Thông tin tỷ phú cá tính Elon Musk sẽ mua lại Twitter, chuẩn bị nắm quyền kiểm soát nền tảng truyền thông xã hội được tranh luận sôi nổi nhất của Mỹ đã thu hút không ít sự chú ý.
Elon Musk là một trong những người được theo dõi nhiều nhất trên nền tảng ứng dụng này với khoảng 84 triệu lượt. Mặc dù được biết đến là một tỷ phú giàu nhất hành tinh hiện tại, nhưng những dòng bình luận của vị CEO Tesla và SpaceX này lại khiến nhiều người phải vò đầu bứt tai.
Kể từ khi gia nhập Twitter vào năm 2009, những dòng tweet của Elon Musk đã khiến ông gặp rắc rối không ít lần, cả về mặt tòa án lẫn sự phàn nàn của dư luận. Sau khi thông tin vị tỷ phú này sẽ trở thành ông chủ của Twitter, dân mạng đã đào lại những những dòng tweet từng gây tranh cãi, thậm chí khiến ông phải trả giá bằng những khoản tiền khổng lồ.
Vụ phá sản giả của Tesla
Vào năm 2018, Elon Musk đã tạo ra một bài viết gây hỗn loạn khi tuyên bố rằng công ty Tesla của ông đã phá sản. “Bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ để huy động tiền, chúng tôi rất buồn khi phải thông báo rằng Tesla đã phá sản hoàn toàn, thực sự phá sản, không thể tin được”, nội dung đăng tải của giám đốc điều hành công ty này. Sau đó, hóa ra nó chỉ là một trò đùa ngày Cá tháng Tư.
Dòng tweet xuất hiện sau một loạt tin xấu trước đó của đơn vị sản xuất ô tô này, bao gồm sự thiếu hụt sản xuất, sự giám sát của pháp luật đối với hệ thống hỗ trợ lái xe Autopilot… Tất cả những điều đó cộng lại khiến cổ phiếu giảm tới 8,1%.
Tất nhiên, các nhà đầu tư không hài lòng chút nào với sự thiếu nghiêm túc của ông. Mặc dù vậy, vị tỷ phú này dường như không hề quan tâm đến điều đó.
Dòng tweet đùa về cần sa "420" khiến Elon Musk và các cổ đông mất hàng triệu đô
Cũng vào năm 2018, vị tỷ phú giàu nhất thế giới này từng viết trên Twitter: "Tôi đang cân nhắc mua Tesla ở chế độ tư nhân với giá 420 USD. Nguồn vốn được bảo đảm". Không lâu sau, SEC (Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ) đã đệ đơn kiện Musk với cáo buộc đăng thông tin không có cơ sở trên thực tế và làm tổn thương các nhà đầu tư.
Sau đó, Musk giải thích rằng dòng tweet chỉ là một trò đùa. Vị tỷ phú này giải thích rằng đã chọn con số 420 USD bởi vì gần đây ông đã tìm hiểu và biết về ý nghĩa của con số này (con số có ý nghĩa liên quan đến cần sa) và nghĩ rằng bạn gái của mình sẽ thấy nó thật buồn cười.
Vụ kiện này đã khiến các nhà đầu tư của Tesla hoang mang và cổ phiếu của công ty đã giảm 14% trong những ngày sau đó. Musk đồng ý giải quyết vụ kiện hai ngày sau khi nó được đệ trình, từ chức Chủ tịch hội đồng quản trị Tesla trong ba năm và nộp phạt 20 triệu USD (hơn 400 tỷ đồng). Tesla cũng bị phạt mức tương tự và số tiền sẽ được chia cho "các nhà đầu tư bị hại", theo SEC.
Elon Musk thổi bay 14 tỷ USD giá trị của Tesla chỉ bằng một dòng tweet
Tháng 5 năm 2020, Elon Musk đã đăng một dòng tweet với tiêu đề "Giá cổ phiếu Tesla quá cao". Kết quả? Chỉ vài phút sau khi dòng chữ này được gửi đi, giá cổ phiếu của công ty Tesla đã giảm 15 USD và sau đó là 30 USD.
Tổng cộng 14 tỷ USD (hơn 300 nghìn tỷ đồng) đã bị xóa sổ khỏi giá trị của công ty xe điện Tesla và 3 tỷ đô la (hơn 60 nghìn tỷ đồng) đã bị tước khỏi cổ phần của chính Musk tại Tesla. Tuy nhiên, sự trượt giá này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, với tất cả các khoản lỗ đã được phục hồi trong ba ngày tiếp theo.
Câu chuyện về “chàng trai pedo”
Bạn còn nhớ sự kiện một đội bóng nhí Thái Lan bị mắc kẹt trong hang động? Câu chuyện đó đã dẫn đến một vụ bê bối trên Twitter của Elon Musk.
Musk đã dùng cụm từ “pedo guy” (thuật nghĩ ám chỉ kẻ ấu dâm) để nói về thợ lặn người Anh Vernon Unsworth, người từng tham gia chiến dịch giải cứu hang động Thái Lan để cứu nhóm trẻ em này. Vào thời điểm đó, vị tỷ phú này nói rằng sẽ đặt cược tiền để chứng minh cho lời buộc tội của mình.
Lý do dẫn đến sự khó chịu của vị tỷ phú này là bởi Unsworth trước đó đã tuyên bố rằng chiếc tàu ngầm thu nhỏ mà Musk đã thiết kế và gửi đến Thái Lan để giúp giải cứu các cậu bé chỉ là một trò PR, vì chiếc tàu ngầm này hoạt động kém hiệu quả. Musk sau đó đã xin lỗi Unsworth và xóa tweet, mặc dù câu chuyện vẫn tiếp tục gây tranh cãi sau đó.
Bình luận