Lập đoàn giám sát, kiểm toán các dự án nhà ở xã hội
HĐND thành phố Hà Nội vừa thành lập Đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở thành phố (giai đoạn 2016-2020) và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán chương trình nhà ở xã hội (NƠXH) các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm (giai đoạn 2015-2017).
Đoàn giám sát sẽ xem xét báo cáo của các sở, ngành liên quan và giám sát trực tiếp tại Sở Xây dựng, kết hợp khảo sát thực tế tại một số dự án trên địa bàn thành phố. Việc giám sát trực tiếp tại các đơn vị dự kiến được tiến hành trong thời gian từ ngày 23/8 đến 30/8/2019.
Theo đó, đợt giám sát nhằm đánh giá việc chấp hành trong thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố (giai đoạn 2016-2020); việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về kiểm toán Chương trình NƠXH quận Hà Đông, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm (giai đoạn 2015-2017), đánh giá những kết quả đạt được, làm rõ hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức liên quan. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị những giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả chính sách, pháp luật về nhà ở trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Nhà ở xã hội biến tướng
Liên quan đến chủ trương phát triển nhà ở xã hội, như Tiền Phong thông tin trước đó, hiện nay chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp đang bị biến tướng, "phá nát' với đủ kiểu.
Theo Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015 quy định, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết... để xây dựng NƠXH.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện quỹ đất 20% xây NƠXH tại một số đô thị lớn "bốc hơi" một cách khó hiểu. Doanh nghiệp chỉ chăm chăm xây nhà ở thương mại để bán mà "bỏ quên" xây NƠXH, thậm chí tìm mọi cách để chuyển đổi quỹ đất này.
Đơn cử, mới đây cư dân tại Khu đô thị Ciputra do Cty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư đã làm đơn kiến nghị khẩn cấp gửi lên Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc điều chỉnh một số ô đất trong khu đô thị, bao gồm cả quỹ đất 20%.
Có những dự án khác, như dự án The Manor Central Park trên đường Nguyễn Xiển của Tập đoàn Bitexco họ đã thực hiện bố trí 20% diện tích tại ô đất số 18 theo quyết định phê duyệt quy hoạch số 5873 ngày 17/12/2013. Nhưng đến quyết định 3021/QĐ-UBND ngày 30/6/2015 của UBND thành phố Hà Nội về việc chấp thuận đầu tư dự án, thì khu đất này lại được xếp xây dựng vào giai đoạn 2, và xây dựng gần như sau cùng.
Hay tại dự án Diamond Park (xã Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội) do Cty CP Tập đoàn Videc làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt giữa năm 2008 dù đến nay chủ đầu tư đã phân lô biệt thự, nhà liền kề bán gần xong thì NƠXH vẫn chưa triển khai. Thậm chí, dù đã có quy định chặt chẽ về quỹ đất dành xây NƠXH, dự án Park City (quận Hà Đông, Hà Nội) quy mô hơn 77 ha lại được “miễn” quỹ đất 20% xây NƠXH một cách khó hiểu.
Là đơn vị được giao kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành để phát triển NƠXH, Bộ Xây dựng mới đây đề nghị UBND các tỉnh, thành báo cáo việc dành quỹ đất cho phát triển NƠXH trên địa bàn để chuẩn bị báo cáo Thủ tướng.
Năm 2017, Thanh tra Chính phủ có thông báo kết luận về việc thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý sử dụng đất, quỹ nhà ở để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị giai đoạn 2002-2014.
Kết luận chỉ ra nhiều sai phạm của TP Hà Nội như: Cho phép các dự án nộp tiền trong khi không có quy định cho phép chủ đầu tư nộp tiền thay vì phải sử dụng quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH; ban hành quyết định về nghĩa vụ trích nộp quỹ nhà ở, quỹ đất ở còn thiếu, thậm chí một số dự án không phải trích nộp, hoặc quỹ đất 20% được giao lại để xây dựng nhà bán…
Thiết nghĩ, cần tiến hành thanh tra toàn diện lần nữa, để UBND TP Hà Nội làm rõ một số vấn đề: Quỹ đất 20% dành cho NƠXH hiện nay đang ở đâu? Tại sao nhiều dự án lớn hơn 10ha không thực hiện quy định của pháp luật vẫn ung dung tồn tại? Phải chăng diện tích 20% này đang bị “cắt xén”...
Bình luận