“Số phận” của các căn hộ chung cư đang là chủ đề nóng, nhận được quan tâm lớn từ dư luận. Chung cư nóng vì hình thức sở hữu không như đất nền. Khi mua đất nền, khách hàng được nhận quyền sử dụng đất vĩnh viễn.
Còn nếu mua căn hộ, hình thức sở hữu phức tạp hơn một chút. Khách có quyền sử dụng đất vĩnh viễn nhưng chỉ có thời hạn sở hữu căn hộ. Mà mảnh đất dùng để xây chung cư không dễ để “cắt” diện tích cho từng hộ gia đình.
Vì vậy mới xảy ra tình trạng nếu rót 4 tỷ đồng vào một căn hộ, khách phải “méo mặt” xử lý, thậm chí có nguy cơ “mất trắng” sau 50 năm hoặc 70 năm (tùy vào thời hạn ‘thuê đất’ của chủ đầu tư). Nhưng với 4 tỷ đó, nếu mang đi gửi ngân hàng, sau 50 năm, khách sẽ thu về gần 187 tỷ đồng.
“Méo mặt” xử lý căn hộ hết thời hạn
Các tòa nhà chung cư ở Việt Nam chỉ có thời hạn sử dụng nhất định. Hết thời hạn sử dụng, các khu chung cư này sẽ bị xuống cấp và chủ nhân của các căn hộ sẽ phải di dời để nơi khác sống để tránh bị nguy hiểm tới tính mạng do chất lượng xây dựng không còn được đảm bảo.
Khi đó, chủ sở hữu nhà chung cư (không phải chủ đầu tư) có trách nhiệm phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư mới hoặc bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền để phá dỡ và xây dựng công trình khác.
Như vậy, về lý thuyết, sau khi chung cư hết thời hạn sử dụng, các hộ gia đình cùng “sở hữu” chung quyền sử dụng mảnh đất xây chung cư. Họ phải tự mình phá dỡ và tự xây dựng lại. Đây là điều rất khó vì chẳng cá nhân nào đủ năng lực xây dựng một tòa nhà.
Có cách khác khả thi hơn chính là kêu gọi các doanh nghiệp tham gia cải tạo. Nhưng thực tế đã chứng minh, cách này cũng không dễ gì thực hiện được. Cải tạo chung cư cũ là minh chứng rõ nét nhất.
Hiện nay, thành phố Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ. Sau 10 năm thành phố khởi động chương trình cải tạo và xây dựng mới, số lượng chung cư được xử lý vẫn chưa vượt quá con số 2% (khoảng 30 chung cư). Nguyên nhân là vướng cơ chế cũng như tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân.
Nhìn vào “tấm gương” của 1.500 chung cư cũ ở Hà Nội, có thể thấy, sau khoảng 50 năm nữa, những chủ nhân của các căn hộ chung cư hiện nay có thể sẽ phải “méo mặt” xử lý căn hộ hết thời hạn.
Thậm chí người sở hữu căn hộ còn có nguy cơ mất trắng nếu khu đất có nhà chung cư không còn phù hợp với quy hoạch xây dựng nhà ở. Trong trường hợp đó, chủ sở hữu nhà chung cư phải bàn giao lại căn hộ cho cơ quan có thẩm quyền để phá dỡ và xây dựng công trình khác theo quy hoạch được duyệt.
Nếu chủ sở hữu nhà chung cư không chấp hành việc phá dỡ hoặc không bàn giao nhà ở thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cưỡng chế phá dỡ hoặc cưỡng chế di chuyển để bàn giao nhà ở.
Thu về 187 tỷ đồng
Lo ngại 50 năm sau phải “méo mặt” xử lý căn hộ chung cư hết thời hạn, chị Bùi Hiền (Linh Đàm, Hà Nội) băn khoăn không biết nên chi 4 tỷ đồng mua một căn hộ cao cấp hay mua đất nền hay thuê một căn hộ thay vì mua.
“Mua nhà mặt đất thì có sổ đỏ vĩnh viễn nhưng gia đình tôi ít người nên tôi muốn ở chung cư để an toàn. Hơn nữa, tôi muốn cả gia đình sinh hoạt trên một mặt bằng sẽ gần gũi nhau hơn” – Chị Hiền chia sẻ.
Và chị Hiền nghĩ ra một cách đó là thuê nhà chung cư. Số tiền còn lại để đầu tư. Nhưng đầu tư nhiều rủi ro nên chị tính gửi ngân hàng cho “ăn chắc, mặc bền”.
Chị Hạnh, nhân viên ngân hàng đã khiến chị Hiền bất ngờ khi tính số tiền chị Hiền có thể nhận được nếu gửi ngân hàng sau 50 năm nếu tính theo mức lãi suất cao nhất hiện nay là 8%/năm trên hệ thống ngân hàng. Đó là... 187 tỷ đồng.
Cụ thể, chị Hạnh cho biết khách hàng gửi tiết kiệm theo từng năm một, chứ không gửi hẳn 50 năm. Hết 1 năm khách rút ra rồi gửi vào, cứ như thế trong suốt 50 năm. Theo cách này, nếu gửi tiết kiệm 4 tỷ đồng trong 50 năm với lãi suất 8%/năm, sau 50 năm, khách sẽ nhận về 4 tỷ đồng x (1 + 8%)50 = 187,6 tỷ đồng.
Lý giải cho số tiền quá lớn này, chị Hạnh cho biết, với cách gửi tiết kiệm này, sau mỗi năm, số tiền lãi sẽ tính dựa trên số tiền gốc và tiền lãi của năm trước đó.
Chị Hiền tính nếu chị thuê nhà với giá 10 triệu đồng/tháng, sau 50 năm, chị chi trả 6 tỷ đồng cho nơi ở.
Bình luận về trường hợp này, một chuyên gia ngân hàng cho biết mọi tính toán đều có sai số, đặc biệt trong khoảng thời gian dài 50 năm. Lạm phát là yếu tố có thể thay đổi tất cả. Lạm phát sẽ khiến giá tiền thuê nhà mà chị Hiền phải trả không còn là con số 10 triệu đồng cho các năm tiếp theo nữa, khiến tổng tiền thuê nhà bị “đội lên” rất nhiều trong 50 năm.
Video: Bé gái kẹt đầu vào "chuồng cọp" chung cư, lơ lửng trên tầng 4
Bù lại, khi lạm phát tăng, lãi suất sẽ tăng theo. Trước đây, có thời điểm lãi suất tiền đồng lên tới 21%/năm. Dù vậy, sau 50 năm, tốc độ tăng lãi suất sẽ thấp hơn lạm phát. Song, chuyên gia này tin rằng khả năng cao gửi tiết kiệm vẫn có lời hơn vì lạm phát phải lên tới hơn 3.000% trong 50 năm (tương đương 60% mỗi năm), số tiền thuê nhà mới bằng số tiền thu về. Đây là điều gần như không thể với một nền kinh tế ổn định và rất nhiều tiềm năng bứt phá như Việt Nam.
Tuy nhiên, với quan niệm “an cư lạc nghiệp” đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người dân Việt từ ngàn đời nay, có lẽ không nhiều người chọn cách thuê nhà để dành tiền gửi ngân hàng.
Bình luận