3 thập kỷ và những chiếc ôtô đắt nhất thế giới

Thời sựThứ Hai, 20/08/2012 12:18:00 +07:00

Trước đây, cán bộ, đảng viên “3 cùng” với dân. Bấy giờ dân cũng hết lòng vì cán bộ. Bây giờ nếu không cẩn thận là chúng ta mất hết sự tín nhiệm của dân...

Thông báo công khai của Bộ Chính trị xung quanh 16 ngày kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 đã được đông đảo nhân dân đánh giá cao về sự nghiêm túc, về trách nhiệm. Nguyên Ủy viên T.Ư Đảng khóa VII, VIII, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Ngô Hai trao đổi với PV về những gì ông băn khoăn, trăn trở xung quanh đợt sinh hoạt chính trị này.

Phải làm rõ trách nhiệm cấp chiến lược, điều hành, thực thi đến đâu

Nguyên Ủy viên T.Ư Đảng khóa VII, VIII, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Ngô Hai. 
Thưa ông Nguyễn Ngô Hai, sự kiện chính trị đặc biệt trong tuần chính là thông báo của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm tập thể Bộ Chính trị và cá nhân các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng. Cảm nhận của ông?

- Kiểm điểm lần này so với những đợt trước đây có nhiều mặt tích cực. Trước hết là việc dám nói, dám đề cập đến trách nhiệm của tập thể Bộ Chính trị trước Đảng, trước nhân dân, nhất là các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội.

Sau thông báo công khai của Bộ Chính trị và phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, dư luận đánh giá rất cao và kỳ vọng là T.Ư làm nghiêm túc, khoa học.


Những gì mà T.Ư thông báo cho toàn dân cùng biết cho thấy việc chấn chỉnh Đảng lần này T.Ư làm rất quyết liệt. Dù chưa có kết quả cụ thể, tuy nhiên, việc quyết liệt nhìn thẳng vào sự thật chính là việc nâng cao trách nhiệm với đất nước.

Với tư cách là một công dân, tôi tin nếu chúng ta dám đấu tranh, tránh bệnh hình thức trong phê bình và tự phê bình thì không có lý do gì mà dân không tin Đảng.


Tuy nhiên, tôi cho rằng cần gánh trách nhiệm tập thể Bộ Chính trị với những vấn đề quốc kế dân sinh của đất
 
Ngay khi vừa nhậm chức, đồng chí Tổng Bí thư đã rất cương quyết với câu chuyện nghi lễ chào mừng. Điều này cần được đưa ngay vào trong cuộc chỉnh đốn Đảng bởi trong thực tế chúng ta quá nặng nề về nghi lễ, hội hè. Tôi mừng vì những biểu hiện cương quyết của đồng chí Tổng Bí thư. Bởi câu chuyện nghi lễ hội, hè bảo nhỏ thì là nhỏ, nhưng thực tế, đó chính là một biểu hiện của xa dân, của khoảng cách cấp trên cấp dưới.
Ông Nguyễn Ngô Hai
nước. Lâu nay, chúng ta chỉ nói về thành công trong khi trong thực tế, sự tụt hậu là rất xa so chính với các nước trong khu vực chứ chưa nói tới thế giới. Nông nghiệp thì thiếu chất lượng, thiếu năng suất; công nghiệp thì biến thành nền công nghiệp gia công.


Chẳng hạn như cái ôtô. Sau gần 3 thập kỷ, cũng mới chỉ là ngành lắp ráp, trong khi đó, người dân phải trả tiền cho “những chiếc ôtô đắt nhất thế giới”.

Biết bao khu công nghiệp xây ra rồi bỏ đó, hết sức tràn lan. Đâu cũng cảng nước sâu, cũng sân bay, cũng khu công nghiệp, trong khi đặt gánh nặng nợ nần lên quốc gia.

Người dân thực ra không quan tâm đến tăng trưởng bao nhiêu, bao nhiêu phần trăm đâu, họ chỉ nhìn những điều cụ thể gần gũi, gắn với đời sống của họ.


Theo tôi, kiểm điểm lần này chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc rất nhiều vấn đề liên quan đến những cái chưa được thuộc về các quốc sách quốc gia, về kinh tế, về an ninh, về xây dựng con người.

Vấn đề này chính là cái tầm, là việc mà Bộ Chính trị phải đặt ra, phải phân định rõ: Trách nhiệm cấp chiến lược đến đâu, điều hành, thực thi đến đâu, dứt khoát là phải làm rõ. Bởi chỉ có kiểm điểm làm rõ, có thể chưa giải quyết rốt ráo ngay được thì cũng nhìn ra được căn nguyên để sửa ngay để con cháu sau này không bị tụt hậu.


Nói cho công bằng thì thế hệ chúng tôi cũng có trách nhiệm. Và chính vì thế, chúng ta càng cần phải đặt ra một cách cấp bách hơn.

Thông báo của Bộ Chính trị có nhắc đến việc kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến Vinashin, Vinalines - một trong nhiều vấn đề gây bức xúc trong nhân dân?

- Vinashin, Vinalines chính là những trường hợp cụ thể về những bất cập trong quản lý vốn. Tôi cứ nói đơn giản như nhân dân vẫn nói - là chuyện “tàu sắt tàu gỗ”.

Trong khi hàng trăm ngàn con tàu gỗ của ngư dân vẫn ngày đêm làm nhiệm vụ phát triển kinh tế và giữ biển, thì chúng ta chỉ tập trung vào vài con tàu sắt.

Chính người dân nói như thế khi đọc trên báo những con số trăm tỉ, ngàn tỉ mà Vinashin, Vinalines đổ xuống sông, xuống biển.


Cuộc sống phải được bàn trên bàn nghị sự, phải quyết trên cơ sở thực tế chứ không thể nói cứ nói, còn làm thì khác. Tôi cho rằng muốn lấy lại niềm tin nơi nhân dân, có nghĩa là cùng với kiểm điểm phải sửa ngay những vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là vấn đề đất đai, giá cả.

Chính sách thiếu thực tế sẽ làm hỏng bộ máy

Trong tuần rồi, dư luận nổi sóng sau vụ một cán bộ Văn phòng Quốc hội đánh một nữ lao động vác gậy ở sân golf. Nhưng đây chỉ là những điều nhân dân nhìn thấy, hay nói chính xác hơn là những điều mà cán bộ chúng ta không thể chối bỏ, ông có nhận xét gì, thưa ông?

- Đã là người lãnh đạo, bất kể cấp nào thì cũng đều là “người của công chúng”. Tổng thống Mỹ cũng chơi bóng bàn. Tôi làm bí thư tỉnh ủy bao nhiêu năm cũng đá bóng, chơi cầu lông.

Nhưng gần đây tôi nhận thấy đang xảy ra một câu chuyện là “cấp dưới hòa nhập theo cấp trên”. Cấp trên chơi gì, cấp dưới chơi cái đó, để hòa nhập. Cấp trên không mẫu mực thì cấp dưới cũng hư theo.


Bỏ qua câu chuyện ngoại giao, trong thực tế, golf là một hình thức chơi xa xỉ với cuộc sống của dân. Vấn đề là cán bộ là công bộc của dân, cán bộ không thể sống trên mức sống của dân chúng.

Cán bộ không thể chơi trên sự nghèo khó của dân chúng. Bởi sự quan cách trong công việc đã là rất đáng chê trách, giờ quan cách trong cả sinh hoạt thì không thể chấp nhận được.


Trước đây, cán bộ, đảng viên “3 cùng” với dân. Bấy giờ dân cũng hết lòng vì cán bộ. Bây giờ nếu không cẩn thận là chúng ta mất hết sự tín nhiệm của dân, không cẩn thận là chúng ta mất dân.

Phải chăng việc ban hành một chính sách thiếu thực tế cũng là một hình thức xa dân, thưa ông?

- Điều đó là chính xác. Và phải nói sự xa dân này gây tác hại hơn nhiều so với sự bàng quan đơn thuần với đời sống người dân. Bởi chính sách nào cũng phải xuất phát từ đời sống, từ nguyện vọng, từ quyền lợi của người dân. Chính sách nào cũng phải để cho dân được bàn, được có ý kiến.

Tôi thấy ở các địa phương bây giờ đang rộ lên câu chuyện thu hồi đất của dân, trước là ào ào làm khu công nghiệp, và giờ là để làm khu đô thị. Ở nhiều nơi, chính sách này tước đoạt rất nhiều đất của dân và nói thẳng là không phù hợp với dân, làm dân mất tư liệu sản xuất, rơi vào cảnh thất nghiệp.

Tôi cho rằng Chính phủ cần phải tinh thông, nếu không sẽ không thể cân bằng quyền lợi giữa một bên là nhân dân, một bên lợi ích nhóm.


Quá trình kiểm điểm tới đây, có lẽ cũng cần phải kiểm điểm việc ban hành và thực thi các chính sách. Và không thể nói tôi không có trách nhiệm gì trước một chính sách quá xa lạ với đời sống.

Kiểm điểm việc ban hành các chính sách phải trả lời được câu hỏi: Chính sách đứng trên lợi ích của ai. Và sự bất hợp lý nhìn thấy phải được đặt ra giải pháp để ngăn ngừa.


Không gì qua được mắt nhân dân

Trở lại với vấn đề kiểm điểm. Hồi tháng 6 ở Hải Dương xảy ra câu chuyện “biệt thự” của con trai Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Những bức xúc, thắc mắc của dư luận đối với cá nhân lãnh đạo, gia đình, vợ con cũng là một nội dung được TBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là sẽ kiểm điểm, làm rõ. Điều này cũng sẽ là một khó khăn, thưa ông?

- Một trưởng phòng của cơ quan cấp sở mà có nhiều tiền để xây dinh thự. Tôi cũng thấy lạ. Chắc chắn kiểm điểm lần này không thể bỏ qua. Lương bao nhiêu và tiền ở đâu, điều này dứt khoát phải truy đến cùng chứ không thể xuê xoa.

Tôi biết cách thức “gửi gắm” của cán bộ giữ vị trí lãnh đạo để né tránh việc kê khai và công khai tài sản, bởi vì họ không thể lý giải nguồn gốc.

Nhưng tôi tin nếu chúng ta thực sự làm và làm đến nơi đến chốn thì mọi việc không phải khó để có thể làm dễ dàng. Nhân dân chính là tai mắt của tổ chức Đảng, có ai qua mắt được người dân đâu.


- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Lao động
Bình luận
vtcnews.vn