Theo kế hoạch đề ra, tháng 7/2022, Chính phủ ban hành nghị quyết triển khai nghị quyết của Quốc hội. Tháng 10/2022, bắt đầu bàn giao mặt bằng và đến cuối năm 2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng.
Thời gian thực hiện thi công dự án 36 tháng, dự án đặt mục tiêu thông xe toàn tuyến, hoàn thành cơ bản phần cao tốc vào tháng 10/2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã chia sẻ kinh nghiệm của ngành GTVT trong việc phối hợp triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên cả nước.
Ông Thọ cho rằng, cần có đầu mối rõ vì dự án có 8 dự án thành phần, 8 dự án mang tính chất độc lập tuân thủ quy định thì vai trò của các Sở GTVT, Giám đốc Sở GTVT phải vào cuộc và chịu trách nhiệm.
“Quan điểm của tôi là phải có đầu mối chịu trách nhiệm, làm đường thì giao thông phải chịu trách nhiệm và Giám đốc Sở GTVT phải xắn tay vào”, ông Thọ nói.
Thứ trưởng Thọ cũng lưu ý các địa phương trong quá trình chuẩn bị mặt bằng, cần triển khai song song các công việc khác, để khi có 70% mặt bằng là có thể khởi công dự án và triển khai đồng bộ.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP tiếp thu ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Chính phủ. UBND TP.HCM giao Sở GTVT phối hợp với các sở ngành tỉnh khác giải trình các ý kiến đóng góp. Đồng thời kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thẩm định và trình Chính phủ.
Dự án Vành đai 3 đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp vừa qua.
Giai đoạn một, tuyến được đề xuất đầu tư dài hơn 76 km, 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Trung ương và địa phương. Trong đó, tổng kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng làm dự án khoảng 41.600 tỷ đồng, TP.HCM có kinh phí lớn nhất với hơn 25.600 tỷ đồng.
Bình luận