Sputnik đưa tin thiên thạch mang ký hiệu 2017 BH30 to bằng chiếc xe hơi bay ngang qua Trái đất hôm 30/1 ở khoảng cách gần nhất chỉ 52.000 km. Nếu so sánh, ở thời điểm gần Trái đất nhất, Mặt trăng cũng cách hành tinh xanh hơn 360.000 km.
6 ngày trước đó, thiên thạch 2017 AG13 to bằng một ngôi nhà tiến đến gần Trái đất ở khoảng cách 177.000 km. Theo ước lượng của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), AG13 có đường kính khoảng 15 đến 35m.
Với kích cỡ này, AG13 ít nhất ngang ngửa với sao băng Chelyabinsk từng khiến 1.500 người bị thương khi phát nổ trên bầu trời vùng Ural thuộc Nga hồi năm 2013. Vụ nổ giải thoát năng lượng tương đương 500 kiloton thuốc nổ TNT, mạnh gấp 20-30 lần vụ nổ bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến 2.
Trong khi đó hôm 20/1, thiên thạch 2017 BX quét ngang qua Trái đất ở khoảng cách chỉ hơn 26.000 km. Cả 3 thiên thể đều được phát hiện chỉ vài ngày trước khi chúng tiến đến gần Trái đất.
"Chúng càng lớn thì càng dễ phát hiện. Những thiên thể nhỏ chúng tôi thường không tìm thấy. Và khi phát hiện được thì lại có phần quá trễ", chuyên gia thiên văn Antonio Paris thuộc Bảo tàng Khoa học và Công nghiệp Tampa cho biết.
Video: Thiên thạch lao vào khí quyển sáng rực trời
Theo tổ chức phi lợi nhuận B612 chuyên theo dõi các vật thể gần Trái đất, khoảng một triệu thiên thạch với kích cỡ nhỏ có thể quét sạch một thành phố hoặc làm sụp đổ một nền kinh tế vẫn chưa được xác định.
Các nhà khoa học dự báo lần tiếp theo một thiên thể tiến đến gần Trái đất là vào tháng 10 năm nay khi thiên thạch 2012 TC4 có thể đi ngang qua Trái đất ở khoảng cách 21.000 km.
Hồi cuối năm 2016, chuyên gia cấp cao của NASA Joseph Nuth nói nếu một sao băng lớn va chạm với Trái đất, "chúng ta chẳng thể làm gì được". Đến nay, vụ va chạm lớn nhất từng xảy ra là vào năm 1908 khi một một sao băng phát nổ gần sông Podkamennaya Tunguska ở vùng Krasnoyarsk thuộc Nga. Vụ nổ gần như san bằng cả khu vực rừng rộng 2.000 km2 song không gây thiệt hại về người.
Bình luận