(VTC News) - Nhấp ngụm chè tươi bốc khói, giữa rừng hoang mây mù lạnh giá, thấy thật tuyệt vời. Tôi có cảm giác, dường như, bao nhiêu tinh hoa của trời đất đều tụ lại trong những tấm lá chè kia, giờ nó tan ra nước để những kẻ lạc lối giữa rừng hoang như tôi thưởng thức.
Cây chè khổng lồ 3 người ôm không xuể mà tôi gặp ở rừng chè trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn. Theo cách tính của các chuyên gia Nhật Bản, thì cây chè này có độ tuổi lên đến hàng ngàn năm. |
Tôi cùng ông Trần Ngọc Lâm, đồng chí kiểm lâm viên Nguyễn Viết Huấn cuốc bộ xuống thung lũng, rồi bám vào vách núi trèo lên tận đỉnh một ngọn núi. Chúng tôi đi miết, đi miết, chỉ thấy duy nhất trong cánh rừng này là những thân chè to sù sụ, rêu mốc, cành lá cao vòi vọi như một khu rừng nguyên sinh già nua ngàn tuổi.
Những hạt chè rơi vào kẽ đá, rễ bám trùm lên tảng đá, len vào vết nứt của đá núi nảy lên thân thân chè. Sức sống của chè cũng như những giống loài khác trên ngọn núi đá này thật kỳ lạ.
Điều đặc biệt nữa, loại chè này chỉ mọc ở độ cao từ 1.800m đến 2.500m mà thôi. Dưới hoặc trên độ cao này, không thấy xuất hiện cây chè nào cả. Đứng trên đỉnh một ngọn núi, ông Lâm chỉ tay về phía Tây và bảo rằng, để đi cắt ngang được vườn chè này, thì phải mất 4-5 ngày cuốc bộ thật lực. Còn để đi hết vườn chè, đếm từng cây, có lẽ là mất cả đời người cũng không làm xong được việc đó.
Những thân chè cổ thụ bám rễ vào đá để sống, nên chúng lớn rất chậm. |
Ông Lâm kể rằng, theo lời của anh chàng người Nhật mê trà tên Muteki, những cây chè mọc trên núi cao hơn ngàn mét, to một người ôm ở bên Nhật Bản được các nhà khoa học xác định tuổi đời lên đến vài trăm năm. Do vậy, những cây chè mọc trên núi đá, ở độ cao trên 2.000m trên núi Fansipan này, độ tuổi của chúng phải tính bằng hàng trăm đến cả ngàn năm.
Ở độ cao này, môi trường khắc nghiệt, giá lạnh thấu xương, mùa đông tuyết phủ, nước trong đất cũng đóng băng, cây chè phải nhọc nhằn hút dinh dưỡng từ đá, do đó, lớn rất chậm. Theo tính toán của các nhà khoa học người Nhật, ở môi trường khắc nghiệt, trên độ cao này, mỗi năm đường kính thân cây chè chỉ lớn thêm được 1mm. Những cây chè cổ thụ, tốc độ lớn còn chậm hơn rất nhiều. Chính vì thế, với những cây chè có vòng thân 2-3 người ôm trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn, đều có tuổi cả ngàn năm.
Chúng tôi đi mãi trong rừng mà không tìm được lá chè nào rụng. Thời gian dường như ngừng trôi với loài chè cổ thụ trên núi Fansipan. |
Rừng chè nguyên sơ, cây chè như những cây rừng, chưa bao giờ có người thu hái, chăm sóc, nên chúng cao chót vót, gốc bám trên đá, ngọn chìm trong mây. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được những cây chè có chạc ở thấp để trèo lên hái lá.
Theo ông Lâm, ông đã để ý quan sát trong nhiều ngày đi rừng, và thật khó khăn khi phát hiện được một lá chè rụng xuống đất ở giữa rừng chè cổ thụ này. Điều đó có nghĩa, vòng đời của lá chè rất lớn. Tôi có cảm giác rằng, sự sống của những cây chè như ngừng lại, và thời gian đối với loại cây này dường như là vô nghĩa.
Không cầu kỳ như anh chàng người Nhật mê trà kỳ lạ kia, phải dựng lều, đẽo kiếm, chúng tôi chọn một tảng đá bằng phẳng, lập bếp nấu nước pha trà.
Tôi trèo tót lên một cây chè người ôm không xuể, bẻ những cành chè nhỏ có đủ cả lá già, lá bánh tẻ, lá non và búp. Ông Trần Ngọc Lâm cắt ngang rừng chè xuống thung lũng đi kiếm đoạn thân trúc khổng lồ. Ở Hoàng Liên Sơn, trên mỗi độ cao lại có một loại trúc khác biệt. Loại trúc lớn nhất, thân to bằng bắp chân, thậm chí bằng cả ống luồng, nhưng loại trúc nhỏ nhất, gọi là trúc lùn, thân chỉ bằng cọng tăm, cao đến đầu gối.
Ông Lâm đi đến chiều thì trở về với những đoạn ống trúc chứa đầy nước suối. Đồng chí kiểm lâm Nguyễn Viết Hiếu tìm củi khô nhóm lửa. Ông Lâm đổ đầy nước vào các ống trúc, treo trên ngọn lửa. Nước sôi, chúng tôi thả những lá chè tươi vào ống nứa và đun tiếp. Loài chè trên núi Fansipan này lá rất dày, nên phải đun sôi rất lâu mới chín.
Kiểm lâm viên Nguyễn Viết Hiếu nổi lửa nấu chè bằng ống trúc. |
Trong lúc chờ chè chín, ông Lâm lôi chiếc sáo trúc mà ông mang theo ra thổi. Tiếng sáo véo von vang vọng khắp núi rừng. Những ngày sống trong rừng già, buồn quá, ông thường lôi sáo ra thổi. Mỗi khi tiếng sáo vang lên, đàn vượn lại ríu rít tìm đến. Ông Lâm kể rằng, mới tháng trước, ông ngồi vắt vẻo trên ngọn cây vân sam thổi sáo, đàn gấu 4 con nghe thấy tiếng sáo của ông liền tìm đến. Tuy nhiên, khi gặp lại, sau mấy năm xa cách, hai chú gấu con đã to lừng lững như bố mẹ.
Hồi sống trong hang đá trên độ cao 2.900m, ông Lâm thường thổi sáo cho vợ chồng nhà gấu ở hang đối diện và đàn vượn ở hang cạnh nghe. Khi con đường du lịch leo Fan mới được mở ra, khách du lịch đi cắt qua những cái hang ở độ cao này, đàn vượn và vợ chồng nhà gấu đã bỏ đi. Ông Lâm cũng bỏ đi nốt.
Ông Lâm thổi sáo một lúc, thì nghe văng vẳng từ xa vọng lại tiếng vượn hót ríu rít. Ông Lâm bảo, đàn vượn đã nghe thấy tiếng sáo của ông nên hót đáp lại. Tuy nhiên, để chúng đến được chỗ ông, phải mất cả ngày. Nhìn cảnh ông Lâm ngồi thổi sáo gọi vượn và gấu trong mây mù và khói lửa lảng bảng giữa rừng hoang, chợt thấy thiên nhiên và con người thật bí ẩn và kỳ thú.
"Người rừng" Trần Ngọc Lâm thổi sáo gọi gấu và vượn. |
“Ấm” chè nóng hôi hổi được rót ra những chiếc cốc đẽo bằng ống trúc. Nhấp ngụm chè tươi bốc khói, giữa rừng hoang mây mù lạnh giá, thấy thật tuyệt vời. Tôi có cảm giác, dường như, bao nhiêu tinh hoa của trời đất đều tụ lại trong những tấm lá chè kia, giờ nó tan ra nước để những kẻ lạc lối giữa rừng hoang như tôi thưởng thức.
Tôi từng nghe một câu phát biểu của một chuyên gia trà người Nhật, khi ông uống bát chè tươi Suối Giàng: “Trong bát nước chè xanh, có đủ 18 vị đầu đẳng của chè ngon trên thế giới”. Tôi cũng đã lên tận Suối Giàng (Yên Bái), ôm những gốc chè cổ thụ vài trăm năm tuổi, uống những bát chè xanh do người Mông nấu bằng nước con suối của Trời. Tôi cũng đã từng uống những ấm trà búp thương hiệu Suối Giàng, giá bạc triệu một kg trong phòng lạnh giữa thành phố.
Thưởng trà giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn. |
Thế nhưng, những gì là đặc biệt nhất của chè Suối Giàng hình như chưa thể sánh được với những lá chè của đại ngàn Hoàng Liên Sơn. Nhìn chén nước chỉ có màu xanh rất nhạt, nhưng khi uống, lại thấy hương vị rất đậm đà, ngọt mãi ở cuống họng. Điều này cũng dễ lý giải, bởi vì, dù những gốc chè Suối Giàng mọc trên một ngọn núi rất cao, song cũng chỉ từ 1.000 đến 1.400m, trong khi đó, những gốc chè cổ thụ nơi đây mọc ở độ cao tới 2.500m so với mặt nước biển.
Rời đại ngàn Hoàng Liên Sơn với rừng chè hoang vĩ đại cả triệu cây, tôi cứ thầm ước, một ngày nào đó, rừng chè này sẽ được “khai mở” một cách khoa học. Như vậy, đồng bào ở Sapa sẽ có cách kiếm sống, không phải săn thú, không phải đốn rừng trồng thảo quả, không phải làm lâm tặc xẻ gỗ nữa. Và hy vọng, trong tương lai không xa, trà Fansipan sẽ là một thương hiệu mới của đất nước.
Phạm Ngọc Dương
Chuyện rừng chè quí và ý thức dân tộc
Vũ Thế Kháng. [email protected]. busan _hàn quốc
Đây quả thật là một tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta, nhưng sử dụng và bảo vệ như thế nào để tài sản đó không bị tàn phá cạn kiệt có lẽ là một câu hỏi lớn với chúng ta khi mà ý thức của chúng ta về bảo vệ tài nguyên chung, tài sản công cộng là rất kém. Hầu như ai cũng chỉ muốn chiếm đoạt là của riêng mình mà chỉ có rất ít người ngưới có ý thức bảo vệ. Anh bạn Muteki và người dân Nhật Bản là một tấm gương tốt để cho chúng ta soi lại mình và học hỏi, học hỏi về ý thức cộng đồng ý thức dân tộc của người Nhật Bản. Nhờ ý thức đó mà nước Nhật mới được như ngày nay. Tiếc rằng người dân Việt Nam ta chỉ có nó khi đất nước bị ngoại bang xâm lược, khi chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, còn trong thời bình thì kiếm được một người như Muteki và cô y tá Nhật đã quì xuống giường bệnh nhân người việt để xin lỗi về vụ sập cầu Cần Thơ do người Nhật làm chủ đầu tư thì rất khó. Theo tôi, đã đến lúc chúng ta phải đưa giáo dục ý thức cộng đồng và pháp luật vào chương trình học phổ thông để có những thế hệ tương lai hiểu biết pháp luật, có ý thức với cộng đồng, xã hội và ý thức được dòng máu Việt đang chảy trong huyết quản của mình.
Bình luận