Australia hy vọng với sự tham gia của Nga, nước này sẽ có thể bắt đầu cuộc đối thoại về hoàn cảnh dẫn đến thảm kịch MH17 bị rơi tại miền Đông Ukraine năm 2014, theo tuyên bố của Ngoại trưởng Australia Julie Bishop được đăng trên trang web chính thức của bà ngày 17/7, đúng 4 năm sau thảm kịch.
“Ngày 25/5/2018, Australia và Hà Lan thông báo rằng chúng tôi buộc tội Nga về thảm họa này, chúng tôi mong rằng bằng việc đàm phán với Nga, chúng tôi có thể bắt đầu cuộc đối thoại về hoàn cảnh dẫn đến thảm kịch khiến nhiều người vô tội thiệt mạng này”, bà Bishop tuyên bố.
Đội điều tra chung quốc tế (JIT) tổ chức cuộc họp báo công bố kết quả sơ bộ của hoạt động điều tra thảm kịch MH17. Theo kết luận của JIT, máy bay chở khách mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không Buk thuộc về Lữ đoàn Tên lửa Phòng không số 53 của quân đội Nga đóng tại Kursk.
Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ hoàn toàn tuyên bố của JIT về việc Nga có liên quan đến vụ máy bay MH17 bị rơi tại miền Đông Ukraine, đồng thời cáo buộc rằng cuộc điều tra của JIT là thiên vị và một chiều. Tiếp đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng Nga không hề được tham gia điều tra vụ rơi máy bay MH17 và Nga chỉ công nhận kết quả điều tra khi được tham gia.
Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo tuyên bố toàn bộ tên lửa Buk giống với những bằng chứng mà JIT đưa ra tại cuộc họp báo đều bị quân đội Nga loại biên và tháo dỡ toàn bộ từ năm 2011, do đó cáo buộc quân đội Nga sử dụng loại tên lửa này để bắn rơi MH17 là hoàn toàn vô căn cứ.
Máy bay chở khách Boeing 777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines, bay chặng Amsterdam, Hà Lan tới Kuala Lumpur, Malaysia rơi ngày 17/7/2014 tại khu vực gần Donetsk, miền Đông Ukraine. Toàn bộ 298 người có mặt trên máy bay đều thiệt mạng, chính quyền và lực lượng ly khai Ukraine đổ lỗi lẫn nhau trong thảm kịch này.
Video: Nga phản bác kết luận điều tra của Hà Lan vụ rơi máy bay MH17
Bình luận