Mặc dù những NSƯT này đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng mỗi khi nhắc đến họ, khán giả đều gọi họ là những phát thanh viên huyền thoại của Đài truyền hình Việt Nam.
NSƯT Kim Tiến
NSƯT Kim Tiến sinh năm 1948 trong một gia đình có 5 anh chị em ở phố Hàng Bông, Hà Nội. Bà học múa từ năm 13 tuổi và cũng là người duy nhất trong gia đình theo đuổi con đường nghệ thuật. Năm 1970, Kim Tiến thi tuyển phát thanh viên cho Đài Tiếng nói Việt Nam và năm 1971 thi vào Đài Truyền hình Việt Nam nhưng cả hai lần đều trượt.
Đến năm 1973, cũng nhờ môn nghệ thuật múa, bà về công tác tại đội múa của Đài Truyền hình Việt Nam và sau đó được chuyển sang làm phát thanh viên. Kể về con đường trở thành phát thanh viên mà đến quá tam ba bận mới thành, NSƯT Kim Tiến cho rằng đây cũng chính là con đường chinh phục ước mơ của mình.
Khi bước vào con đường này, mỗi phát thanh viên thời bấy giờ còn phải trải qua nhiều khó khăn mà một trong số đó chính là làm việc trực tiếp chứ không có máy ghi âm, ghi hình như bây giờ. Chuẩn tuyệt đối, không được sai sót là một bản lĩnh mà không phải ai cũng có thể rèn luyện ngay được từ những lần dẫn đầu tiên.
NSƯT Kim Tiến là một trong những phát thanh viên đầu tiên của ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam và cũng là một trong những người dẫn chương trình truyền hình đầu tiên kể từ khi VTV lên sóng. Bà không chỉ quen thuộc với khán giả truyền hình ở những bản tin thời sự mà còn gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ khi cùng NSƯT Minh Trí thuyết minh cho phim Tây du ký những năm 1980.
Tháng 5/2001 bà thôi làm phát thanh viên thời sự mà chuyển sang làm việc tại ban Chương trình, lên hình ở chương trình Hộp thư Truyền hình VTV1. Khi về hưu, với lòng yêu nghề, bà mở lớp dạy dành cho các hậu bối theo nghiệp phát thanh. Hiện tại, ngoài các giờ dạy hay nhận những lời mời của Đài THVN, bà còn tham gia đọc phim tài liệu.
Gần nửa thế kỷ cống hiến trôi qua, giọng đọc NSƯT Kim Tiến luôn nằm trong ký ức của nhiều người và đó cũng chính là hạnh phúc lớn nhất trong sự nghiệp của bà.
NSƯT Mạnh Tường
Nhắc đến NSƯT Mạnh Tường là nhắc đến giọng thuyết minh của những bộ phim đã đi vào lịch sử như 17 Khoảnh khắc mùa xuân, Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại... Để đọc thuyết minh ấn tượng trong các bộ phim trên, NSƯT Mạnh Tường lúc nào cũng tràn đầy cảm xúc. Bản thân ông cũng từng là một người lính ra trận, đã chứng kiến và cảm nhận những mất mát đau thương nơi bom rơi đạn lạc.
Sinh ra trong gia đình có 11 anh chị em, mặc dù ai cũng thừa hưởng chất giọng đẹp từ bố mẹ nhưng chỉ có NSƯT Mạnh Tường là yêu thích ca hát, rồi theo đoàn văn công đi phục vụ các chiến sĩ trên mọi mặt trận. Cũng vì chất giọng ưu tú ấy, ông thi và trúng tuyển phát thanh viên Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc không ngờ đến nhất: Bị trả về địa phương ở tuổi 25 do không đủ sức khỏe phục vụ chiến sĩ.
Thời ông vào đài, phát thanh là một nghề còn mới nên không hề thuận lợi. Những khó khăn mà mọi người gặp phải không chỉ về chuyên môn mà còn cả về điều kiện cơ sở. Thế nên, người ta từng so sánh môi trường làm việc khi đó của phát thanh viên với thợ lò vì không có máy điều hòa như bây giờ.
Khó khăn nhất vẫn là về chuyên môn. Khi ấy, mỗi bản tin đều khiến NSƯT Mạnh Tường phải dành nhiều thời gian chuẩn bị để truyền tải thông điệp một cách gọn gàng mà vẫn thuyết phục người nghe. Những cố gắng của ông được ghi nhận sau 2 năm về đài, và Mạnh Tường trở thành phát thanh viên "đinh" năm 1975. Sau này ông còn trở thành Trưởng phòng Phát thanh viên, là lãnh đạo của nhiều lớp đàn em sau này như Phương Hoa, Nhật Lệ, Ngọc Trâm, Minh Khuê...
Mặc dù yêu nghề nhưng vì lý do sức khỏe (bệnh dạ dày), NSƯT Mạnh Tường mất đi cơ hội lên sóng vào giờ vàng ở bản tin Thời sự, phải chuyển sang đọc thuyết minh phim truyện và một số chương trình khác như Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi. Thời gian đầu ông không tránh khỏi những hụt hẫng, nhưng sau đó, ông lại được khán giả yêu mến qua những bộ phim để đời mà ông thuyết minh.
Một lần, khi Mạnh Tường ra chợ, cô bán cá thay vì bán hàng thì cứ nhìn ông và bảo: "Chồng cháu mê chú lắm". Hỏi ra thì chồng cô ấy mê phim 17 khoảnh khắc mùa xuân và mê luôn cả người đọc thuyết minh.
Cùng quan điểm nghiêm khắc với nghề như NSƯT Kim Tiến, NSƯT Mạnh Tường cho rằng phát thanh viên không phải là nghề đơn giản, không như làm MC bây giờ. Theo ông, đây là một môn nghệ thuật đòi hỏi người làm phải hội tụ nhiều yếu tố để hoàn thiện vai trò của mình, từ hình ảnh, cử chỉ trên khuôn mặt cho đến giọng đọc, ngữ điệu...
Trong sự nghiệp của mình, điều mà NSƯT Mạnh Tường tự hào nhất có lẽ là ông đã truyền được lửa và nghề cho nhiều thế hệ phát thanh viên sau này. Đã có khoảng 200 phát thanh viên của các đài địa phương được Phòng Phát thanh viên của Đài truyền hình Việt Nam nơi ông làm việc đào tạo.
NSƯT Thanh Hùng
Người ta nhớ đến NSƯT Thanh Hùng với giọng đọc sáng, rõ, chậm rãi, chắc chắn cùng với hình ảnh nghiêm túc và chỉn chu. Trước khi đến với nghề này, NSƯT Thanh Hùng là giảng viên Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp. Sau đó, ông còn bén duyên với nghệ thuật thứ 7 khi vào vai anh phi công tên Quỳnh trong bộ phim nhựa Vùng trời. Trước khi chuyển về Đài Truyền hình Việt Nam năm 1979, ông cũng từng công tác tại Đài Truyền hình Quân đội.
Là thế hệ phát thanh viên đầu tiên của Việt Nam, NSƯT Thanh Hùng cũng trải qua nhiều khó khăn, từ điều kiện làm việc cho đến sức ép phải nỗ lực vượt lên để hoàn thành công việc. Điều đó lại càng giúp ông nhận thấy rõ tầm quan trọng của ngôn ngữ và văn hóa đối với người dẫn chương trình. Cũng vì vậy mà khi nghỉ hưu, điều mà ông mong mỏi ở những thế hệ kế tiếp là làm sao giữ gìn được bản sắc dân tộc và sự trong sáng của tiếng Việt qua cách truyền tải thông tin. Đó cũng là điều mà ông thấy thiếu ở những người kế cận.
NSƯT Minh Trí
Có lẽ trong số 4 phát thanh viên đời đầu của Đài Truyền hình Việt Nam, cặp Minh Trí và Kim Tiến được nhắc đến nhiều nhất bởi những ấn tượng mà họ tạo được cho khán giả qua bộ phim Tây du ký nức tiếng một thời. Khi nhắc đến NSƯT Minh Trí, nhiều khán giả nhớ lại hình ảnh của nam phát thanh viên với mái tóc rẽ ngôi, khuôn mặt phúc hậu và giọng đọc chuẩn Hà Nội xuất hiện bên cạnh phát thanh viên Kim Tiến trong mỗi bản tin Thời sự lúc 19h.
Hồi trẻ, NSƯT Minh Trí muốn gắn bó với nghệ thuật nên từng thi tuyển làm diễn viên điện ảnh và trúng tuyển nhưng không theo được. Năm 1971, ông trúng tuyển vào làm phát thanh viên của Đài Truyền hình Việt Nam. Cũng có thông tin ông từng gắn bó với nghề giáo và cuộc sống thời trẻ cũng trải qua những cơ cực như phải đi làm phụ hồ, rửa cát sỏi để mưu sinh.
Mặc dù thời điểm đó, nghề phát thanh viên còn rất mới nhưng việc thi tuyển vẫn vô cùng khó khăn, phải vượt qua nhiều yêu cầu khắt khe từ tư thế ngồi đến giọng đọc, tinh thần làm việc... Ông bảo, chính điều đó đã tạo cho thế hệ phát thanh viên của ông sự chỉn chu, nghiêm túc.
Năm 1993, Minh Trí và Kim Tiến là 2 phát thanh viên đầu tiên được phong danh hiệu NSƯT. Tuy nhiên, NSƯT Minh Trí không bị phân tâm bởi danh hiệu mà luôn bận tâm đến sự cống hiến của mình với nghề. Được mời đi làm nghề, dù ở vị trí, vai trò nào, ông đều rất hạnh phúc. Khác với hình ảnh khi lên sóng, ngoài đời, NSƯT Minh Trí được nhận xét là vui tính, cởi mở và dễ gần.
Năm 2005 NSƯT Minh Trí nghỉ hưu. Sau đó, ông từng phải trải qua một cơn tai biến nặng. Ngày 31/3/2022, ông qua đời do tuổi cao sức yếu.
Bình luận