5 đợt chìm trong bụi mịn
Theo Tổng cục Môi trường, năm 2019, Hà Nội trải qua ít nhất 5 đợt ô nhiễm không khí. Đợt đầu tiên diễn ra trong 16 ngày từ 11 đến 26/1. Đợt thứ hai kéo dài 17 ngày, từ 11 đến 27/3 (17 ngày).
Đợt ô nhiễm không khí thứ 3 diễn ra từ 12/9 đến 3/10 (18 ngày), đợt thứ tư từ ngày 5 đến 12/11 (7 Ngày) và đợt thứ 5 kéo dài từ ngày 7 đến 16/12.
Những đợt ô nhiễm kéo dài này khiến sinh hoạt của người dân Hà Nội bị đảo lộn, các chuyên gia khuyến cáo không nên ra đường trong thời gian này.
Theo GS. TS Hoàng Xuân Cơ (Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội), quá trình ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã diễn ra từ nhiều năm, song đến giai đoạn 2017 - 2018, khi hệ thống quan trắc đi vào hoạt động liên tục ở Hà Nội, cơ quan chức năng mới ghi nhận được các chỉ số và công khai.
"Nghiên cứu cho thấy các tháng cuối năm thường xảy ra ô nhiễm liên tục ở mức độ xấu đến rất xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, tăng khả năng đột quỵ, các bệnh tim mạch", ông Cơ nói và cho rằng chính quyền Thủ đô cần sớm triển khai những giải pháp cả trước mắt và lâu dài để khắc phục.
Ông Trần Đình Sính - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), cho rằng, chính quyền Hà Nội cần đẩy mạnh cung cấp thông tin cảnh báo về ô nhiễm không khí và cách phòng tránh cho người dân một cách kịp thời, tương tự như thông tin dự báo thời tiết hiện nay. Cần thống kê chi tiết các nguồn thải dẫn đến ô nhiễm không khí để đưa ra giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực.
"Bên cạnh nỗ lực ở cấp chính quyền địa phương, Quốc hội Việt Nam cần xây dựng luật về không khí sạch", ông Sính đề xuất.
Thiếu nước sạch do đổ trộm dầu thải
Ngày 10/10, nhiều hộ dân ở Hà Nội phản ánh tình trạng nước sinh hoạt có mùi lạ. Sự việc được phản ánh rầm rộ trên báo chí khiến các cơ quan chức năng vào cuộc, phát hiện có xe tải chở dầu thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hoà Bình), gây ô nhiễm nguồn nước của Công ty nước sạch Sông Đà. Công ty này có biết sự việc nhưng cố tình không báo cáo lên các cơ quan chức năng của tỉnh Hoà Bình cũng như TP. Hà Nội.
Qua kết quả xét nghiệm, cơ quan chức năng xác định chất styren là thủ phạm gây mùi lạ và có tỷ lệ cao hơn mức cho phép từ 1.3 tới 1.6 lần. TP. Hà Nội khuyến cáo dân không dùng nước của Công ty nước sạch Sông Đà để ăn uống.
Ngày 16/10, Công an huyện Kỳ Sơn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ Luật Hình sự 2015.
Tới ngày 25/12, Công ty nước sạch Sông Đà (Viwasupco) mới chịu gửi đi thông báo xin lỗi khách hàng và tuyên bố miễn phí 1 tháng tiền nước.
Liên quan tới sự việc, ngày 4/11, Công ty nước sạch Sông Đà cho miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc với ông Nguyễn Văn Tốn vì những phát ngôn coi thường người tiêu dùng.
Phát tán thuỷ ngân do cháy Công ty Rạng Đông
Tối 28/8, khu nhà xưởng của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Động (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cháy lớn.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, khoảng 15 - 27kg thuỷ ngân đã phát tán ra môi trường.
Sau thông tin động trời trên, dân xung quanh khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ cháy đi khám sàng lọc sức khoẻ. Nhiều hộ dân sống gần Công ty Rạng Đông "sơ tán" khỏi khu vực này. Tháng 9/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khẩn trương triển khai xử lý hậu quả vụ cháy.
Sau nhiều lần trốn tránh câu hỏi của phóng viên về thuỷ ngân hoá lỏng bị phát tán ra môi trường, Công ty Rạng Đông phải thừa nhận khoảng 480 nghìn bóng đèn bị cháy trong vụ hoả hoạn có dùng thuỷ ngân hoá lỏng. Vụ cháy khiến công ty này thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng và nhà máy sẽ bị di dời sang Quế Võ, Bắc Ninh.
Bình luận