• Zalo

40 năm sau hoàng kim, điện ảnh Hong Kong có ngày đổi vận?

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 21/09/2019 10:05:00 +07:00Google News

Cùng với các tác phẩm chất lượng và sự rót tiền, hỗ trợ của chính phủ, điện ảnh Hong Kong đang dần khởi sắc nhưng liệu nó có thể khôi phục ánh hào quang?

Mới đây, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Oliver Chan Siu-kuen (Trần Tiểu Quyên) với ngân sách chỉ 3,25 triệu HKD (khoảng 415.600 USD) - Still Human chiến thắng lợi vang dội, trở thành tác phẩm gây bất ngờ và nổi bật của điện ảnh Hong Kong trong suốt nhiều năm trở lại đây.

Bên trong phòng chiếu của bộ phim Still Human liên tục chật kín người, khán giả thay nhau vừa khóc vừa cười với câu chuyện về một người đàn ông đã ly dị bị tê liệt và đang học cách lấy lại sức sống một lần nữa cùng nữ nhân viên chăm sóc người Philippines.

Phim giành được hơn 20 triệu HKD cùng hàng loạt giải thưởng danh giá bao gồm 3 giải Kim Tượng 2019: Đạo diễn mới xuất sắc (Trần Tiểu Quyên), Nam diễn viên chính xuất sắc (Huỳnh Thu Sinh), Diễn viên mới xuất sắc (Crisel Consunji). Phim cũng giành được giải thưởng do khán giả và nhà phê bình lựa chọn tại Liên hoan phim Viễn Đông ở Udine, Italy vào tháng 5.

dienanhhongkong (1) 7

Bộ phim "Still Human" trở thành một trong những cú hích nổi bật của điện ảnh Hong Kong nhiều năm qua.

Lý do gì khiến Still Human trở thành một cú hích phòng vé đầy ấn tượng của điện ảnh Hong Kong trong năm nay?

Câu trả lời nằm ở bối cảnh của phim khi ra mắt. Still Human là câu chuyện tràn đầy cảm hứng về sự hy vọng, tình yêu và giấc mơ tươi đẹp của con người.

Vài người nhìn thấy trong chiến thắng này một tia hy vọng le lói cho ngành công nghiệp điện ảnh xứ Cảng Thơm - nơi mà trong hai thập kỷ qua, ngay cả những khán giả trung thành nhất cũng đã dần quay lưng bởi chất lượng điện ảnh giảm sút không phanh.

Tiếp nối Still Human là thành công của một bộ phim kinh phí thấp khác mang thông điệp tích cực về xã hội, Men on the Dragon, thu về hơn 15 triệu HKD. Điều đáng nói là cả hai dự án trên đều được tài trợ bởi Quỹ phát triển phim của Hong Kong

Đây được xem là phát súng quan trọng, khởi đầu cho sự tái sinh của ngành công nghiệp đang chết dần tại đây. Và liệu nơi sở hữu ngành điện ảnh địa phương từng được mệnh danh là “Hollywood của phương Đông” có thể lấy lại hào quang trước đây của mình?

Từng có thời cả thế giới say đắm văn hóa Hong Kong

Ngược dòng thời gian, vào thời hoàng kim vào những năm 1970, đầu 1990, Hong Kong đã sản xuất hơn 200 bộ phim mỗi năm và là nhà xuất khẩu phim lớn thứ hai trên thế giới.

Năm 1992, các bộ phim địa phương thu về hơn 1,2 tỷ HKD (xấp xỉ 154 triệu USD), chiếm gần 80% tổng doanh thu phòng vé. Nhưng năm 2017, tổng doanh thu của phòng vé Hong Kong chỉ vào khoảng 250 triệu HKD. Năm 2018, số lượng bộ phim Hong Kong được sản xuất chỉ dừng lại ở con số 53.

Hong Kong là nơi sản sinh ra Tứ đại Thiên vương, Ngũ hổ tướng cùng nhiều huyền thoại võ thuật lừng danh.

Để nói về sức ảnh hưởng to lớn của điện ảnh Hong Kong đối với thế giới là nói đến nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên mang tầm vóc huyền thoại như Lý Tiểu Long, Ngô Vũ Sâm, Vương Gia Vệ, Châu Nhuận Phát, Châu Tinh Trì, Trương Quốc Vinh, Hồng Kim Bảo, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc,…

dienanhhongkong (3) 5

Bộ phim "Anh hùng bản sắc" (1986) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm là một trong những tác phẩm hành động kinh điển của Hong Kong.

Trong kỷ nguyên vàng đó, khán giả được chứng kiến hàng loạt siêu phẩm điện ảnh rực rỡ, đỉnh cao từ võ thuật, hài kịch đến các bản tình ca bất hữu. Khán giả châu Á và cả thế giới bị quyến rũ bởi văn hóa Hong Kong độc đáo, tự do, phóng khoáng được phô diễn trong các bộ phim kinh điển.

Đó là những bộ phim hành động như Anh hùng bản sắc, Thần bài, phim hài Châu Tinh Trì hay các bộ phim tình cảm kinh điển của ông hoàng tình ái Vương Gia Vệ.

Từ cuối thập niên 1990 trở đi, Hong Kong đánh mất thời vàng son

John Chong, nhà sản xuất kỳ cựu của các bộ phim Hong Kong trong những năm 1970–1980 chỉ ra rằng sự bùng nổ của ngành công nghiệp điện ảnh từ những giữa năm 1990 trở đi đã tạo ra trào lưu sản xuất ồ ạt số lượng lớn phim “thối rữa”, kém chất lượng để thu lợi trước mắt.

Chong cho biết nhiều nhà làm phim vội vã sản xuất những bộ phim cùng thể loại và sao chép những bộ phim khác mà không có bất kỳ sự độc đáo nào. Xu hướng này đã góp phần vào sự suy giảm của ngành công nghiệp điện ảnh xứ Cảng Thơm mà khởi đầu là sự quay lưng của khán giả Đông Nam Á.

Từ những năm 1990 trở đi, các thị trường nước ngoài dần nói không với các bộ phim Hong Kong, bắt đầu phát triển điện ảnh của riêng mình và chuyển sang phát hành rộng rãi các bộ phim Hollywood.

Sau khi Hong Kong mất thị trường ở khu vực châu Á, các nhà đầu tư bắt đầu rút lui. Dĩ nhiên, trong giai đoạn từ thập niên 1990-2000, Hong Kong vẫn có những bộ phim tạo tiếng vang lớn như Đội bóng thiếu lâm (2001) của Châu Tinh Trì hay Vô gian đạo (2002). Nhưng các thành công lẻ tẻ này lại không giúp được gì nhiều cho cả một ngành công nghiệp đang lao dốc không phanh.

Năm 2003, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA), một thỏa thuận thương mại tự do giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục ra đời và đánh dấu một bước ngoặt mới cho ngành công nghiệp điện ảnh, làm phát sinh các cơ hội cũng như thách thức đối với Hong Kong.

Theo đó, hiệp ước cho phép phim Hong Kong được miễn hạn ngạch nhập khẩu phim ở đại lục, và mở ra cơ hội hợp tác giữa hai bên khi phim của xứ Cảng Thơm được phân phối dưới dạng phim nội địa ở đại lục.

Điều này đã mở ra thị trường rộng lớn đáng kinh ngạc cho nhiều nhà làm phim, biên kịch cùng đội ngũ sản xuất Hong Kong đang vật lộn để với mức thù lao và sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt tại quê nhà. Từ đó, nhiều đạo diễn, diễn viên, biên kịch từ Hong Kong đã đổ bộ Trung Quốc để làm việc.

John Chong cho biết chính sự tập trung vào thị trường Đại lục đã làm “chảy máu chất xám” ở Hong Kong, bào rút cạn kiệt các tài năng điện ảnh, để lại đằng sau đó là một ngành công nghiệp già cỗi, hoàn toàn không còn sự hấp dẫn bởi sự thiếu vắng của các ngôi sao.

dienanhhongkong (5) 3

"Nhất đại tông sư" của Vương Gia Vệ là tác phẩm hợp tác thành công giữa điện ảnh Hong Kong và Trung Quốc.

Hong Kong loay hoay

Ông Chong chỉ ra vài bất cập ở Hong Kong rằng hiện tại có nhiều nhà làm phim có kinh nghiệm và từng đoạt giải thưởng không được phép giảng dạy tại các trường đại học ở Hong Kong vì họ không có bằng thạc sĩ hoặc có trình độ cao hơn bậc cử nhân.

Nếu chúng ta có một học viện chuyên về điện ảnh, những hạn chế này có thể được xóa bỏ”, ông đề nghị.

Hiện tại, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ dỡ bỏ 5 hạn chế lớn đối với các sản phẩm văn hoá nghệ thuật, bao gồm số lượng người và tỷ lệ nghệ sĩ tham gia dự án Đại lục, và miễn lệ phí. Các nhà làm phim và điện ảnh Hong Kong cũng sẽ đủ điều kiện nhận giải thưởng tại các liên hoan phim Đại lục.

Chủ tịch hội đồng phát triển phim Hong Kong - Wilfred Wong Ying-wai nói rằng sự nới lỏng này là kết quả của những nỗ lực vận động hành lang dài hạn của Hong Kong, giúp thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp điện ảnh và nuôi dưỡng các tài năng của xứ Cảng Thơm.

Tuy nhiên, nhà sản xuất kỳ cựu và diễn viên Điền Khải Văn, chủ tịch Liên đoàn các nhà làm phim Hong Kong lại lo ngại xu hướng áp đảo cho các sản phẩm hợp tác bởi có thể cũng gây ra rủi ro cho ngành công nghiệp điện ảnh địa phương.

Tài tử 58 tuổi nói rằng việc kiểm soát tư tưởng chặt chẽ của thị trường điện ảnh Đại lục đã phần nào kìm hãm sự sáng tạo của Hong Kong.

dienanhhongkong (6)

Châu Tinh Trì từng là ngôi sao của điện ảnh Hong Kong trước khi lấn sân thành công ở Đại lục.

Thị trường Hong Kong quá nhỏ. Nhiều nhà làm phim thích thú với thị hiếu của khán giả và các chế độ kiểm duyệt phim Đại lục. Cuối cùng, bộ phim Hong Kong đang mất dần cá tính và sức hấp dẫn đặc biệt của riêng nó”, Khải Văn nói.

Khải Văn nêu ví dụ về một bộ phim Đại lục với tựa gốc là Mighty Wishes, sau đó được đổi thành Tiny Little Wishes theo yêu cầu. “Quá nhiều sự can thiệp từ chính quyền đã bóp nghẹt sự sáng tạo của một dự án nghệ thuật”, anh than thở.

Nhà phê bình văn hóa Jimmy Pang Chi-ming nói rằng việc tuân thủ các yêu cầu của Trung Quốc có nghĩa là các nhà làm phim Hong Kong phải từ bỏ sự tự do sáng tạo của họ, làm tổn hại đến tính nghệ thuật và cuối cùng là chất lượng phim của họ.

Liệu có tương lai tươi sáng hơn cho Hong Kong?

Nhà sản xuất Vô gian đạo - John Chong rằng Hong Kong nên học hỏi từ chính phủ Hàn Quốc, suốt nhiều năm qua, họ đã tích cực hỗ trợ cho nền âm nhạc Kpop và các loại hình nghệ thuật khác, góp phần vào sự thành công của làn sóng Hallyu về việc xuất khẩu văn hóa Hàn Quốc đi khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch hội đồng phát triển phim Hong Kong Wilfred Wong Ying-wai, Hong Kong đang có nhiều động thái chứng tỏ họ rất chú trọng đến sự phát triển của điện ảnh địa phương. Theo đó, quỹ đã dành ra một tỷ HKD để tập trung phát triển điện ảnh trong nhiều năm tới.

Có hàng loạt tổ chức hỗ trợ điện ảnh được thành lập, tại đây họ “bơm” rất nhiều tiền ủng hộ các nhà làm phim. Wong cho biết các bộ phim đủ điều kiện có thể nhận số tiền trợ cấp tăng từ 25 triệu HKD lên 60 HKD.

Bên cạnh đó, đối với tổ chức First Feature Film Initiative, số lượng người chiến thắng sẽ được tăng lên 6 người mỗi năm, với số tiền tài trợ tăng lên tới 8 triệu HKD mỗi người.

dienanhhongkong (7)

Wilfred Wong Ying-wai (phải) đưa ra nhiều chiến lược giúp khôi phục ngành công nghiệp điện ảnh Hong Kong.

Ông Wong còn cho biết tổ chức đã triển khai nhiều kế hoạch khác nhau để tăng cường sự phát triển của ngành, bao gồm việc gửi các tài năng điện ảnh địa phương vào các chương trình thực tập ở nước ngoài, mở rộng phim Hong Kong ở thị trường châu Á, tổ chức các chương trình trợ cấp cho các dự án phim độc lập, tăng lợi thế cạnh tranh tại các liên hoan phim quốc tế.

Chúng tôi cần bắt đầu xây dựng lại sự hấp dẫn của các ngôi sao trong ngành công nghiệp phim Hong Kong và giành lại khán giả của mình.

Chúng tôi có thể không thể khôi phục lại những vinh quang trong quá khứ, nhưng với thành công gần đây của các nhà làm phim trẻ, chúng tôi tin tưởng rằng phim Hong Kong có thể thiết lập một vị trí mới ở bản đồ điện ảnh châu Á”, Wilfred Wong Ying-wai nói.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn