Thông tin nhân vật Chị Trần Thị Văn Địa chỉ: Mễ Trì Thượng, Nam Từ Liêm, Hà Nội Bé đầu: Phạm Thiên Ân 23.4.2014 Bé thứ 2: Phạm Thành An 24/4/2015 Bé thứ 3: Phạm Nguyệt Ân 12.7.20 |
Khi bé đầu tiên được 3 tuổi 3 tháng cũng là lúc chị Văn sinh bé thứ 3
4 năm sinh liền 3 bé
Đối với chị Trần Thị Văn (Mễ Trì, Hà Nội) con cái là cái lộc trời cho. Trời cho lộc thì nên nhận lấy chứ tuyệt đối không thể bỏ đi. Chính vì thế khi liên tiếp mang thai liền 3 bé và đều là sinh mổ, dù bác sĩ nhiều lần khuyên bỏ nhưng chị vẫn kiên quyết giữ con lại.
Bé đầu tiên chị Văn mang bầu khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Lúc đó là năm cuối cùng của đời sinh viên, chị cứ ôm bụng bầu đi học suốt. Đến ngày đau đẻ cũng vẫn đang ở giảng đường. Tập đầu chưa có kinh nghiệm nên khi bụng có cơn gò chị vẫn chỉ nghĩ là đau bụng bình thường. Đến tối về thì đi đẻ gấp.
Bác sĩ bảo đầu con to quá, nhưng nghĩ là con đầu nên chị vẫn cố gắng đẻ thường. Vật vã trong cơn đau suốt 15 tiếng mà cổ tử cung không mở hết, ối thì cạn nên bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu. Khi đó chị vượt cạn lần đầu tiên ở Bệnh viện Xây dựng vì có bảo hiểm ở đó.
Chị Văn hạnh phúc bên 3 thiên thần nhỏ của mình
Khi bé đầu được 5 tháng, chị nghi có bầu đi khám thì thai đã 2 tháng rồi. Vì mới sinh xong lại cho con bú hoàn toàn nên chị nghĩ không mang bầu ngay. Không ngờ lại có sớm đến như thế. Đến khi đi khám bác sĩ đều bảo rất khó giữ con, dễ sinh non vì không ai vừa sinh mổ xong đã bầu ngay như thế.
Chị kể rằng: “Về nhà mình cũng suy nghĩ lắm, khóc suốt thôi. Vì mình cũng vừa mới đi làm lại, kinh tế thì không có, lại bầu sớm như thế dễ nguy hiểm cho con. Mình cứ nghĩ mãi nhưng rồi vẫn quyết giữ con lại. Vì đẻ dày quá nhiều nguy cơ nên mình rất chú ý ăn uống, không ăn quá nhiều tinh bột và hạn chế tăng cân.
Từ khoảng tuần 30 trở đi, cần tăng cân cho con mình mới bắt đầu ăn nhiều rau, thịt, cá, trứng… hơn. Suốt thời gian mang thai mình chỉ tăng đúng 7kg mà con được 3,4 kg. Hôm đẻ bé thứ hai là vừa tròn 39 tuần. Mình chịu khó đi khám thai lắm, nhất là tháng cuối cứ 2 ngày lại đi khám 1 lần cho yên tâm.
Đến đúng tuần 39 thì vết mổ có dấu hiệu không chịu được, dạ con mỏng nên bác sĩ bảo mổ luôn sáng hôm đó. Tình cờ bác sĩ mổ cho mình cũng chính là bác sĩ mổ lần đầu. Vừa mổ xong bác ấy trêu “Nhà mày đẻ còn nhanh hơn gà, nếu có lần 3 thì đừng vào đây bảo bác mổ nữa nhé, bác sợ nhà mày lắm rồi.”
Ấy thế mà mình có tập 3 thật. Thực tình mình cũng chưa muốn có bé thứ 3 sớm như thế đâu, nhưng không ngờ lại có. Khi đó bé thứ 2 nhà mình mới được hơn 1 tuổi thôi, chậm kinh 1 tuần là mình bắt đầu lo rồi. Vội mua que về thử thì 2 vạch, thế là mình đi khám luôn nhưng lại chưa thấy tim thai. Vì thai mới đậu nên còn chưa vào tử cung.”
Bé Phạm Nguyệt Ân
Thời điểm mang thai bé thứ 3, chị Văn đã đi làm lại được khoảng 1 năm. Đến khi đi khám lần nữa bác sĩ xác định chắc chắn chị đã có thai và khuyên nên suy nghĩ kỹ, bởi đã sinh mổ 2 lần rồi, dạ con nhiều khả năng không thể chịu được nữa rất dễ vỡ tử cung, nguy hiểm cho cả mẹ và con. Bác sĩ khuyên chị giờ thai còn nhỏ, uống thuốc bỏ thai rồi kế hoạch là được.
Trở về nhà, chị Văn suy nghĩ dằn vặt vô cùng, nhưng chị không đủ mạnh mẽ để bỏ thai.
Video: Người đàn ông chuyển giới mang thai đầu tiên đã mang con
Chị bảo rằng: “Con cái đến với mình là duyên phận, con tu trăm kiếp mưới được làm người. Duyên con đến mình chưa thử làm sao biết không giữ được con”.
Nghĩ vậy nên chị quyết tâm giữ lại đứa con này, dù chồng và mẹ chồng lo lắng bảo chị suy nghĩ lại. Cứ mỗi ngày chị lại cảm nhận được con lớn dần lên trong bụng, rồi nhìn 2 đứa con của mình chị nghĩ nếu có 1 đứa nữa chắc chắn vẫn sẽ đáng yêu như vậy.
Chị Văn khi mang bầu bé thứ 3
Hai bé đầu đều là con trai, chị cũng hơi lo lắng rằng bé thứ 3 cũng là trai, lại nguy hiểm nữa, nhưng chị vẫn quyết giữ.
“Mình nghĩ là mọi chuyện đều có thể làm lại được, nhưng con đã bỏ đi thì là sai lầm cả đời không thể quên được. Có thể sinh con sẽ nguy hiểm và kinh tế mình khi có còn thiếu, những cũng không biết bao nhiêu mới là đủ, nên mình quyết định không bao giờ từ bỏ con cả.”
Khi đó mỗi lần đặt tay lên bụng, bản năng làm mẹ trong chị Văn lại trỗi dậy mạnh mẽ, giúp chị có thêm sức mạnh và niềm tin để cùng con vượt qua thử thách trong lần mang thai thứ 3 đầy khó khăn đó.
2 bé đầu được khen giống nhau như sinh đôi
Con chính là nguồn sức mạnh lớn lao của mẹ
2 lần trước đã sinh mổ nên cơ thể chị Văn khá yếu, lần mang thai thứ 3 chị cảm thấy mệt mỏi và khó khăn hơn rất nhiều. Bụng bầu ngày càng lớn đè xuống chân khiến chị đau nhức kinh khủng, đêm đến thì chuột rút. Cả người nặng nề, lúc nào chị cũng cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ.
Ban ngày đi làm, tối về lại trông 2 bé, 1 đứa 2 tuổi, 1 đứa 1 tuổi tắm giặt rồi cơm nước. May mắn chị được mẹ chồng hỗ trợ rất nhiều nên mới có thể cáng đáng được. Đêm đến 2 bé ngủ với bà để mẹ có thể nghỉ ngơi một chút, vì ban ngày chị phải đi làm suốt 10 tiếng đồng hồ, có hôm làm 9 giờ sáng đến tận 9 giờ tối, đi làm cho đến tận ngày đẻ chị mới nghỉ. Nhiều lúc mệt mỏi và đau đớn vô cùng, nhưng chị vẫn cố gắng gượng đi làm để có thêm tiền lo cho con.
3 đứa con là nguồn cổ vũ lớn lao của chị Văn
Lần mang bầu thứ 3 chị chuyển sang theo khám và đăng ký sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Biết chị mang bầu lần 3 đều là sinh mổ nên các bác sĩ cũng rất quan tâm, luôn nhẹ nhàng thăm hỏi chị. Lần sinh này chị cũng sinh bé vào tuần 39 và 5 ngày. Rất may mắn là cả 3 bé chị đều sinh đủ tháng, không bé nào bị sinh non nên đều khỏe mạnh. Bé gái thứ 3 được 3,2kg.
Dù sinh mổ nhưng chị Văn vẫn có đủ sữa để nuôi con. Cả 3 bé đều được bú mẹ hoàn toàn để tăng khả năng đề kháng. Nhưng vì chị phải đi làm sớm, nuôi con đến tháng thứ 3 đã đi làm trở lại, công việc bận không có thời gian vắt sữa nên vẫn phải cho bé ăn kèm sữa công thức.
Đến giờ thì chị Văn vô cùng mãn nguyện khi ngắm nhìn 3 đứa trẻ đáng yêu của mình. Chị cảm thấy mình vô cùng may mắn vì có thể sinh con khỏe mạnh. Cho dù việc chăm 3 đứa con nhỏ khiến chị ngày nào cũng trong trạng thái quay cuồng, nhưng cứ nhìn con chị lại thấy hạnh phúc vô cùng.
Bình luận