(VTC News) – Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đang “lên kế hoạch” đưa một trong số những quan chức thân cận vào ban lãnh đạo Đảng Cộng sản nhằm duy trì quyền lực sau khi về hưu, hãng tin Reuters dẫn lời 2 nguồn tin độc lập hôm 8/8.
Theo đó, ông Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), người đừng đầu đảng ủy khu vực Nội Mông ở miền Bắc Trung Quốc – một ngôi sao chính trị mới nổi, một nhà cải cách và là “chỗ thân tín” của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đang được xem là ứng viên sáng giá cho vị trí lãnh đạo thế hệ mới.
Sau nhiều năm cầm quyền, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (69 tuổi) sẽ chính thức lui về “hậu trường” sau Đại hội Đảng lần thứ 18 diễn ra ở Bắc Kinh vào mùa thu năm nay.
Và như bao cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng khác, việc lựa chọn người kế nhiệm mình được nhà lãnh đạo đương thời này đặc biệt chú trọng bởi nhiều lý do chung lẫn riêng.
“Ông Hồ Cẩm Đào đánh giá rất cao Hồ Xuân Hoa và quyết định sẽ cất nhắc chính trị gia này cho chức vụ cao hơn trong Đảng”, một nguồn tin thân cận của Chủ tịch họ Hồ nói với Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào |
Ông Hồ Cẩm Đào được nói là đang mong muốn đưa “cận thần” của mình lên thẳng vị trí nắm quyền quyết định tối cao trong Đảng - Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, hoặc ít nhất cũng là Bí thư thành ủy Thượng Hải – một trung tâm kinh tế, tài chính phát triển bậc nhất Trung Quốc.
Trong khi đó, bàn về chuyện các nhà lãnh đạo sắp nghỉ hưu muốn tạo dựng “chỗ đứng” thời hậu quyền, một chuyên gia phân tích chính trị Trung Quốc giấu tên nhận định: “Việc chuyển giao quyền lực chính trị là nhằm đảm bảo những kế hoạch còn dang dở, những dự định chưa hoàn thành từ thời lãnh đạo tiền nhiệm sẽ được thực hiện một cách triệt để nhờ các thế hệ sau.
Trước đó, dư luận từng xôn xao việc ông Hồ Cẩm Đào sẽ trao quyền lãnh đạo hàng đầu cho Phó chủ tịch Tập Cận Bình và cất nhắc một số người thân tín khác cho những chức vụ chủ chốt còn lại.
Giới chuyên môn ở Trung Quốc dự đoán, năm nay Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có thể sẽ đề nghị nâng số lượng ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị lên 11 người, thay vì 9 người như trước đây.
Tuy nhiên, những trang mạng Trung Quốc lại đang xôn xao đồn đoán, sang năm sau, sẽ chỉ có 7 Ủy viên trong đơn vị quyền lực nhất nước này.
Theo cơ chế chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc, danh sách các nhà lãnh đạo mới sẽ được công khai chính thức trước quốc hội sớm nhất vào tháng 10 năm nay. Sau đó, những người được tuyên bố sẽ chính thức đảm nhiệm các chức vụ tương ứng vào tháng 3 năm sau.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cùng nhiều học giả nổi tiếng đã tề tựu đông đủ ở khu nghỉ mát Bắc Đới Hà để thảo luận về việc chuyển giao quyền lực sau Đại hội Đảng lần thứ 18 |
Hãng Reuters dẫn lời một nguồn tin khác thân cận với các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đánh giá “Hồ Xuân Hoa là quân cờ bí ẩn” với số phận phụ thuộc vào “nước đi” của Chủ tịch đương nhiệm Hồ Cẩm Đào và các nhân vật chính trị cấp cao khác, trong đó có cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.
Theo đó, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau hàng loạt phiên họp kín giữa các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đang diễn ra ở khu nghỉ mát Bắc Đới Hà cách thủ đô Bắc Kinh 250km về phía Đông.
Nhân tố trẻ
Nếu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào giành “chiến thắng” trên bàn cờ chính trị như đã nói, Hồ Xuân Hoa sẽ là người trẻ nhất trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ở tuổi 49.
Trước đó, ông Hồ Cẩm Đào trở thành ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị vào năm 1992 và khoảng chục năm sau đã vươn lên vị trí lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc.
Trong trường hợp còn lại, Hồ Xuân Hoa vẫn là ứng viên tiềm năng trong “cuộc đua” giành chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải kiêm ủy viên Bộ Chính Trị – một bước đệm đáng mơ ước.
Nếu Hồ Xuân Hoa không thể vượt qua đối thủ là Bộ trưởng Thương mại Trần Đức Minh hay nhà lý luận hàng đầu của đảng Vương Hộ Ninh để trở thành lãnh đạo Thượng Hải, chính trị gia 49 tuổi này vẫn có thể thay thế cựu Bí thư tỉnh ủy Quách Kim Long ở Bắc Kinh.
Hồ Xuân Hoa, chính trị gia 49 tuổi được cho là thân tín của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và là người "có khả năng" sẽ nắm giữ một trong những chức vụ cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc |
Theo các nhà phân tích, ngoài Thượng Hải, những người đứng đầu đảng ủy các thành phố lớn khác như Bắc Kinh, Thiên Tân và Trùng Khánh cũng sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến khiến cuộc chuyển giao quyền lực vào mùa thu năm nay.
Đường lối lãnh đạo "đanh thép"?
Hồ Xuân Hoa sinh năm 1963, người gốc Hồ Bắc, từng là Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên Trung Quốc và là học trò cũ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Các nguồn tin trong nước cho biết, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bắc Kinh năm 1983, Hồ Xuân Hoa đã tới Tây Tạng làm việc trong khoảng thời gian hơn 20 năm và lên tới chức Phó Bí thư đảng ủy thứ nhất của Khu vực Tây Tạng vào năm 2006.
Từ đó, Hồ Xuân Hoa nổi lên nhờ có công khôi phục nền kinh tế của khu vực Tây Tạng, ngăn chặn các xu hướng đòi ly khai cũng như đưa nhiều người Trung Quốc gốc Hán vào sinh sống trong khu vực bất ổn này.
Đến năm 2009, Hồ Xuân Hoa chuyển công tác tới vùng Nội Mông sau khi làm Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc vào năm 2008.
“Bằng việc thử thách mình với nhiều chức vụ ở những khu vực được cho là khó khăn, chính trị gia họ Hồ đã dần khẳng định được khả năng lãnh đạo của mình khi giải quyết thành công nhiều vấn đề nhạy cảm và đặc biệt là có quan hệ rất thân thiết với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào”, chuyên gia Kou Chien-wen thuộc Đại học Quốc gia Trung Quốc nói.
Trước đó, chuyên gia này cũng kể về những chiến tích của Hồ Xuân Hoa với đường lối lãnh đạo “đanh thép” đã dẹp yên cuộc biểu tình của người dân tộc Nội Mông vào năm 2011.
Ông Hồ Xuân Hoa cũng được cho là đã chỉ đạo bắt giam người chống đối chính phủ ở khu tự trị Nội Mông tên là Hada năm 2010 ngay khi ông này hết án 15 năm tù vì tội phản động và ly gián.
Hạ Giang
Bình luận