học sinh lớp 1, hệ đếm, phép toán trên tập hợp. Đối với quá khứ của các vị là cao nhưng trẻ con chấp nhận được. Cái gì trẻ con chấp nhận được thì tôi tin. Trẻ con làm được và chúng vui vẻ với điều đó thì sao gọi là quá sức được", giáo sư Hồ Ngọc Đại nói.
Bình luận