• Zalo

Tranh chấp biển Hoa Đông, Mỹ dè chừng Bắc Kinh?

Thế giớiThứ Sáu, 17/08/2012 06:04:00 +07:00Google News

(VTC News)–Washington không dám tỏ ra bênh vực Nhật Bản - đồng minh thân thiết ở Châu Á vì ngại đụng chạm tới Bắc Kinh khi quan hệ Nhật-Trung đang dần leo thang

(VTC News) – Washington hôm 16/8 tuyên bố sẽ không can thiệp vào vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư trên biển Hoa Đông kể từ sau vụ Nhật Bản bắt giữ 14 nhà hoạt động Trung Quốc, theo Wantchinatimes.

Mặc dù khẳng định sẽ không đứng về bên nào trong vụ việc trên, nhưng Mỹ cũng nhấn mạnh "mọi động thái khiêu khích sẽ là vô ích" và chỉ càng khiến quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc diễn biến theo chiều hướng tiêu cực.
“Chúng tôi không đứng riêng về phía nước nào trong vụ việc lần này. Điều chúng tôi hy vọng là các bên có thể tự giải quyết vấn đề trong hòa bình và hợp tác vì bất cứ hành động quá khích nào cũng sẽ chỉ mang lại hậu quả đáng tiếc”, bà Victoria Nuland - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời phỏng vấn ở Washington hôm 16/8.
 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Victoria Nuland
Cũng theo bà Nuland, chính phủ Mỹ không có thông tin cụ thể về những “va chạm” trên đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc những ngày gần đây. 
Tuy nhiên, Washington vẫn cho rằng vấn đề “nên được giải quyết bằng đàm phán thay vì những hành động thiếu kiềm chế.”
Trong khi đó, các quan chức khác lại cho rằng Washington cũng có thể sẽ “chung tay” giúp hòa giải tranh chấp trên vùng biển Hoa Đông trong điều kiện thích hợp nhất.
“Thật khó để đưa ra câu trả lời chính xác rằng Mỹ sẽ phản ứng ra sao trước sự kiện gây tranh cãi giữa các nước trong khi chính quyền Washington còn chưa thực sự hiểu rõ tình tình”,Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế dẫn lời cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Richard Armitage.
Joseph Nye, trợ lý của Ngoại trưởng Hillary Clinton nhận định, tại thời điểm này, Washington không nên can thiệp vào các cuộc tranh chấp mang tính lịch sử giữa Nhật Bản và các nước láng giềng, mặc dù Nhật là đồng minh thân cận của Mỹ ở Châu Á.
“Nhật Bản đủ dũng khí để đôi mặt với các vấn đề của chính mình”, ông Nye nói.
 Hình ảnh tàu tuần duyên Nhật áp giải tàu Hong Kong cùng 14 nhà hoạt động Trung Quốc "xâm phạm lãnh hải Nhật Bản" hôm 15/8
Dựa trên tuyên bố của Washington, nhiều nhà phân tích đánh giá thái độ của Mỹ trong mâu thuẫn Nhật-Trung cho thấy nhiều điểm khác biệt trong cách Mỹ thể hiện đối với căng thẳng Nhật-Hàn hồi đầu tuần.
Đối với 2 nước đồng minh Nhật - Hàn, Washington trực tiếp kêu gọi chính phủ 2 bên cùng hợp tác giải quyết xung đột; tổ chức các cuộc hội thảo 3 bên cũng như các hội nghị Bộ trưởng quốc phòng, Bộ trưởng ngoại giao nhằm hy vọng Hàn Quốc và Nhật Bản sớm "làm hòa".
Trong khi đó, đối với quan hệ Nhật - Trung, Mỹ lại tỏ ra thận trọng và rụt rè hơn khi tuyên bố không can thiệp mà chỉ hy vọng các bên tự giải quyết bằng hòa bình.
Một phần vì địa vị của Bắc Kinh và Seoul không giống nhau trong chiến lược ngoại giao của Nhà Trắng, phần khác vì Mỹ cũng không muốn gây thêm "ác cảm" với Trung Quốc khi gần đây hai nước liên tiếp khẩu chiến gay gắt xoay quanh vấn đề chủ quyền ở Biển Đông - nơi Trung Quốc đã hành động "ngông cuồng và hiếu chiến".
Quần đảo Senkaku được Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đang là tâm điểm tranh chấp giữa 2 nước Nhật – Trung và nằm cách đảo Đài Loan khoảng 100 hải lý về phí đông bắc.
Hiện cả Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. 
 Các nhà hoạt động Trung Quốc được cho là đã phớt lờ mọi cảnh báo từ phía Nhật Bản, tự ý lên đảo thuộc quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư để vẫy cờ và hát quốc ca
Trong khi đó, căng thẳng giữa các nước xoay quanh vấn đề quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư lại được “làm nóng” khi chiều 15/8, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật tuyên bố bắt giữ 14 nhà hoạt động Trung Quốc vì “xâm phạm trái phép lãnh hải Nhật Bản”.


“Nhật Bản sẽ xử lý nghiêm vụ việc này theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc bắt giữ các nhà hoạt động Trung Quốc cũng sẽ không có ảnh hưởng tới kế hoạch mua đảo Senkaku của Nhật Bản”, Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda tuyên bố.
Ở bên kia bờ biển Hoa Đông, Bắc Kinh “đề nghị chính phủ Nhật Bản phải đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho các công dân Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Nhật Bản lập tức thả người vô điều kiện”, theo Tần Cương - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
 Hình ảnh 14 nhà hoạt động Trung Quốc bị cảnh sát Okinawa bắt giữ chiều ngày 16/8

Hạ Giang
Bình luận
vtcnews.vn