Thông tin này được ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra tại cuộc họp của Bộ Công Thương với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả 4 tháng đầu năm, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm 2024.
Ông cho biết thêm, Việt Nam tập trung vào các thị trường lớn như Phipinnies, Trung Quốc, Indonesia…
Trong 5 tháng đầu năm, giá gạo trong nước tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu. Các nước đang nghe ngóng xem liệu Ấn Độ có dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu gạo do Elnino; khả năng đến tháng 9 vẫn chưa dỡ bỏ và đây là cơ hội cho Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng nêu một số vấn đề tồn tại, như doanh nghiệp nợ tiền lúa nông dân, hay việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá. Ông đề nghị liên bộ và hiệp hội chỉ đạo rốt ráo xử lý vấn đề này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, trong số 157 đầu mối xuất khẩu gạo chỉ 70 doanh nghiệp thuộc hiệp hội, nên họ không báo cáo và khó chỉ đạo. Theo quy định thì cũng không có biện pháp nào để chế tài. Do vậy, chỉ Bộ Công Thương mới có thể xử lý được. Ông đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2024, kết quả xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu rau quả tăng 38,1% về trị giá. Đối với ngành hàng rau quả, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 61,4% tổng kim ngạch.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), diện tích sản xuất lúa năm 2024 ước đạt 7,09 triệu hécta, năng suất trung bình đạt 61,2 tạ/hécta, tăng khoảng 0,2 tạ/hécta so với năm 2023; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn thóc, giảm khoảng 35.000 tấn so với năm 2023.
Diện tích gieo cấy lúa từ nay đến cuối năm dự kiến khoảng 2,89 triệu hécta; diện tích thu hoạch dự kiến đạt 4,45 triệu hécta và sản lượng dự kiến là 25,56 triệu tấn.
Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, sản lượng gạo hàng hóa chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, các vùng khác chủ yếu phục vụ tiêu thụ nội địa.
Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, từ nay đến cuối năm, sản lượng lúa gạo các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long dự kiến đạt 24,20 triệu tấn; trong đó tiêu thụ cho vùng này và TP.HCM cũng như sử dụng làm giống, thức ăn chăn nuôi... khoảng 9 triệu tấn.
Lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu ước 15,20 triệu tấn, như vậy có khoảng 7,6 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục.
Quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, chất lượng chưa ổn định. Sản phẩm xuất khẩu còn ở dạng thô, thiếu chế biến sâu.
Một số doanh nghiệp chưa nắm vững các quy định, chính sách của thị trường nhập khẩu hay yêu cầu kèm theo ưu đãi từ các FTA. Một số doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm…
Hoạt động thương mại mặt hàng gạo và rau quả trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh thế giới tiếp tục đối mặt với tình trạng bất ổn an ninh chính trị leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ… tạo áp lực lớn lên thị trường thương mại hàng hóa; yêu cầu về quy chuẩn, chất lượng sản phẩm ngày càng tăng…
Để đạt mục tiêu phục hồi xuất khẩu, tăng khoảng 6% so với năm 2023, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất; đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại, đàm phán mở cửa thị trường, ứng phó với các hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại…
Để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo, rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản.
Cùng với đó, ngành cần chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm gạo, rau quả Việt Nam, nhằm khẳng định trên các thị trường truyền thống và mở rộng trên các thị trường còn nhiều tiềm năng
Bình luận