Dù phản ứng gay gắt với Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT trong công tác triển khai thu phí dịch vụ tự động không dừng, cuối cùng các nhà đầu tư trạm BOT Công ty Cổ phần Phước Tượng - Phú Gia BOT (trạm Bắc Hải Vân), Công ty TNHH đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh (trạm Cam Thịnh), Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp (trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp) cũng đã ký phụ lục hợp đồng đồng ý với các phương án của Tổng cục Đường Bộ.
Như vậy, tính đến nay, 44 trạm thu phí đã ký phụ lục hợp đồng đồng ý triển khai thu phí dịch vụ tự động không dừng theo kế hoạch của Bộ GTVT trong năm 2019.
Chủ trương thực hiện thu phí không dừng (ETC) tại các trạm BOT được triển khai giai đoạn 1 từ năm 2015. Quốc hội chỉ đạo thực hiện trong nghị quyết về BOT, Thủ tướng ra quyết định về thực hiện vào năm 2017. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chậm nhất đến ngày 31/12/2019 các trạm thu phí trên toàn quốc phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ ETC thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC.
Trước đó, vào chiều 9/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ra "tối hậu thư" sẽ tạm dừng thu phí kể từ 18h ngày 10/7 với 3 dự án BOT giao thông nếu nhà đầu tư dự án chưa ký phụ lục hợp đồng để triển khai thu phí tự động không dừng.
Dù đồng ý với chủ trương thu phí dịch vụ tự động không dừng nhưng trong quá trình đàm phán với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhiều nhà đầu tư BOT lại phản ứng gay gắt. Trong đó, mâu thuẫn lớn nhất xuất phát từ những tranh cãi về mức chi phí phải trả cho nhà cung cấp dịch vụ ETC, được trích từ doanh thu thu phí.
Trước đây, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng đồng ý sử dụng tiền từ chi phí quản lý thu phí (7-9% doanh thu mỗi dự án BOT) mà nhà đầu tư BOT được hưởng để trích trả cho nhà cung cấp dịch vụ ETC.
Theo đó, nhà đầu tư BOT ký hợp đồng với nhà cung cấp ETC theo thỏa thuận trích khoảng 50% chi phí quản lý thu phí tính theo làn ETC. Với phương án này, mỗi trạm BOT chỉ lắp thí điểm 2 làn ETC nên chi phí trả cho nhà cung cấp ETC ít. Điều này dẫn đến nguy cơ nhà cung cấp ETC không hoàn được vốn đầu tư khiến ngân hàng không cho vay vốn thực hiện dự án ETC.
Trước vấn đề này, ngân hàng và nhà đầu tư ETC kiến nghị Bộ GTVT xin Thủ tướng cho cơ chế tách riêng chi phí quản lý ETC và chi phí giám sát của nhà đầu tư BOT độc lập. Thủ tướng chấp thuận phương án này nên Bộ GTVT tính lại mức phí quản lý ETC không vượt quá mức trích lại cho tổ chức thu phí của nhà đầu tư BOT.
Bên cạnh đó có thêm chi phí giám sát dự án BOT. Hai khoản chi phí này làm tỉ lệ trả cho nhà đầu tư ETC cao hơn phương án trước đây khiến thay đổi phương án tài chính của dự án BOT. Vì vậy, Bộ GTVT phải ký lại phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư BOT, nhưng các nhà đầu tư BOT lấy lý do trước đây đã ký rồi nên không ký lại phụ lục nữa.
Theo quyết định 07 của Thủ tướng, nhà đầu tư BOT phải bàn giao lại toàn bộ trạm thu phí cho nhà cung cấp ETC thực hiện thu phí. Lúc đó nhà đầu tư BOT không phải trả chi phí nhân công, quản lý, giám sát hoạt động của trạm nữa vì đã có nhà đầu tư ETC thực hiện thu phí.
Ngày 7/7, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN cho biết đã nhận được các kiến nghị của nhà đầu tư BOT sau khi nghe thông tin sẽ bị tạm dừng thu phí vì chậm trễ ký kết việc thực hiện ETC. Hiệp hội cho rằng, việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC và ấn định tỉ lệ phần trăm doanh thu phải trích lại cho nhà cung cấp dịch vụ này là chưa rõ ràng, làm phát sinh thời gian thu phí dự án.
Bình luận