• Zalo

30 năm nuôi vợ cả, con riêng của chồng

Thời sựThứ Hai, 22/07/2013 07:39:00 +07:00Google News

Ở xã Đắk Đrông, huyện Cư Jút (Đắc Nông), người dân hết lời khen ngợi người đàn bà ngày đêm chăm sóc người vợ cả bại não của chồng, nuôi con gái riêng của chồng.

Ở xã Đắk Đrông, huyện Cư Jút (Đắc Nông), người dân hết lời khen ngợi người đàn bà ngày đêm chăm sóc người vợ cả bại não của chồng, nuôi con gái riêng của chồng.

Bà cũng có 3 người con với chồng. Rồi chồng mất sớm, một mình bà chèo chống, đưa cả gia đình vượt qua bao biến cố mà không một lời than vãn. Chỉ có cô con gái riêng của chồng bà, hiện đã lập gia đình ở riêng, là không ghi nhận những việc làm của bà, dù cô vẫn để người mẹ ở lại cho bà chăm sóc.

Nuôi vợ, con cho chồng

Chúng tôi tìm đến căn nhà cấp bốn ở thôn 3, xã Đắk Đrông, nơi bà Hoàng Thị Ngọ đang sinh sống cùng bà Nông Thị Nhu - người vợ cả của chồng. Có lẽ do gánh nặng gia đình, bà Ngọ năm nay mới 48 tuổi nhưng gầy gò, khắc khổ và... hơi giống đàn ông.

Đắk Đrông, huyện Cư Jút, Đắc Nông, vợ cả, con chồng
Xong việc ruộng nương, bà Ngọ còn dùng chiếc vó này kiếm cá nhỏ về bán để lo cho gia đình. Ảnh: Hữu Phúc 

Bà cả Nông Thị Nhu dường như đã mất khả năng nhận thức, người bị liệt, một chân duỗi thẳng không co lại được. Phòng ở của bà Nhu là một góc hẹp phía sau, bên trong có một chiếc giường nhỏ và 1 tấm màn che. Đây là nơi bà Nhu nằm bất động trong nhiều năm qua, mọi sinh hoạt từ ăn uống, tiểu tiện đều phải nhờ sự giúp đỡ của người khác nhưng vẫn rất sạch sẽ, gọn gàng.

Ngồi lau mặt cho người vợ cả của chồng, bà Ngọ kể lại cơ duyên trở thành trụ cột của gia đình này, chuyện gần 30 năm về trước. Lúc đó chàng trai Lương Văn Chẵn - công nhân Hạt Quản lý đường bộ huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng - vừa cưới vợ được một năm, gương mặt rạng ngời hạnh phúc.

Nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang", tai ương ập xuống khi người vợ mang thai đứa con gái đầu lòng. Bà Nông Thị Nhu bắt đầu có những biểu hiện của chứng bại não, chân dị tật, dần dần đi lại rất khó khăn. Sinh xong đứa con thì bà Nhu mất khả năng nhận thức, người bị liệt nặng, không thể tự sinh hoạt được nữa. Sau một thời gian biết chuyện éo le của đồng nghiệp cùng đơn vị, bà Ngọ đến chăm sóc, trông nom hai mẹ con bà Nhu.

"Thề có trời đất, lúc đầu tôi chỉ nghĩ là giúp đỡ gia đình họ thôi, không có tình ý gì với ông ấy cả" - bà Ngọ nói. Nhưng có lẽ "lửa gần rơm lâu ngày", dần dà cô gái mới 21 tuổi, thanh xuân rực lửa đã bỏ ngoài tai những lời tán tỉnh của đám thanh niên chưa vợ đang ngày đêm theo đuổi. Không biết tình yêu mãnh liệt đến mức nào, bà Ngọ vượt qua sự ngăn cấm của gia đình, "đạp lên dư luận".

Hai năm sau, bà Ngọ chính thức lấy ông Chẵn làm chồng. Vừa lo sinh kế, vừa trực tiếp chăm sóc cho mẹ con bà Nhu, cuộc sống càng khó khăn hơn khi 3 đứa con của họ lần lượt ra đời. Đến năm 2000, do kinh tế quá khó khăn, dân miền núi phía Bắc ồ ạt di cư vào Tây Nguyên. Họ hàng nhà bà Ngọ đi hết.

Rồi bà Ngọ, ông Chẵn và 4 người con cũng phải lên đường, không quên mang theo bà Nhu. Nhưng vào Tây Nguyên không lâu, đúng lúc cả đại gia đình cần đến sức lực của người đàn ông để khai phá đất đai, tạo lập cuộc sống, chống chọi khó khăn thì ông Chẵn bệnh nặng.

Sau 3 năm liệt giường, ông Chẵn mất. Từ đó, một mình bà Ngọ khai phá đất đai làm ruộng, mò cua bắt ốc, hết việc nhà lại đi làm thuê để lo cho mẹ con bà Nhu và 3 đứa con của mình. Nhìn lại quãng đời cơ cực, bà Ngọ vẫn không chút hối hận: "Mỗi người một số phận mà, 26 năm qua tôi không một lời than vãn. Giờ các con đã lớn, không có lý do gì để tôi không tiếp tục nuôi bà Ngọ đến hết đời".

Tấm lòng bà Ngọ đối với vợ, con của chồng đã được người dân và chính quyền địa phương hết lời khen ngợi. Bà Chu Thị Nhìn - ở đối diện nhà bà Ngọ - cho biết: “Bà Ngọ chăm lo cho bà Nhu từng miếng cơm, ngụm nước. Suốt 15 năm sống ở đây, chưa bao giờ tôi thấy bà Ngọ la mắng bà Nhu. Họ không có quan hệ ruột thịt, nhưng không ai tốt với bà Nhu bằng bà Ngọ cả".

Đắk Đrông, huyện Cư Jút, Đắc Nông, vợ cả, con chồng
 Bà Ngọ chăm lo cho bà Nhu từng miếng cơm, ngụm nước.

Còn ông Trần Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Đắk Đrông - nhận xét: "Tôi cũng không hiểu vì sao bà Ngọ lại tốt với bà Nhu, nhưng sự thật đúng là như vậy, ở xã này ai cũng biết. Bây giờ con cái đã lập gia đình, ra làm ăn riêng hết, chỉ còn thằng út ở nhà. Bà Nhu nằm một chỗ, không bà Ngọ thì ai lo cho bà ấy được. Mà cuộc sống của họ cũng còn khó khăn lắm, thế mới đáng khen ngợi".

Riêng bà Nguyễn Thị Đông - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã - cho biết thêm: “Không chỉ bà Ngọ mà đứa con đầu của bà Ngọ là Lương Văn Quyền cũng hết lòng chăm lo cho bà Nhu. Nhiều lần đến nhà, tôi thấy nó đút từng thìa cơm, tối còn soi đèn bắt muỗi cho bà Nhu. Thằng bé học được đức tính của mẹ”.


Vẫn chưa thể thành "cổ tích"


Nhưng câu chuyện với Lương Thị Hà - con gái của ông Chẵn và bà Nhu - đã khiến chúng tôi băn khoăn suốt chặng đường về. Hà năm nay 24 tuổi, có chồng và một con gái ở thôn 11, xã Đắk Đrông. Cuộc sống của vợ chồng Hà cũng rất khó khăn. Hà đi mua bán phế liệu, chồng đi làm thuê bấp bênh, căn nhà họ ở chỉ rộng khoảng 15m2...

Hà cho biết, cô bỏ nhà đi từ năm 15 tuổi. Vì sau khi bố mất, Hà thường xuyên bị mấy đứa con của bà Ngọ đánh đập, có lần bị chính bà Ngọ dọa giết. Rồi chuyện bà Ngọ không cho bà Nhu ăn nhiều, đến chuyện bà Nhu đói quá phải chống gậy tự tìm đồ ăn thì bị bà Ngọ đánh vào chân...


“Thế từ lúc em đi, bà Ngọ vẫn chăm mẹ em đấy thôi" - tôi bảo. Hà nói: “Nuôi nhưng không cho ăn uống đầy đủ, 3-4 ngày mới dọn vệ sinh một lần”. Gần 10 năm ra ngoài Hà đi làm ôsin, làm thuê qua ngày, thỉnh thoảng Hà có gửi tiền về để bà Ngọ chăm mẹ. Tôi hỏi giờ đã lập gia đình rồi, sao không đưa mẹ về nuôi thì Hà bảo có lần cô đã xin bà Ngọ cho đưa mẹ về bên này, nhưng bà Ngọ bảo “đi làm gì, không đi nữa, để đó...”.

Việc mẹ con bà Ngọ giữ bà Nhu ở lại - theo giải thích của Hà - chẳng qua là để tránh tiếng xấu với đời. Kết thúc câu chuyện, Hà cho biết sắp tới sẽ vay tiền sửa nhà, xây thêm phòng rồi tìm mọi cách đưa mẹ về nuôi để mẹ con đoàn tụ. "Dù nghèo, gia đình chồng em cũng ủng hộ việc này" - Hà nói.


Tôi đem chuyện Hà kể trao đổi lại, bà Nguyễn Thị Đông cho biết: "Theo nhận xét của chúng tôi và người dân trong xã, bà Ngọ chăm lo cho bà vợ cả của chồng rất chu đáo. Còn cô Hà mặc dù là con ruột của bà Nhu nhưng không nhìn nhận mẹ, rất ít khi chăm sóc mẹ. Nếu vẫn chưa tin anh cứ đi hỏi anh Sinh".

Anh Nông Văn Sinh -Trưởng thôn 3 - khẳng định không có chuyện bà Ngọ độc ác, dọa đuổi khiến Hà bỏ nhà đi mà do cuộc sống khó khăn nên Hà tự đi làm ăn. Có thể Hà nói xấu bà Ngọ để chống chế trước việc người dân nói con gái mà thiếu trách nhiệm với mẹ ruột.


"Chồng mất cả chục năm nay, một mình bà Ngọ nuôi 4 đứa con khôn lớn, lại còn chăm lo cho bà cả là điều khó phủ nhận. Nhà tôi ngay cạnh đó làm sao tôi không biết” - ông Sinh nói. Khi nghe những "cáo buộc" của Hà, bà Ngọ vẫn khá nhẹ nhàng: “Đồng ý là sống chung phải có cãi nhau, nhưng tôi không bao giờ đánh đập, xua đuổi, đe dọa cô Hà. Vợ của chồng nằm liệt giường mấy chục năm tôi còn nuôi được, vậy tôi ghét bỏ con riêng của ông ấy để làm gì? Tôi chỉ có một cái tội, đó là tôi quá nghèo".

Có lẽ bà Ngọ, cô Hà đều có nỗi khổ riêng. Chồng mất, một mình bà Ngọ nuôi cả đàn con, lại chăm sóc cho người vợ cả bệnh tật của chồng chắc không tránh khỏi những lúc "thấy mình khổ quá". Còn cô Hà, tôi đồ rằng khi bố mất đi, người mẹ kế phải nuôi cả mẹ đẻ và bản thân mình nên cũng thấy khổ tâm. Việc cô bỏ nhà đi, bỏ lại người mẹ nằm liệt giường có lẽ cũng từ mặc cảm đó. Giữa họ chưa thực hiểu nhau. Vì vậy câu chuyện này đã không thành "cổ tích".

Mặc dù vậy, trước và sau khi ông Chẵn mất, trước và sau khi cô Hà lấy chồng, bà Ngọ vẫn hết lòng chăm sóc cho bà Nhu ngay tại nhà mình. Đây là điều khiến chúng tôi rất khó nghĩ khác những điều người dân và cán bộ chính quyền nói về bà Ngọ - người đàn bà gần 30 năm nuôi vợ, con cho chồng.





Theo Lao động
Bình luận
vtcnews.vn