Trả lời PV VTC News sáng 6/10, ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng (Cảng Đà Nẵng) cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Đà Nẵng, về việc đầu tư xây dựng bến sà lan Liên Chiểu để trung chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa nhằm giảm tải cho tuyến nội thị.
Theo ông Nguyễn Hữu Sia, từ năm 2016, cảng Đà Nẵng đã nghiên cứu các phương án rút hàng, tính toán các phương án vận chuyển từ cảng Tiên Sa bằng đường thủy.
Cảng Đà Nẵng đã phối hợp với đơn vị tư vấn đánh giá nhu cầu đầu tư và đề xuất phương án bố trí khu bến sà lan trong quy hoạch cảng Liên Chiểu do UBND TP Đà Nẵng đang thực hiện nghiên cứu tiền khả thi.
Phương án giữ lại khu bến sà lan do cảng Đà Nẵng đầu tư khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động. Khi đó khu bến sà lan sẽ đóng vai trò như một bến thủy nội địa.
Cảng Đà Nẵng đã có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng và các sở, ngành đề xuất chọn vị trí đầu tư dự án, đã được các cấp có thẩm quyền chấp thuận về chủ trương.
Ông Nguyễn Hữu Sia cho hay, cảng Đà Nẵng đã làm việc với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và được Tổng Công ty đồng ý để cảng Đà Nẵng đầu tư xây dựng bến sà lan Liên Chiểu theo thông báo do Phó Chánh văn phòng Vinalines Dương Hoàng Anh thừa lệnh Tổng Giám đốc ký ngày 1/10/2018.
Mới đây, lãnh đạo Vinalines đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về việc xây dựng bến phà này và cơ bản thống nhất phương án xây bến.
Trên cơ sở đó, cảng Đà Nẵng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư theo phương án vị trí bến đã chọn. “Hồ sơ đề xuất sẽ được cảng Đà Nẵng gửi đến Sở GT-VT Đà Nẵng trước ngày 10/10/2018”, ông Nguyễn Hữu Sia khẳng định.
Cũng theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng, từ ngày 1/10, đơn vị đã tổ chức giao hàng ban đêm khoảng 20 đến 25% thay vì 10% như trước đây nhằm giảm tải cho trục đường nội thị Yết Kiêu - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn.
Thực hiện chủ trương này, các doanh nghiệp cũng đã phối hợp tốt, góp phần giải quyết xung đột giữa dịch vụ du lịch và logistics trong lúc chưa xây dựng được cảng Liên Chiểu.
“Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt. Tôi tin tưởng rằng, với mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng xây dựng bến thủy nội địa này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Sử dụng sà lan trung chuyển conteiner qua Liên Chiểu mang lại hiệu quả thiết thực và khả thi nhất”, ông Nguyễn Hữu Sia nói.
Bình luận