33.000 tỷ đồng làm trục đô thị Nhật Tân - Nội Bài

Thời sựThứ Tư, 01/07/2015 01:44:00 +07:00

chính phủ 'chốt' một số cơ chế đặc thù để đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến Nhật Tân - Nội Bài.

Ngày 30/6/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục điều hành phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Chính phủ “chốt” một số cơ chế đặc thù để đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến Nhật Tân - Nội Bài (dự kiến hoàn thành vào năm 2025).

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cho rằng để đầu tư hệ thống hạ tầng khung và các dự án phát triển đô thị hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài đồng bộ, hiện đại, dự kiến có thể hoàn thành vào năm 2025, việc xây dựng cơ chế đặc thù về lựa chọn nhà đầu tư, tài chính, đất đai, giải phóng mặt bằng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt là cần thiết làm căn cứ triển khai thực hiện quy hoạch.

“Việc đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến Nhật Tân - Nội Bài có ý nghĩa hết sức quan trọng, sẽ tạo điểm nhấn cho Thủ đô Hà Nội. Tôi rất đồng tình với quan điểm cần sớm xây dựng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển dự án đô thị hai bên tuyến Nhật Tân - Nội Bài”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu.
Phát triển đô thị hai bên tuyến Nhật Tân - Nội Bài có ý nghĩa quan trọng, là điểm nhấn cho thủ đô.  

Các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến cơ sở pháp lý ban hành cơ chế đặc thù xây dựng đô thị dọc hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầy tư, huy động nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng và thực hiện các dự án phát triển đô thị; vấn đề về xác định giá đất khi giao đất, cho thuê đất; việc áp dụng các hình thức đầu tư; cách thức lựa chọn nhà thầu;…

Phát biểu kết luận về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến Nhật Tân - Nội Bài là cần thiết và phù hợp với quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội. Bản chất của cơ chế, chính sách đặc thù này là làm sao lấy tiền từ quỹ đất hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài để phát triển hạ tầng tiếp theo, đây là định hướng đúng và hoàn toàn khả thi.

Thủ tướng cũng đã trao đổi, tháo gỡ, xử lý những vấn đề cụ thể theo các đề xuất, kiến nghị của các Bộ, ngành liên quan đến các cơ chế, chính sách đặc thù trong đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến Nhật Tân - Nội Bài trong đó có công tác giải phóng mặt bằng; bố trí, xây dựng nhà ở xã hội; lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu; việc xác định giá đất; thẩm quyền phê duyệt dự án; đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng đô thị hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài có vị trí đặc biệt quan trọng, cùng với cầu Nhật Tân tạo nên kết nối giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Việc tổ chức đầu tư thực hiện theo quy hoạch hoàn thành sẽ tạo nên điểm nhấn cho không gian, kiến trúc khu vực cửa ngõ Thủ đô, tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị khu vực Bắc sông Hồng và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, nhu cầu đầu tư cho xây dựng hạ tầng khung và giải phóng mặt bằng theo quy hoạch chi tiết xây dựng khu Nhật Tân - Nội Bài là 33.000 tỷ đồng, trong đó kết cấu hạ tầng khung dự kiến là 22.200 tỷ đồng và giải phóng mặt bằng dự kiến là 10.800 tỷ đồng. Hiện tại, nguồn vốn ngân sách của Hà Nội không có khả năng cân đối đáp ứng nhu cầu đầu tư nêu trên.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về Báo cáo xác định chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel); dự thảo Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.

Về dự thảo Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ, các ý kiến đã được Ủy Ban thường vụ Quốc hội đóng góp; tiếp tục chủ trì, xin ý kiến của các cơ quan chức năng để hoàn thiện dự thảo Nghị định này và trình Chính phủ tiếp tục xem xét.

Nguồn: Dân trí
Bình luận
vtcnews.vn