Ngày 9/11/1989, bức tường Berlin, biểu tượng của sự chia cắt nước Đức trong Chiến tranh Lạnh bị chính bàn tay của người dân Đức đập bỏ sau 28 năm tồn tại. Nhưng 3 thập kỷ sau, một rào cản vô hình nào đó vẫn trải dài trên khắp quốc gia Tây Âu.
Một báo cáo được chính phủ Đức công bố mới đây cho thấy nhiều người miền Đông vẫn cảm thấy họ là công dân hạng 2. Bản thân Thủ tướng Merkel trong bài phát biểu tháng trước dù nhấn mạnh quá trình tái thống nhất nước Đức chính thức hoàn thành, nhưng thừa nhận sự thống nhất những người Đức chưa hoàn tất hoàn toàn vào ngày 3/10/1990 và điều đó vẫn còn đúng cho đến ngày nay.
Giáo sư xã hội học Steffen Mau tới từ Đại học Humboldt ở Berlin nói rằng nhiều cách biệt, đặc biệt là về kinh tế được thu hẹp nhưng "vẫn còn đó sự khác biệt về thái độ và tâm lý".
"Quan điểm của họ về thế chế dân chủ, giới tinh hoa, truyền thông và quan hệ với Nga vẫn còn những khác biệt. Ngay cả cách mọi người nhìn nhận bản thân và đất nước cũng khác nhau", ông nói với CNN.
Theo vị giáo sư, hầu hết người phía Tây Đức nói không còn sự khác biệt, tất cả đã bị cuốn trôi trong quá trình hợp nhất trong khi người phía Đông tin rằng vẫn còn những cách biệt giữa 2 miền Đông, Tây.
Ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Berenberg nhận định sự khác biệt tập trung vào một vấn đề cụ thể: hầu hết người giàu nhất nước Đức sống ở phương Tây. Các công ty hàng đầu đất nước với thu nhập cao không mấy khi "đóng đô" ở phía Đông.
Theo Viện nghiên cứu kinh tế Halle, chỉ 36 trong tổng số 500 công ty lớn nhất của Đức có trụ sở ở miền Đông. Nhiều người ưu tú của nước Đức cũng thích chọn miền Tây để phát triển sự nghiệp.
Các thống kê cho thấy dân số ở miền Đông già hơn, nghèo hơn và nhiều nam giới hơn. Nguyên nhân là do cuộc di cư khổng lồ của người từ phía Đông sau khi bức tường Berlin sụp đổ.
Ước tính có khoảng 2 triệu người rời miền Đông để tới miền Tây cách đây 30 năm, mà 2/3 trong số họ là phụ nữ.
Nhiều người phụ nữ "di cư" thường rất độc lập, họ thích nghi nhanh với xã hội. Do đó, khi nhiều nam giới trở lại miền Đông, họ ở lại và cố gắng tìm kiếm cuộc sống mới cho mình.
Khoảng cách về giới tính của 2 miền cũng có những cách biệt đáng kể.
"2 miền có văn hóa rất khác nhau. Phương Đông khuyến khích phụ nữ làm việc hơn so với phương Tây", ông Mau cho hay.
Mặc dù trải qua 3 thập kỷ thống nhất, vẫn có sự khác biệt về giáo dục trên toàn nước Đức. Học sinh ở miền Đông đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra đọc và toán. Với các kỳ thi trung học, học sinh ở miền Đông vượt trội so với các bạn đồng trang lứa ở miền Tây.
Về mặt chính trị, nước Đức cũng chia rẽ. Các cử tri ở phía Đông có thiên hướng ủng hộ đảng cựu hữu AfD.
Nguyên nhân, theo ông Mau, do "chấn thương" trong quá khứ. Cuộc sống trở nên khó khăn với nhiều người miền Đông sau khi thống nhất. Nhiều người thất nghiệp, trải qua một thời gian biến động an ninh dài. Kết quả là họ phát triển thói quen giữ gìn, bảo vệ và không sẵn sàng với các thay đổi xã hội.
"Chủ nghĩa dân túy rơi xuống mảnh đất màu mỡ, mọi người sẵn lòng nói họ bảo vệ những gì chúng ta có, bảo vệ văn hóa của chúng ta, họ bảo vệ biên giới của chúng ta", ông Mau nói thêm.
Các thống kê chính thức khác: người miền Tây sở hữu nhiều xe hơi hơn, người miền Đông ít mua sắm hơn và thích các đại siêu thị trong khi người miền Tây thích các cửa hàng tạp hóa nhỏ.
Ngay cả thị hiếu cũng khác biệt. Người miền Đông trung thành với các thương hiệu cũ như Vita Cola, phiên bản của Coca-Cola. Người miền Đông thích tắm bong bóng hơn so với phần bên kia của đất nước.
Bình luận